Một lần nữa kết hợp khéo léo giữa nhạc rock đương đại với chất liệu âm
nhạc dân gian Viet Nam, sau “365000” với nhiều bản “hit” như “Nụ hôn trên đỉnh Fanxipan,” “Cướp vợ”… ban nhạc rock Ngũ Cung vừa cho ra mắt album Vol. 2 -
“Cao nguyên đá” gồm chín ca khúc “đậm đặc” văn hóa, tín ngưỡng, cảnh sắc vùng Tây Bắc.
“Gọi tình,” “Linh tinh tình phộc,” “Tắm tiên,” “Ma làm,” “Huyền thoại
người con gái Mông,” “Tấm khăn khô ướt,” “Cao nguyên đá 1,” “Cao nguyên
đá 2”… Những ca khúc mà ngay từ tên gọi đã đầy tính gợi hình, của
những dung tưởng về bản sắc văn hóa của các dân tộc ít người vùng núi
phía Bắc.
Nói về việc lựa chọn lối đi được cho là hẹp và khúc khuỷu như chính cung
đường cheo leo, hiểm trở lên Tây Bắc, Ngũ Cung chia sẻ đó sẽ là đường
dài của nhóm, để định hình “màu” riêng, không thể trộn lẫn khi đi sâu
tiếp cận, khai thác và tìm tòi những nét đẹp về văn hóa vùng miền như
dấu ấn về rock Việt.
Đúng như tên gọi -“Cao nguyên đá” không chỉ là bức tranh đa sắc về văn hóa mà còn toát lên một cách đậm đặc hồn vía thiên nhiên, con người vùng núi phía Bắc.
Không khí núi rừng Tây Bắc, được đặc tả ngay những giai điệu đầu tiên
của album bằng điệu kèn môi dập dìu “gọi tình” của nghệ sỹ Ngô Hồng
Quang.
Tiếng kèn như dày vò, cắn rứt tâm can từ trong tiếng gọi tình đêm trăng
của chàng trai, khiến cô gái dù chân bị khăn quấn chặt vào thành giường
cũng phải vùng thoát theo tiếng gọi tình yêu dẫn dụ. Cùng với “Huyền thoại người con gái Mông”- bài hát được thể hiện hoàn toàn bằng tiếng Mông sẽ là món ăn lạ tai với người nghe.
Hay như với những ca khúc “Linh tinh tình phộc,” hay “Tấm khăn khô ướt”
cũng thể hiện sự tìm tòi trong đề tài và chất liệu âm nhạc của Ngũ Cung
lần trở lại này. Bởi khó có thể tin được những nét văn hóa, tín ngưỡng
phồn thực đầy thú vị nhưng khó “chạm” tới bởi sự thiêng liêng và tính
khu biệt của nó lại đi vào rock thật đỗi tự nhiên và nguyên sơ, mạnh mẽ
đến thế.
Đặc biệt, “Tấm khăn khô ướt” là bản rock hiếm hoi về về tình
mẫu tử thiêng liêng của người mẹ của núi dành cho đưa con bé bỏng. Lấy
cảm hứng từ phong tục, người mẹ vùng cao khi về nhà chồng luôn mang theo
tấm khăn, khi sinh nở, họ luôn phải trải tấm khăn xuống giường để lót
cho đứa con được nằm phần khô, còn mình nằm phần ướt, để hông khô chiếc
khăn bằng nhiệt độ cơ thể, để trở con mình suốt đêm.
Ngũ Cung gồm bốn thành viên: Hoàng Hiệp, Trần Thắng, Hùng Cường và chàng trai người Úc - David Peyne (Ảnh: BTC)
Vẫn là những lời ca rất đời thường, đơn sơ, bản năng của người mẹ Tầy dành cho con “Nòn đắc, nòng nớ” (À ơi, à ới) mẹ dành phần khô cho con và phần ướt cho mình…” Người nghe như đắm chìm trong những xúc cảm của tuổi thơ, của tình mẫu tử thiêng liêng, nồng đượm.
Đề cập đến vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, “Cao nguyên đá” thông qua rock đã mở ra không gian bao la, hùng vĩ của cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.
