Mỗi năm, cứ tới mùa lũ, nhiều bậc cha mẹ, nhất là ở các vùng nông thôn luôn nơm nớp lo chuyện bảo đảm an toàn cho con cái. Tuy nhiên, dù đã rất cố gắng nhưng hiểm họa vẫn luôn rình rập và gây ra nhiều cái chết thương tâm đối với trẻ em.
Theo số liệu thống kê, năm 2000 là năm có số người thiệt mạng do lũ gây ra lớn nhất với khoảng 1000 trường hợp, trong đó hơn 80% là trẻ em. Nhìn vào con số này không ai không giật mình và rồi phải cùng đi tìm lời giải.
Để bảo đảm an toàn tính mạng cho trẻ em, nhất là ở các vùng nông thôn, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương; đặc biệt là một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều biện pháp và cách làm hết sức sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực, trong đó tiêu biểu là tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, từ đầu năm 2010, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo quyết liệt ngành giáo dục địa phương triển khai thực hiện mô hình trông giữ trẻ cộng đồng. Mô hình được tổ chức theo từng cụm, tuyến dân cư. Địa điểm để các địa phương tổ chức trông giữ trẻ là những nhà dân có diện tích rộng rãi, ở vị trí thuận lợi, bảo đảm an toàn. Toàn bộ con em của người dân địa phương được đưa đến tập trung tại các điểm trông trẻ. Các em thuộc diện hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được miễn phí tiền ăn. Kết quả từ mô hình này tạo điều kiện thuận lợi để cha mẹ các em yên tâm lao động, sản suất trong những ngày mưa lũ.
Để bảo đảm duy trì mô hình trên, từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định trích khoảng 3,5 tỷ đồng từ ngân sách mỗi năm để trả lương giáo viên; hỗ trợ tiền ăn cho con em hộ nghèo và các gia đình được lựa chọn làm nơi trông giữ trẻ một phần tiền điện, nước. Theo số liệu thống kê, mùa lũ năm 2011 ở Đồng Tháp đã có hơn 4000 trẻ em được trông giữ tại gần 400 điểm với sự tham gia của 700 cô giáo, cùng hàng trăm tình nguyện viên tham gia. Chính nhờ mô hình này mà mùa lũ năm nay tuy diễn biến hết sức phức tạp, nhưng ở Đồng Tháp không xảy ra tình trạng trẻ em bị thiệt mạng do lũ.
Mô hình trông giữ trẻ an toàn tập trung ở một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện mô hình này không những thể hiện trách nhiệm chính trị của các cấp chính quyền địa phương với người dân, mà còn góp phần hết sức quan trọng tạo sự đồng thuận trong xã hội. Mặt khác, mô hình cũng chính là một trong nhiều biện pháp đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác giáo dục mầm non, với sự hỗ trợ và quản lý chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đáng trân trọng hơn cả là mô hình đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ; hạn chế tối đa những vụ việc đau lòng không đáng có. Chủ trương và cách làm của tỉnh Đồng Tháp rất đáng để các địa phương nghiên cứu, vận dụng./.
(Lê Long Khánh/QĐND)