Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 27/11/2014 20:29'(GMT+7)

Phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong xây dựng đạo đức con người Việt Nam

                                                                        

Văn hóa tạo ra hệ thống các giá trị làm chuẩn mực cho con người vươn tới, từ đó hình thành các phẩm chất của con người; nói cách khác văn hóa hình thành nên nhân cách con người – mà con người chính là chủ thể của mọi sự phát triển. Đặc biệt đối với các loại hình văn học nghệ thuật, vai trò đó càng được thể hiện sâu sắc và nổi bật vì “văn học nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”; và như Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nói về giá trị của những tác phẩm văn học nghệ thuật là “chẳng những để làm gương cho chúng ta ngày nay mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau”.

Vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam là vấn đề không có gì phải bàn luận vì nó là chân lý. Trong các chức năng cơ bản của văn hóa - văn nghệ thì chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ và chức năng giáo dục là những chức năng quan trọng hàng đầu; đồng thời chức năng tổ chức, điều chỉnh xã hội cũng góp phần quan trọng không kém nhằm xây dựng một xã hội lành mạnh, với các thành tố lành mạnh tạo nên các giá trị ổn định làm nền tảng cho phát triển.

Có thể nói đạo đức xã hội trong văn học nghệ thuật hiện nay là vấn đề vừa cấp bách vừa phức tạp. Phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam hiện nay không chỉ là trách nhiệm của văn nghệ sĩ với vai trò chủ thể sáng tạo mà còn là trách nhiệm của tất cả những người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật. Tại sao như vậy? Điều mà chúng ta đã nhận thấy đó là có sự xuống cấp về đạo đức xã hội, trong đó đặc biệt là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và cả trong nhân dân; trở thành một lực cản đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Thực trạng này Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng ta đã nhận định và không thể không thừa nhận rằng thực trạng đó đang làm chúng ta nhức nhối.

Trong sự xuống cấp nêu trên, chắc chắn có sự cộng hưởng của việc giảm sút vai trò của văn học nghệ thuật với thiên chức bồi đắp, xây dựng nhân cách con người và đạo đức xã hội. Thực tế là nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ngày càng xa rời các chức năng giáo dục, thẩm mỹ; chức năng giải trí cũng đang bị biến dạng, không còn là giải trí để tâm hồn con người trở nên thanh thản hơn, lạc quan hơn mà là giải trí thuần túy chiều theo thị hiếu tầm thường, thậm chí là thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng đang ngày càng gia tăng. Với chức năng dự báo của văn học nghệ thuật thì những biểu hiện trên là vấn đề rất đáng lo ngại. Rất đồng tình với chủ đề của Hội thảo hôm nay và từ thực tiễn hoạt động văn học nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh, xin được đóng góp một vài ý kiến nhằm góp phần phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam.

Các biểu hiện tiêu cực về sự tác động của các tác phẩm văn học nghệ thuật có nội dung tư tưởng xấu vào đời sống xã hội

Để đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người, trước hết chúng ta cần nhận diện rõ các biểu hiện tiêu cực về sự tác động của một số tác phẩm văn học nghệ thuật có nội dung tư tưởng xấu (khác biệt với những tác phẩm văn học nghệ thuật lành mạnh và hoạt động văn học nghệ thuật tích cực) vào đời sống xã hội hiện nay.

Về hình thức

Một là, tác động trực tiếp từ tác phẩm văn học nghệ thuật vào tâm tư tình cảm của con người. Chúng ta đã từng biết đến sức mạnh của văn học nghệ thuật to lớn như thế nào. Một bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt đã huy động được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để đánh bại giặc Nam Tống; “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn mạnh hơn bất kỳ đạo quân nào và nó thực sự là một loại vũ khí tinh thần sắc bén góp phần đánh thắng giặc Nguyên Mông; những câu thơ chúc tết của Bác Hồ mỗi dịp Tết đến Xuân về khi Người còn sống đã tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta với tinh thần “Tiến lên toàn thắng ắt về ta” và dân tộc Việt Nam bằng khí thế ấy, bằng tinh thần ấy đã xốc tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự tác động về tư tưởng của các tác phẩm văn học nghệ thuật to lớn như thế, nhưng nó cũng sẽ tác động ngược theo hướng tiêu cực nếu như các tác phẩm văn học nghệ thuật có tư tưởng xấu, thấp kém, rẻ tiền. Sự tác động này cũng có sức mạnh chi phối không kém gì các tác phẩm tốt nếu như công chúng không có được sức đề kháng mạnh mẽ, đặc biệt là giới trẻ. Tác hại của loại tác phẩm xấu này đúng là đáng báo động trong những năm gần đây, nhất là trong điều kiện đất nước đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện để phát triển và việc giao thoa, tiếp biến văn hóa nhiều chiều với muôn vàn phức tạp.

