Theo báo cáo nhanh sáng 5/8 của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai
Trung ương, mưa lớn trong những ngày qua đã khiến mực nước các sông,
suối nhiều địa phương dâng lên cao, đạt mức cảnh báo cấp độ rủi ro thiên
tai cấp 1. Do đó, các địa phương cần khẩn trương có kế hoạch ứng phó.
Ban chỉ đạo cũng đưa ra cảnh báo về lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt
lở đất và ngập úng ở vùng trũng có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng
núi phía Bắc. Đặc biệt, một số tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên,
Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang. Cảnh báo cấp độ rủi
ro thiên tai đạt mức cấp 1.
Cụ thể, từ rạng sáng ngày 5/8, trên địa bàn các tỉnh Điện
Biên, Lai Châu, Lào Cai đã xảy ra mưa to đến rất to với lượng mưa phổ
biến từ 30-60mm. Một số nơi có mưa rất lớn như: Bát Xát 152mm, Vĩnh Yên
(trên sông Nghĩa Đô) 72mm, thành phố Lào Cai 63mm, Nà Hừ (Lai Châu)
61mm, thành phố Điện Biên 55mm.
Dự báo trong ngày và đêm 5/8 ở tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai,
Sơn La, Yên Bái tiếp tục có mưa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Lượng mưa phổ biến từ 30-50mm, có nơi trên 70mm.
Về mực nước các hồ chứa, hiện các hồ chứa của các tỉnh Miền núi phía Bắc
đạt từ 50-80% dung tích thiết kế. Một số hồ đã đạt mức cao như: Ngòi Là
2 101% (Tuyên Quang); Quán Chẽ 100% (Thái Nguyên); Đồng Cốc 101%, Khuôn
Thần 94%, Làng Thum 94%, Trại Muối 104%, Dộc Bấu 100% (Bắc Giang); Chúc
Bài Sơn 80% (Quảng Ninh); Ngòi Vần 89%, Thượng Long 86% (Phú Thọ); Vân
Trục 99%, Vĩnh Thành 100%, Làng Hà 93% (Vĩnh Phúc). Riêng huyện Lục Ngạn
(Bắc Giang) tất cả các hồ đã đạt 90-100% dung tích thiết kế.
Theo báo cáo của các địa phương, hầu hết các hồ chứa do Công ty khai
thác công trình thủy lợi quản lý đã vận hành theo đúng quy trình đã được
phê duyệt của hồ chứa. Các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý trực
24/24 giờ thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công
trình. Nhìn chung các hồ chứa hiện an toàn, đến nay chưa có báo cáo về
nguy cơ mất an toàn hồ chứa của các địa phương.
Nước lũ kéo theo bùn đất kéo xuống nhà dân ở Lào Cai. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, căn cứ diễn biến mưa lũ, Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các địa
phương có kế hoạch chủ động sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao lũ
quét, sạt lở đất; tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông trên
sông; hướng dẫn người, phương tiện qua lại tại các khu vực ngầm, tràn,
đường bị ngập, đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.
Đồng thời huy động lực lượng, phương tiện sơ tán, cứu hộ, cứu nạn các hộ
dân đang bị ngập lụt, chia cắt; tìm kiếm người bị mất tích tại tỉnh Lào
Cai./.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, tính đến 10 sáng ngày 5/8,
sạt lở đất đã gây sập đổ nhà và lũ quét đã làm 4 người chết (huyện Bát
Xát 3 người, Sa Pa 1 người), 7 người mất tích (trong đó, huyện Bát Xát 6
người, huyện Sa Pa 1 người).
Tại Bát Xát, lũ quét và mưa lớn đã làm khoảng 110 nhà dân xã Cốc San bị
ngập sâu từ 70 cm đến 1m (40 hộ thôn Luổng Láo 1 và 70 hộ thôn Luổng Láo
2); 30 hộ dân xã Quang Kim và 16 hộ dân xã Phìn Ngan bị cô lập. Hiện,
lực lượng chức năng đang tổ chức ứng cứu để đưa người dân ra khỏi khu
vực nguy hiểm.
Bên cạnh đó, mưa lũ làm 2 cầu bị sập, lũ cuốn trôi; đường Quốc lộ 4D tại
xã Cốc San, huyện Bát Xát bị ngập sâu 1,5-2m và xã Trung Chải, huyện Sa
Pa bị sạt lở gây ách tắc giao thông.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ ngày 2/8-4/8, trên địa bàn các
tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Thái Nguyên, Nghệ An đã xảy ra mưa, mưa đá kèm
theo gió lốc gây thiệt hại làm 15 nhà bị sập, đổ; 311 nhà bị hư hỏng,
tốc mái (Lai Châu 123 nhà, Nghệ An 136 nhà , Hà Giang 62 nhà, Thái
Nguyên 5 nhà). Về nông nghiệp: có 2 con gia súc bị chết (Hà Giang); 42
ha hoa màu, 123ha cây hàng năm bị thiệt hại (Nghệ An). Ngoài ra, còn một
số thiệt hại khác về thủy sản, giao thông, thủy lợi…
|
(Vietnam+)