Chủ Nhật, 22/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Tư, 9/11/2011 21:7'(GMT+7)

Cảnh giác không thừa

Hàng nghìn người tụ tập tại Bệnh viện Phụ sản TW chiều 8/11 chờ đợi giây phút em bé được trao trả cho bố mẹ.

Hàng nghìn người tụ tập tại Bệnh viện Phụ sản TW chiều 8/11 chờ đợi giây phút em bé được trao trả cho bố mẹ.

Nhiều người cho rằng, chính vì chưa từng xảy ra sự việc tương tự nên bệnh viện chủ quan, lơ là trong việc bảo đảm an ninh, an toàn cho trẻ sơ sinh, sản phụ và người nhà trong bệnh viện.

Lâu nay, mặc dù thông tin về nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em thi thoảng vẫn xuất hiện trên báo chí, nhưng các bệnh viện phụ sản và khoa sản trong các bệnh viện đa khoa vẫn chưa có động thái nào để tăng cường an ninh bệnh viện, giáo dục tinh thần cảnh giác cho bảo vệ, bác sĩ, y tá trực, tuyên truyền tới sản phụ và người nhà chỉ trao con cho đúng người có trách nhiệm trong bệnh viện.

Hiện nay, hầu hết sản phụ khi sinh con đều bị rạch tầng sinh môn để sinh con an toàn hơn, theo giải thích của các bác sĩ. Sản phụ mới sinh thường có thể trạng rất yếu, lại sinh mổ hoặc bị rạch tầng sinh môn nên rất khó di chuyển. Bởi vậy, việc chỉ cho phép một mẹ, một con trong phòng không chỉ khiến sản phụ khó khăn trong việc chăm con, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, mất an toàn cao do họ không thể tự kiểm tra xem người đến bế con mình là ai, cũng không thể chạy ngay đi báo bác sĩ trực khi xảy ra tình huống bất ngờ, nguy hiểm. Quy định này rõ ràng là thể hiện sự mất cảnh giác của những người có trách nhiệm. Mất cảnh giác sẽ dẫn tới hậu quả mất an toàn. 

Trong khi dư luận chưa hết bất bình vì sự việc mất an ninh xảy ra trong một bệnh viện phụ sản lớn nhất nhì của nước ta, thì Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Nguyễn Viết Tiến lại phân bua: Khó kiểm soát an ninh khi lượng người ra, vào bệnh viện đông đúc. Lời phân bua này càng khiến dư luận bất bình, bởi bảo đảm an ninh trong bệnh viện là trách nhiệm đương nhiên của bệnh viện. Nếu lãnh đạo bệnh viện cảnh giác hơn, đặt ra các tình huống xấu nhất có thể xảy ra về an ninh, nếu bác sĩ trực không thiếu cảnh giác đến độ có người nhà bệnh nhân vào báo cáo sự việc nhưng lại yêu cầu họ “yên tâm chờ, rồi cháu sẽ về”, thì kẻ gian đâu dễ vào tận giường bệnh để bắt cóc trẻ như vào chốn không người?

Theo chúng tôi, các bệnh viện này cần thay đổi quy định "chỉ cho phép một mẹ, một con trong phòng" để đề phòng những trường hợp bất trắc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cần giáo dục tinh thần cảnh giác cho bác sĩ, y tá, hộ lý, tuyệt đối tránh trường hợp “nhờ” sinh viên thực tập bế trẻ sơ sinh đi tắm, đi làm xét nghiệm. Danh sách bác sĩ, y tá, hộ lý trực trong ngày (kèm ảnh) nên được đưa tới sản phụ và người nhà ngay từ đầu giờ sáng. Bản thân sản phụ và người nhà cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh tùy tiện trao con cho người lạ, người không có trách nhiệm.

“Mất bò mới lo làm chuồng”, người xưa đã từng nói như vậy để thấy rằng cảnh giác không bao giờ là thừa.

(Minh Thắng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất