Như vậy mỗi năm cũng khoảng số lượng ấy cử nhân, kỹ sư ra trường. Bao
nhiêu người sẽ có việc làm, bao nhiêu người phải làm trái nghề, bao
nhiêu người chịu cảnh thất nghiệp. Đấy là những câu hỏi làm đau đầu các
nhà quản lý, các nhà quy hoạch nhân lực, các bậc phụ huynh và các cựu
sinh viên.
Nếu như ở nước ta số lượng học sinh phổ thông đăng ký xét tuyển đại học
là hơn 70% (năm học 2016-2017 là 74%) thì ở các nước tiên tiến thấp hơn
nhiều vì ngoài học đại học, họ đi học trung cấp, học nghề hoặc đi
làm công nhân, thậm chí về nông thôn làm việc. Do vậy, việc vào đại học
không căng thẳng như ở ta và tỷ lệ thất nghiệp của các tân cử nhân, kỹ
sư cũng không cao. Những tỷ phú nổi tiếng không qua đại học cũng thường ở
những nước phát triển, như Mark Zuckerberg, sinh năm 1984 sáng lập ra
mạng xã hội Facebook; là Bill Gates, ông chủ tập đoàn Microsoft hùng
mạnh...
Tại sao ở nước ta áp lực vào đại học lại đè nặng lên cả xã hội, với mỗi gia đình, mỗi học sinh phổ thông?
Đó là mặt trái của nền giáo dục khoa cử Nho giáo cổ truyền còn ảnh
hưởng tiêu cực đến hôm nay. Ngày xưa học để thi, thi để ra làm quan, mà
“một người làm quan cả họ được nhờ” nên tự nhiên mỗi nho sinh bước vào
trường thi, ngoài gánh nặng chữ nghĩa còn là gánh nặng niềm tự hào tiểu
nông cho cả gia đình, cả dòng họ. Nếu thi đỗ, khi về làng sẽ được ăn
ngay “tiên chỉ” tức “lộc” của làng. Trong tác phẩm “Lều chõng” nhà nho
Ngô Tất Tố đã mỉa mai cay đắng cái hủ tục ấy qua chi tiết anh học trò
xem bảng thấy có tên mình đỗ bèn “nhảy lên như choi choi” và hét tướng
lên: “Sỏ lợn về ta!”. Đấy là chưa nói tới cảnh vinh hoa phú quý hấp dẫn
“võng anh đi trước võng nàng theo sau”, rồi ra làm quan hưởng bổng cao
lộc hậu, được kính nể, trọng vọng...
Đó là sức ép của các bậc phụ huynh còn nặng nề tâm lý tiểu nông muốn
con mình thi đỗ đại học để “mở mày mở mặt” với hàng xóm, để con sau này
sung sướng nhàn hạ, làm ít hưởng nhiều... Rồi từ chính các em học sinh
tự tạo cho mình sức ép phải bằng mọi giá phải vào đại học cho “bằng anh
bằng em”, dù lực học mình không giỏi. Họ chưa biết rằng đại học là môi
trường nghiên cứu, là tự học, là rèn luyện tư duy độc lập... Vì thế, có
nhiều trường hợp đỗ đại học mà không học tiếp được, phải bỏ giữa chừng,
để mất bao công sức, tiền của, nhất là phí khoảng thời gian đẹp nhất mà
chẳng có hiệu quả gì.
Cổ nhân dạy mỗi người phải có 5 cái biết: Biết mình, biết người, biết
thời thế, biết dừng lại, biết thoái lui. Hơn ai hết mỗi học sinh khi
bước vào cuộc đời cần thấm thía những điều dạy ấy, biết lượng sức học,
hoàn cảnh của mình, biết so sánh với người đi trước (nhiều sinh viên
chưa có việc làm!), biết thời nay đang “thừa thầy thiếu thợ” (đi học
nghề là một cách giúp xã hội cân đối nhân lực)... Vào đại học là quý
nhưng không phải là cánh cửa duy nhất để bước vào đời. Còn nhiều cánh
cửa khác, đi học trung cấp, học nghề, đi làm... rồi sau này có điều kiện
sẽ học đại học sau. Và không hẳn cứ phải có bằng đại học mới đóng góp
cho xã hội và khẳng định cá nhân mình. Chúng ta nhớ về các nhà bác học,
như Michael Faraday-nhà Hóa học và Vật lý vĩ đại (người Anh). Sinh ra
trong một gia đình nghèo khó, cậu bé Faraday chỉ được họcnhững kiến thức
cơ bản nhất từ nhà trường, nhưng nhờ ham học rồi nỗ lực tự học mà thành
công. Rồi Mark Twain, nhà văn lớn (người Mỹ), năm 12 tuổi cha mất phải
kiếm sống bằng nghề sắp chữ, rồi nghề lái tàu. Sau đó tự học, và... viết
văn. Ở nước ta cũng có bao tấm gương các bác nông dân nhờ gần gũi thực
tiễn cuộc sống, nhờ cần cù và khát vọng sáng tạo mà sáng chế ra những
máy móc giúp ích rất nhiều cho bà con nông dân...
Thiết nghĩ, vào đại học, cao đẳng hay đi học nghề việc gì vừa sức,
thiết thực cho bản thân, có ích cho xã hội thì các bậc phụ huynh nên
cùng con em lựa chọn cho trúng./.
Nguyên Thanh (qdnd.vn)