Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo nước này có thể sẽ xem xét lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sau một loạt động thái gần đây của Ankara.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tuyên bố trên của Thủ tướng Merkel được đưa ra một ngày sau khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ thêm hai công dân Đức vì "những lý do chính trị", nâng tổng số công dân Đức bị giam giữ vì các lý do trên tại Thổ Nhĩ Kỳ lên con số 12 người.
Trong số các công dân bị bắt này, có 4 trường hợp là người mang hai quốc tịch Đức-Thổ Nhĩ Kỳ và hai người là nhà báo nổi tiếng.
Theo Thủ tướng Merkel, hầu hết các vụ bắt giữ nói trên là "không có cơ sở pháp lý," do đó bà kêu gọi Ankara trả tự do ngay lập tức cho các công dân này.
Tuy chính quyền Ankara chưa đưa ra thông báo chính thức nào về vụ bắt giữ hai công dân Đức mới nhất, song vụ việc này đã được cảnh sát sân bay quốc tế Antatya ở Thổ Nhĩ Kỳ - nơi xảy ra vụ bắt giữ - xác nhận.
Trong khi đó, Anadolu - hãng thông tấn quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ - cũng đưa tin về vụ bắt giữ, đồng thời nêu rõ đây là một cặp vợ chồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài 12 tù nhân chính trị nêu trên, hiện còn có 43 công dân Đức khác bị bắt và giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ vì những lý do khác nhau.
Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là 2 quốc gia đồng minh gần gũi trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu rạn nứt kể từ khi Berlin chỉ trích mạnh mẽ Ankara về cách nước này giải quyết vụ đảo chính bất thành hồi năm ngoái.
Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang khi cả hai bên liên tục công kích nhau liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức, dự kiến diễn ra vào ngày 24/9 tới.
Ngày 18/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thậm chí đã kêu gọi toàn bộ người gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) của Thủ tướng Merkel, đảng Dân chủ Xã hội (SDP) của Ngoại trưởng Sigmar Gabriel, hay đảng Xanh, do đây là "kẻ thù của Ankara".
Thủ tướng Merkel cùng nhiều quan chức trong Chính phủ Đức đã chỉ trích hành động của Tổng thống Erdogan là vô lý, đồng thời nhấn mạnh rằng không ai có quyền can thiệp công việc nội bộ của nước Đức.
Nhiều chính trị gia ở Đức đã kêu gọi chính phủ nước này sớm ban hành cảnh báo hạn chế đi lại đối với người dân Đức có ý định tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện tại có khoảng 3 triệu công dân Đức có gốc gác từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc là công dân Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sinh sống tại Đức./.
(TTXVN)