Hai là, cách thức quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật. Xã hội ngày càng phát triển, các công cụ, phương tiện để quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật cũng vô cùng đa dạng, phong phú. Việc tác phẩm văn học nghệ thuật “phát hành” qua mạng internet đang trở nên phổ biến. Hệ thống thông tin truyền thông phát triển mạnh là điều kiện thuận lợi để tác phẩm văn học nghệ thuật nhanh chóng được công chúng biết đến. Tuy nhiên, vấn đề là sự tiếp âm, tiếp thị, tiếp sóng của phương tiện truyền thông bên cạnh hiệu quả tích cực mà nó đem lại là điều không thể phủ nhận thì nó cũng làm nhiễu thông tin chân thực về tác phẩm.

Có một thực tế là nhiều tác phẩm dễ dãi, chiều theo thị hiếu thấp kém, hạ thấp nhân cách thì được các phương tiện thông tin truyền thông tập trung giới thiệu, quảng bá còn tác phẩm tốt, có chiều sâu tư tưởng và mang đậm dấu ấn nghệ thuật, thẩm mỹ thì lại ít được công chúng quan tâm vì thiếu một chiến lược quảng bá, giới thiệu hiệu quả. Đơn cử như bộ phim “Long thành cầm giả ca” đạt giải Cánh Diều Vàng năm 2010 nhưng suất chiếu chiêu đãi tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ có hơn hai chục người đến xem.

Cơ chế thị trường phát triển, công chúng của văn học nghệ thuật có nhiều cơ hội lựa chọn tác phẩm để thưởng thức, song các chiêu trò câu khách, cạnh tranh trong khâu quảng bá, tiếp thị nhằm tăng thu lợi nhuận của các nhà phát hành, nhà sản xuất đối với những sản phẩm văn học nghệ thuật yếu kém cũng là những tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của văn học nghệ thuật và đạo đức xã hội.

Ba là, phẩm chất đạo đức, lối sống của văn nghệ sĩ với tư cách là người của công chúng. Thuật ngữ “người của công chúng” ngày càng trở nên quen thuộc. Mặc dù không phải văn nghệ sĩ nào cũng trở thành “người của công chúng” nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện thông tin truyền thông thì ảnh hưởng của các cá nhân văn nghệ sĩ tên tuổi từ phát ngôn, trang phục cho đến những cái nhỏ nhất, tưởng chừng vô hại như sở thích, thói quen sinh hoạt, ăn uống… khi được đưa lên mạng internet hay truyền hình đều nhanh chóng được giới trẻ quan tâm (tôi đã trực tiếp nghe không dưới một lần nghệ sĩ trẻ của chúng ta phát ngôn trên truyền hình rằng “đối với tôi tiền là quan trọng nhất”, nhưng người dẫn chương trình không có lời trao đổi phân tích lại).

Ảnh hưởng của “thần tượng” không phải là hiện tượng của cơ chế thị trường mà là một tất yếu khách quan. Hành vi ứng xử, lối sống của một phận không nhỏ văn nghệ sĩ của chúng ta nhằm thể hiện mình, làm nổi mình một cách không lành mạnh đặc biệt qua mạng internet đang tạo nên những ảnh hưởng xấu đối với công chúng trẻ.

Về nội dung, có thể thấy rõ nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật trong thời gian qua có những biểu hiện tiêu cực ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội với các nhóm cơ bản sau:

Một là, loại tác phẩm chiều theo thị hiếu thấp kém tầm thường, sống gấp, sống vội, cổ súy thói quen hưởng thụ, thực dụng. Loại tác phẩm dạng này có mặt ở hầu hết các loại hình văn học nghệ thuật nhưng tập trung nhiều nhất là ở bốn lĩnh vực: văn học, âm nhạc, sân khấu và điện ảnh. Xã hội hóa văn hóa càng phát triển thì loại tác phẩm dạng này càng trở nên phổ biến. Trong văn học thì các đề tài vụn vặt, gặm nhấm cái tôi cá nhân nhỏ bé hiện diện trong phần lớn các truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết. Trong âm nhạc thì xuất hiện ngày càng nhiều những ca khúc có ca từ thô thiển, vô nghĩa, lai căng. Hoạt động sân khấu và điện ảnh tại thành phố Hồ Chí Minh vốn là lĩnh vực xã hội hóa mạnh vào bậc nhất cả nước nhưng để tìm một tác phẩm có chất lượng tư tưởng và nghệ thuật cao lại rất hiếm hoi. Các nhà sản xuất sân khấu, điện ảnh (nhất là phim truyện chiếu rạp) hầu hết đều đặt tiêu chí lợi nhuận cao nhất nên các đề tài chọc cười rẻ tiền, đề tài kinh dị, đồng tính trở thành mảnh đất màu mỡ để khai thác.

Chúng ta không thể xem nhẹ tác hại của loại tác phẩm văn học nghệ thuật này, vì cho rằng mức độ xấu của nó không nghiêm trọng như loại tác phẩm đồi trụy, bạo lực hay các tác phẩm có chủ ý chính trị xấu. Bởi sự thẩm thấu loại tác phẩm này kéo dài và thường xuyên sẽ bào mòn cảm xúc về cái đẹp của công chúng, làm thui chột các lý tưởng sống cao đẹp, làm méo mó nhân cách con người.    

