Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã đưa danh sách di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của Việt Nam lên con số 9. Đó là những di sản về âm nhạc, gồm: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù người Việt, Quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú Thọ, Đờn ca tài tử Nam Bộ và Ví, giặm Nghệ Tĩnh cùng các di sản Không gian tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Lễ hội Gióng Phù Đổng.
Danh sách di sản này trải khắp các vùng, miền đất nước, người dân Việt Nam ở vùng nào cũng có niềm tự hào và trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cuộc sống hôm nay và mai sau.
Tự hào thì đã rõ nhưng trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản có phải là gánh nặng đối với Nhà nước và nhân dân ta khi kinh tế còn khó khăn, ngân sách chi cho văn hóa nói chung còn chưa nhiều và riêng cho văn hóa dân gian, truyền thống cũng rất khiêm tốn? Và trách nhiệm đó sẽ chủ yếu thuộc về Nhà nước hay nhân dân mỗi vùng quê di sản?
Trước hết, dù muốn hay không, dù có thể ai đó coi là gánh nặng, thì sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản của ông cha ngàn đời gây dựng và trao truyền vẫn được các thế hệ nhân dân ta coi là lễ nghĩa, đạo lý, là niềm tự hào và hạnh phúc. Mặt khác, bản thân di sản đã là giá trị văn hóa định hình, có sức sống mạnh mẽ, vượt qua thử thách của thời gian, của mọi biến động xã hội.
Hai điều trên là tiền đề cơ bản cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong cuộc sống hôm nay. Thực tế, ngay từ khi nước Việt Nam mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh về bảo vệ di sản, trong đó Người khẳng định, phải bảo vệ, bảo tồn cả những di tích chưa được xếp hạng. Chúng ta cũng đã biết, ngay trong những năm kháng chiến gian khổ, thiếu thốn mọi bề, những câu hò, tiếng hát dân ca, điệu múa dân gian đã đi cùng các đơn vị quân đội, các đoàn dân công vào trận. Cũng chính trong hoàn cảnh chiến đấu mà văn công quân đội ta đã sưu tầm, cải biên, nâng cao các trò, điệu hát múa dân gian thành điệu múa, bài hát mới. Từ xòe Thái thành điệu múa Hái chè bắt bướm mới. Từ nhảy sạp thành múa sạp giữa đống lửa rừng nơi trung tuyến mặt trận Điện Biên Phủ rồi lên sân khấu. Ở chiến trường miền Nam, cán bộ, chiến sĩ ta cũng khai thác, dàn dựng các bài, bản dân ca, tuồng, cải lương, đưa các điệu múa Chàm-rông, Kà-tu thành những viên ngọc quý của nghệ thuật dân tộc...
Riêng với ví, giặm Nghệ Tĩnh, các nhạc sĩ, nghệ sĩ của chúng ta đã lấy cảm hứng từ tâm hồn, chất liệu để viết, để ca lên những bài hát rất hay mang hơi thở cuộc sống mới. Chúng ta còn hát, còn nghe mãi những ca khúc: “Trông cây lại nhớ đến Người”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”, “Khúc tâm tình người Hà Tĩnh”, “Khúc hát sông quê”... Ví, giặm giàu âm điệu, thể hiện tâm hồn đa cảm, đa sắc, đằm thắm và da diết của người Nghệ An, Hà Tĩnh, đã và sẽ còn mãi sức gợi cảm cho mọi trái tim Việt Nam.
Những tiền đề, những hậu thuẫn, những nỗ lực cùng những bài học thành công và chưa thành công trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản là vậy. Nhưng cuộc sống đang biến đổi mạnh mẽ. Những dòng sông không còn mấy con thuyền lững lờ trôi, nhịp sống nhanh, mạnh, ồn ào, làng quê đô thị hóa, cơ giới hóa, nhà nhà vang lên những âm thanh điện tử, những giai điệu đủ màu sắc từ khắp thế giới... Rồi kinh tế thị trường, đua đuổi kiếm sống, làm giàu... Quá nhiều thách thức, nguy cơ làm nhạt nhòa vốn cũ của ông bà.
Để ví, giặm cùng mọi di sản phi vật thể vẫn sống mạnh mẽ cùng chúng ta hôm nay, không có gì khác ngoài ý thức, cách làm của chính chúng ta. Di sản phải sống ở chính cái nôi sinh ra nó nên cái nôi ấy, nay là xóm làng hay phố xá phải được tổ chức truyền lan. Chính quyền và nhân dân Nghệ Tĩnh đã từng tổ chức các lớp học tại gia, tại trường phổ thông hay những lớp năng khiếu, tổ chức các cuộc liên hoan, thi hát. Đó là cách làm đúng và cơ bản, hoàn toàn có thể phát huy hơn nữa trong thời kỳ mới. Đương nhiên, việc chung ai cũng có thể góp công sức trong phương thức xã hội hóa thời hiện đại. Và cũng đương nhiên, việc chung nhưng phải phân công, phân nhiệm rõ ràng. Nhà trường, khu dân cư làm gì? Ai chỉ đạo, hướng dẫn? Các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, các đoàn nghệ thuật mỗi nơi, mỗi người, mỗi việc ra sao? Rồi việc của đoàn thanh niên, các hội phụ nữ, cựu chiến binh... và cuối cùng, trách nhiệm quản lý, đôn đốc, kiểm tra, chỉnh sửa, uốn nắn...
Ví, giặm là gan ruột của người Nghệ An, Hà Tĩnh, hy vọng rằng, cách làm của người dân nơi đây sẽ giúp thêm những bài học kinh nghiệm quý cho các miền quê di sản cả nước./.
Mạnh Hùng (QĐND)