Ngoại trưởng Đức và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí sẽ gặp nhau vào tuần tới nhằm xoa dịu căng thẳng được cho là “sắp tràn ly” giữa hai bên.
Tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức liên
quan đến nhiều vấn đề như việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một nhà báo Đức và một
số địa phương của Đức quyết định hủy những cuộc mittinh lớn diễn ra tại
Đức với sự tham gia của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đang làm xói mòn quan hệ
giữa hai nước, đồng thời đẩy căng thẳng giữa hai nước lên một nấc thang
mới.
Sau Gaggenau và
Cologne, đến lượt Frechen, một thị trấn nhỏ gần Cologne, Đức ngày 3/3
quyết định hủy một cuộc mittinh lớn của cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ
Kỳ. Cuộc mittinh dự kiến diễn ra vào ngày 5/3, đã bị hủy với lý do bên
cho thuê địa điểm không đồng ý cho tổ chức một sự kiện mang tính chính
trị.
Theo kế hoạch, Bộ
trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci sẽ có bài phát biểu tại cuộc
mittinh này. Trước đó, Cologne đã hủy một cuộc mittinh tương tự, cũng dự
kiến có ông Zeybekci phát biểu, với lý do không đảm bảo an ninh.
Thổ Nhĩ Kỳ tổ
chức các cuộc mittinh lớn ở Đức trong cộng đồng người gốc Thổ với tham
vọng tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri đối với việc cải cách hiến pháp, qua
đó gia tăng quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdoga.
Ước tính có
khoảng 1,4 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đang sống tại Đức và đây đều là những
người đủ điều kiện để tham gia cuộc bỏ phiếu về trưng cầu ý dân diễn ra
tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4 tới.
Việc chính quyền
một số địa phương tại Đức liên tiếp hủy những cuộc mittinh lớn có giới
chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ tham gia đã khiến giới chức Thổ Nhĩ Kỳ không
khỏi giận dữ.
Vì vụ việc này,
Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag đã hủy luôn cuộc gặp với Bộ
trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas và quay trở về Thổ Nhĩ Kỳ.
Phản ứng trước
các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, giới chức Đức cho rằng, đây là vấn đề của
địa phương. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, Chính phủ Đức không
liên quan đến các quyết định của chính quyền địa phương và bà tôn trọng
quyết định của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, đây
chỉ là “giọt nước làm tràn ly”. Bởi trước đó, quan hệ Đức và Thổ Nhĩ Kỳ
đã tiềm ẩn nhiều bất đồng. Quan hệ giữa Đức với Thổ Nhĩ Kỳ vốn xấu đi
sau vụ đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2016, đã trở nên
tệ hơn sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ phóng viên nổi tiếng Deniz Yucel làm
việc cho tờ Die Welt của Đức hôm 27/2. Vụ việc đã gây ra một cuộc “đấu
khẩu” đầy căng thẳng giữa giới chức ngoại giao hai nước.
Mới đây nhất,
ngày 3/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã cáo buộc Đức đang hỗ
trợ và nuôi dưỡng khủng bố. Ông Erdogan cũng cáo buộc một nhà báo Đức bị
Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ mới đây chính là điệp viên của Đức và là thành viên
của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang hoạt động ngoài vòng pháp luật
tại Thổ Nhĩ Kỳ.
“Đây không phải
là phóng viên bị bắt giữ. Đó là người đã ẩn náu trong đại sứ quán Đức và
là thành viên của Đảng Công nhân người Kurd. Khi chúng tôi yêu cầu phía
đại sứ quán trao trả đối tượng, họ đã từ chối”, ông Erdogan tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Đức ngay lập tức đã có phản ứng gay gắt, cho rằng tuyên bố
trên của ông Erdogan n là “vô lý”.
Trong bối cảnh
căng thẳng có nguy cơ leo thang trong quan hệ giữa hai nước, Ngoại
trưởng Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí gặp nhau vào tuần tới. Dự kiến,
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ kỳ Mevlut Cavusoglu và người đồng cấp Đức Sigmar
Gabriel sẽ gặp nhau vào ngày 8/3 tới. Theo hãng thông tấn nhà nước Thổ
Nhĩ Kỳ Anadolu, cuộc gặp có thể diễn ra ở Đức./.
Hồng Nhung (VOV)