Chủ Nhật, 22/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Sáu, 28/10/2011 20:48'(GMT+7)

Hội thảo “Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em: thực trạng, thách thức và giải pháp”

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: KT)

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: KT)

Đến dự Hội thảo có các đồng chí: Chu Văn Đạt, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Nguyễn Thị Thanh An, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam; Nguyễn Hữu Doãn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng cùng đại diện ban Đảng Trung ương, đại diện cơ quan truyền thông của Trung ương và một số địa phương.

Hội thảo đã đề cập đến những nội dung: Tai nạn thương tích - những tổn thương cơ thể ở các mức độ khác nhau do tiếp xúc cấp tính với các nguồn năng lượng (có thể là tác nhân cơ học, nhiệt, hóa chất hoặc chất phóng xạ) - với mức quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể hoặc do cơ thể thiếu các yếu tố cơ bản của sự sống như thiếu oxy hoặc mất nhiệt. Có 2 loại tai nạn thương tích: không chủ định (vô ý) và có chủ định (cố ý). Trong phạm vi Hội thảo chỉ tập trung bàn giải pháp phòng chống tai nạn thương tích không chủ ý.

Tại Việt Nam, ước tính tổng chi phí cho các dịch vụ cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, mất khả năng lao động, tử vong do tai nạn thương tính gây ra khoảng 30.000 tỷ đồng một năm trong giai đoạn 2005-2007. Chi phí ước tính cho một trường hợp tai nạn thương tích khoảng 32 triệu đồng và một trường hợp tử vong là gần 320 triệu đồng. Chi phí ước tính chi tiêu quốc gia cho tai nạn thương tích trẻ em và tử vong trẻ em do tại nạn thương tích hàng năm khoảng 11.000 tỉ đồng. Nỗi đau mất con bất ngờ hoặc con bị thương tích tàn tật suốt đời của những người mẹ, người cha có thể phải mất hàng chục năm để chữa lành hoặc không bao giờ chữa được. Ngoài các ca tử vong do tai nạn thương tích, có đến hàng chục triệu trẻ em bị tai nạn thương tích cần phải được chăm sóc tại bệnh viện, nhu cầu chăm sóc, phục hồi chức năng do tai nạn thương tích và khả năng bị tàn tật suốt đời ảnh hưởng sâu xa tới tương lai của các em.
Các mục tiêu thiên niên kỷ về giảm 2/3 tỷ lệ trẻ tử vong vào năm 2015 có thể sẽ không đạt được nếu Việt Nam không giảm được số trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Tất cả những nỗ lực đầu tư cho việc giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi sẽ trở thành vô nghĩa nếu sau đó đứa trẻ bị chết hoặc bị tàn tật vĩnh viễn vì tai nạn thương tích. Tai nạn thương tích là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong và tàn tật cho trẻ em và là một nguyên nhân đẩy gia đình vào cảnh đói nghèo…

Các yếu tố chủ yếu gây tai nạn thương tích trẻ em gồm: Yếu tố xã hội - kinh tế như chậm phát triển kinh tế, thu nhập thấp, điều kiện an sinh xã hội thiếu và yếu; Yếu tố con người bao gồm nhận thức, ý thức, thói quen, giới tính, trình độ văn hóa; Yếu tố môi trường bao gồm môi trường sinh thái, tự nhiên khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng, đường sá không đảm bảo, môi trường pháp lý, việc thực thi các quy định, luật an toàn chưa tốt, chưa kiểm tra, giám sát việc thực hiện, chưa có các biện pháp xử phạt rõ ràng, môi trường giáo dục giáo dục về an toàn còn chưa thực hiện đầy đủ…

Nguyên nhân mắc tai nạn thương tích ở trẻ em chủ yếu là đuối nước, tai nạn giao thông trẻ em, do bom mìn, vật liệu nổ, điện giật, ngộ độc, bỏng, súc vật cắt…

Mục đích của Hội thảo nhằm cung cấp thông tin và định hướng tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và các cơ quan truyền thông về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em Việt Nam. Mục tiêu của truyền thông gồm 3 trụ cột truyền thông cơ bản: vận động chính sách là thúc đẩy sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách và đầu tư kinh phí và nguồn lực con người cho bảo vệ chăm sóc trẻ em; vận động công chúng là tạo phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chăm sóc trẻ em, tăng cường năng lực bảo vệ chăm sóc trẻ em; thay đổi hành vi là thay đổi cách nghĩ, cách hành động, thay đổi cách tiếp cận bảo vệ chăm sóc trẻ em.

Thu Huyền/TC Xây dựng Đảng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất