Giáo sư Nguyễn Lân Việt - Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Giám đốc Ban Quản lý Dự án phòng, chống tăng huyết áp quốc gia cho biết, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng đang còn trong độ tuổi lao động.
Theo điều tra gần đây nhất của Viện Tim mạch thì tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên ở Việt Nam đã là 25%. Vì tỷ lệ tăng huyết áp tăng quá cao và nhanh như vậy nên tỷ lệ các biến chứng của tăng huyết áp như tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ… cũng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sức lao động của người dân trong cộng đồng một cách rất rõ rệt.
Theo ông Việt, mô hình bệnh tật ở Việt Nam hiện nay đã có những thay đổi to lớn. Các bệnh không lây nhiễm, trong đó có các bệnh tim mạch đang có khuynh hướng tăng lên rất rõ. Trong số những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở Việt Nam thì những nguyên nhân hàng đầu là bệnh lý tim mạch đặc biệt là tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, tai biến mạch mạch não và ung thư.
Trong các bệnh tim mạch thì tăng huyết áp là loại bệnh lý phổ biến nhất và tỷ lệ mắc bệnh này cũng gia tăng rất rõ. Tại Viện Tim mạch quốc gia, hàng ngày các thầy thuốc phải điều trị cho nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, một biến chứng nguy hiểm thường gặp của tăng huyết áp. Độ tuổi bị nhồi máu cơ tim cũng có khuynh hướng trẻ hóa hơn, thậm chí có những thanh niên 28, 30 tuổi đã mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Bên cạnh đó, biến chứng phình tách thành động mạch chủ do tăng huyết áp cũng ngày càng được phát hiện nhiều. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong có thể tăng tới 50% trong 24 giờ đầu tiên nếu không được xử lý cấp cứu kịp thời. Giáo sư Việt nhận định: “Như vậy, rõ ràng là chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc chiến thực sự chống lại bệnh lý tim mạch, trong đó có tăng huyết áp.”
Chính vì vậy, để phòng chống mắc các bệnh về huyết áp, ông Việt khuyến cáo người dân duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân (nếu thừa cân) sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên. Người dân nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số khối cơ thể (BMI). Bên cạnh đó, mọi người cần hạn chế uống rượu, bia, vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và trọng lượng cũng tăng lên./.
(Vietnam+)