Nếu “Cao nguyên đá 1” nói về vẻ đẹp kiên cường, bất khuất sống
vươn lên từ đá của tộc người Lô Lô nhỏ bé, cùng sự hùng vĩ của đỉnh Mã
Pì Lèng bên dòng Nho Quế mảnh như sợi chỉ thì“Cao nguyên đá 2”
là nỗi buồn âm ỉ, lầm lũi của con người trong cuộc sống khắc nghiệt trên
đá, luôn ước vọng, ngóng trông về những mùa vàng bát ngát, trải dài.
Hình ảnh những đôi mắt ngây thơ của bé gái Mông thực sự là nỗi ám ảnh về
sự bế tắc và quẩn quanh nơi triền đá…
Có lẽ, nói như nhạc sỹ Thanh Phương, khi anh tin Ngũ Cung đã tìm được
mảnh “đất lành” để đậu trong âm nhạc, mà ở đó rock Việt cũng chính là
một cao nguyên đá, đầy khắc nghiệt nhưng luôn trong sáng và mạnh mẽ
trong sức sống và bản sắc.
“Rock chính là tình người, là những bản nguyên trong âm nhạc, trong sáng
và bền lâu nhất. Tôi tin rằng Ngũ Cung đã tìm được đất dụng võ, bởi văn
hóa và tính người, những gì nhỏ bé, khắc nghiệt nhưng mạnh mẽ chính là
suối nguồn của rock. Trước nay chúng ta quen định hình rock Việt là Tây
Nguyên, là những gì vạm vỡ, nhưng giờ đây tôi nghĩ chúng ta còn có rock
Tây Bắc,” nhạc sỹ Thanh Phương nói.
Tay trống Nguyễn Hùng Cường tâm sự: "Đến tận bây giờ rock Việt vẫn chưa
tìm được chỗ đứng xứng đáng trong âm nhạc Việt Nam đương đại, người ta
nhìn rock như một đưa con hoang ốm yếu, thiếu cá tính và khắc kỷ. Ngoài
tình yêu về văn hóa các vùng miền, Ngũ Cung muốn định hình nét riêng khi
khai thác chất liệu văn hóa, thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc rock từ đó
lan tỏa tới cộng đòng rock Việt như một nguồn cảm hứng tham khảo."
Ngoài tín ngưỡng phồn thực, “Cao nguyên đá” còn khắc họa bức
tranh đời sống văn hóa đầy thi vị của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc
như truyền thống “tắm tiên” của cô gái Thái. Một vẻ đẹp như tranh được
vẽ bằng âm nhạc khiến người nghe thấy mình đang hiện diện và chiêm
nghiệm về sự yên bình cuộc sống.
“Ái hoa” và “Ma làm” lại lột tả những cung bậc cảm xúc
riêng giàu tính tự sự. Trên nền nhạc sôi động, có phần gấp gáp, hối
thúc, người nghe như muốn bứt tung mình, vỡ theo nhạc. Âm nhạc như nói
hộ lòng ta:“ma làm, ta bị ma làm, ma bị ta làm…” Hẳn trong cuộc
sống, mỗi con người trong chúng ta đều có những lúc bị ảo tưởng, bế
tắc, vô phương hướng trước những quy luật khắc nghiệt của thời gian,
sinh tử, hạnh phúc, khổ đau.
Từng cung bậc cảm xúc, âm nhạc cuộn trào từ đầu đến ca khúc cuối, khiến
người nghe như được quay về với bản ngã và tình yêu vĩnh cửu là tình
người, tình thân, đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, và bao trùm là tình yêu
quê hương, xứ sở.
Album Vol. 2 “Cao nguyên đá” cũng sẽ được Ngũ Cung mang lên sân
khấu trong liveshow cùng tên lần đầu tiên của ban nhạc vào ngày 12/12
tới đây tại Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội với khách mời là diva Trần Thu
Hà.
Bên cạnh đó, chương trình còn có sự góp mặt của nghệ sỹ Tuấn “mạt ma,”
Đinh Hoài Xuân, các ban nhạc Black Infinity, Oringchains.../.
TheoĐặng Vũ Anh /Vietnam+