Thứ Hai, 23/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 2/6/2012 15:16'(GMT+7)

Mô hình mới chăm sóc, điều trị cho trẻ tự kỷ, bại não

Hướng dẫn các bé mắc bệnh tự kỷ nhận biết, tăng khả năng  giao tiếp để dễ hòa nhập cộng đồng.

Hướng dẫn các bé mắc bệnh tự kỷ nhận biết, tăng khả năng giao tiếp để dễ hòa nhập cộng đồng.

Giống như các căn bệnh rối loạn tâm lý khác, tự kỷ có thể trở thành bệnh mãn tính tồn tại trong suốt cuộc đời người bệnh nếu không được can thiệp điều trị đúng và kịp thời. Ở Việt Nam, theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có khoảng từ 5 đến 7% số trẻ em tàn tật ở độ tuổi dưới 15, trong đó trẻ em tự kỷ và bại não chiếm hơn 40%. Riêng tại Bệnh viện Châm cứu T.Ư, hằng năm có hơn 3.000 lượt trẻ bị bệnh bại não và tự kỷ đến điều trị tại khoa Nhi.

Triệu chứng của bệnh tự kỷ thường bắt đầu trong ba năm đầu đời của trẻ và các bé trai thường mắc bệnh này nhiều hơn các bé gái. Bệnh ngày càng có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây, do tác động của nhịp sống kinh tế thị trường... Bệnh tự kỷ và bại não đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực phục hồi chức năng nhi khoa. Nếu trẻ không được chữa trị theo đúng liệu trình sẽ bị tàn phế, không học tập được, không tự phục vụ cho bản thân các hoạt động hằng ngày...

Tại nước ta, trẻ mắc bệnh tự kỷ, bại não được điều trị theo phương pháp giáo dục tâm lý từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Bên cạnh đó, có một số  đơn vị đã triển khai điều trị bằng các phương pháp đơn lẻ như: châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tập vận động, giáo dục tâm lý... Mỗi phương pháp điều trị có một hiệu quả nhất định nhưng cũng chưa được coi là toàn diện. Trước thực tế đó, Bệnh viện Châm cứu T.Ư vừa đưa vào hoạt động đơn vị Châm cứu, điều trị và chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ, bại não. Ðơn vị này được thành lập nhằm xây dựng mô hình chuẩn kết hợp châm cứu - y học cổ truyền với y học hiện đại; kết hợp giữa y học và giáo dục trong điều trị cho trẻ tự kỷ, bại não, sớm đưa trẻ tái hòa nhập cộng đồng... Ðồng thời nhân rộng và chuyển giao mô hình hoạt động của đơn vị tới các bệnh viện châm cứu vệ tinh, các bệnh viện y học cổ truyền trong cả nước, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Các phương pháp điều trị theo y học cổ truyền được áp dụng gồm: đại trường châm, thủy châm, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, tắm dược thảo... kết hợp các phương pháp điều trị theo y học hiện đại như: chiếu đèn hồng ngoại, chiếu đèn tử ngoại và giáo dục kỹ năng sống.

Ðánh giá hiệu quả sau một thời gian điều trị cho cậu con trai Ngô Nguyễn Hoàng Minh (6 tuổi), anh Ngô Văn Tường ở huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, cháu đã có những thay đổi đáng kể. Khi bố, mẹ bảo thì biết lắng nghe, thậm chí bây giờ cháu cũng đã bước đi được và có thể nói được một số từ. Nếu như trước đây, mỗi khi các bác sĩ thực hiện châm cứu phải buộc tay, buộc chân lại thì bây giờ  không phải làm như thế nữa. Cháu đã bước đầu biết ý thức hơn, biết nghe lời bác sĩ, không phản ứng thái quá. Ðánh giá kết quả điều trị tự kỷ đối với 76 trẻ từ 20 tháng đến bảy tuổi tại Bệnh viện Châm cứu T.Ư trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2011 cho thấy châm cứu đã có tác dụng làm thuyên giảm mức độ nặng của bệnh tự kỷ, bại não. Qua bốn năm điều trị bằng châm cứu cho 76 trẻ tự kỷ, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ được phát hiện tự kỷ và được châm cứu còn muộn. Phát hiện các dấu hiệu của tự kỷ trước hai tuổi chỉ có 12% số cháu và tuổi trung bình phát hiện dấu hiệu bất thường là khoảng 28 tháng. Chỉ có 47% số cháu phát hiện tự kỷ được đưa đi khám ngay. Các bậc cha, mẹ khi thấy con mình có những dấu hiệu của bệnh cần sớm đưa các cháu đến cơ sở y tế khám và có biện pháp điều trị phù hợp.

Với mô hình điều trị là kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại; phối hợp giữa điều trị phục hồi chức năng của y học với phương pháp giáo dục, chắc chắn mô hình mới này sẽ giúp trẻ tự kỷ và bại não tái hòa nhập cộng đồng.

Hoàng Minh/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất