Trẻ em phải chụp CT nhiều có nguy cơ mắc ung thư máu, não và tủy cao gấp ba lần khi lớn lên. Đó là kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Canađa, Anh và Mỹ được công bố trên tạp chí y học Lancet số ra ngày 6/6.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu khoảng 180.000 người đã từng chụp CT khi còn nhỏ hoặc dưới 22 tuổi trong giai đoạn 1985 - 2002.
Theo số liệu của nghiên cứu, trong số những người này có 74 trường hợp mắc ung thư máu và 135 trường hợp ung thư não.
Các chuyên gia cho biết những người tiếp xúc lượng phóng xạ lên tới 30 mGy có nguy cơ mắc bệnh máu trắng cao gấp ba lần trong đời so với các bệnh nhân chỉ tiếp xúc lượng phóng xạ dưới 5 mGy.
Trong khi đó, những người phơi nhiễm từ 50 - 74 mGy phóng xạ có nguy cơ bị u não cao gấp ba lần. Tỷ lệ mắc bệnh máu trắng là 1/10.000 ở những người từng phải chụp CT một lần trước khi 10 tuổi.
Đây là nghiên cứu đầu tiên đưa ra bằng chứng trực tiếp về mối liên hệ giữa tiếp xúc phóng xạ khi chụp CT ở giai đoạn đầu đời với nguy cơ ung thư về sau trong cuộc đời của con người.
Các nhà khoa học khuyến cáo tuy nguy cơ ung thư là rất nhỏ nhưng nên hạn chế tối đa việc chụp CT cũng như sử dụng các biện pháp chẩn đoán thay thế khác đối với các bệnh nhi.
CT là kỹ thuật chụp quét định khu vi tính hóa, cho hình ảnh cấu trúc bên trong cơ thể. Do là một kỹ thuật chuẩn đoán bệnh quan trọng, việc sử dụng phương pháp này đã tăng lên nhanh chóng trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, nguy cơ ung thư tồn tại bởi sự ion hóa phóng xạ được sự sử dụng trong kỹ thuật này, đặc biệt là với trẻ em - đối tượng nhạy bức xạ hơn người lớn.
Trưởng nhóm nghiên cứu Mark Pearce cho rằng điều quan trọng là chỉ dùng phương pháp chụp CT khi bệnh lý đã được đánh giá đầy đủ. Ông khuyến nghị các phương pháp cho phép hạn chế chụp CTnhư siêu âm hay chụp cộng hưởng từ (MRI) cần được xem xét áp dụng cho một số trường hợp./.
(TTXVN)