Hai là, loại tác phẩm văn học nghệ thuật bạo lực, đồi trụy. Đây là loại tác phẩm phạm vào điều cấm của Luật Xuất bản (Điều 10) nhưng Luật cũng chỉ hạn chế được phần nào vì vẫn còn nhiều tác phẩm “lọt lưới”. Từ cuốn “Bóng đè” được xuất bản cách đây 09 năm với mức độ đồi trụy, độc hại chưa từng thấy nhưng không được xử lý nên nhiều tác phẩm văn học sau này tiếp tục khai thác đề tài tình dục, đồi trụy dù ở cấp độ thấp hơn. Cũng chính từ sự “không nghiêm” này mà những bài thơ đồi trụy của nhóm Mở miệng mới được một nhóm người công khai ca ngợi cái gọi là luận văn xuất sắc của một cô giáo dạy văn! Các loại tác phẩm văn học dịch đồi trụy, bạo lực thì lại càng đa dạng, phong phú. Bạo lực còn xuất hiện cả trong sách dành cho thiếu nhi nhất là mảng truyện tranh mà có lúc báo chí thành phố Hồ Chí Minh đã từng đồng loạt lên tiếng phê phán.

Ở lĩnh vực điện ảnh thì những tác phẩm như “Chơi vơi”, “Bi đừng sợ” đã gây nhiều tranh cãi và có người cho rằng yếu tố tình dục, đồi trụy trong điện ảnh đang có chiều hướng “hợp pháp hóa” để phù hợp bối cảnh hội nhập quốc tế! Một thực tế đầy mâu thuẫn đó là tác phẩm điện ảnh có tính bạo lực cao (như phim “Bụi đời Chợ Lớn”) thì không được cấp phép công chiếu trong khi các kênh truyền hình (HBO, CINEMAX, AXN) chiếu phim nước ngoài phụ đề tiếng Việt có những bộ phim mà tính bạo lực, phi nhân tính là không thể tưởng tượng nổi. Phải chăng “bộ lọc” của truyền hình cũng cần được báo động.

Ảnh hưởng của loại tác phẩm văn học nghệ thuật đồi trụy, bạo lực đối với công chúng trẻ, những người mà sức đề kháng chưa đủ mạnh là điều dễ thấy mà tình trạng bạo lực trong thanh thiếu niên, bạo lực học đường, yêu gấp, sống thử ngày càng phổ biến là một minh chứng.   

Ba là, tác phẩm có chủ ý xấu, giải thiêng lãnh tụ, vĩ nhân, danh nhân; bôi đen chế độ; phủ nhận thành quả kháng chiến, giải phóng dân tộc. Đây là nhóm loại tác phẩm độc hại nhất và tập trung chủ yếu trong lĩnh vực văn học.

Có một nhà phê bình đã sử dụng cụm từ “giải cứu thần tượng” để chỉ loại văn học “giải thiêng” và cho rằng mục đích của nó là để đưa các danh nhân, vĩ nhân về với đời thường, để họ “thật hơn”, có “chất người” hơn. Anh hùng, danh nhân, thần tượng của mỗi dân tộc chính là sự phóng chiếu tư tưởng, đạo đức, khát vọng của cộng đồng để dệt nên bản sắc văn hóa của dân tộc ấy. Nếu như “giải cứu thần tượng” là sáng tạo nghệ thuật để anh hùng, danh nhân, vĩ nhân trở nên sinh động hơn, gần gũi hơn với đời thực, làm cho họ đẹp lên trong con mắt của hậu thế thì không có điều gì để nói. Nhưng vấn đề là lập luận này vô cùng tác hại khi được những tác giả có chủ ý xấu về chính trị sử dụng với mục đích hạ bệ anh hùng, làm nhục thần tượng. Khuynh hướng “giải thiêng” này ngày càng trượt dài, từ nhân danh sáng tạo nghệ thuật “phi chính trị” bôi bẩn hình tượng anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ (“Phẩm tiết”), làm nhục anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi (“Tột đỉnh tình yêu”) cho đến lợi dụng văn học với chủ ý chính trị mà tập trung gần đây là xuyên tạc, nói xấu Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của nhân dân ta (Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, “Đi tìm cái tôi đã mất”, “Đèn cù”…).

Các tác phẩm văn học bôi đen chế độ, phủ nhận thành quả kháng chiến và công cuộc giải phóng dân tộc hoặc cố tình xóa nhòa chiến tranh chính nghĩa với phi nghĩa, coi cuộc kháng chiến chống Mỹ là một cuộc nội chiến, là nồi da xáo thịt cũng được một số người lợi dụng dân chủ và đổi mới để đào sâu khai thác (“Cọng rêu đưới đáy ao”, “Ba người khác”, “Chiến tranh – 9 khúc tưởng niệm”, “Thời đất nước gian lao”, “Nghĩ muộn”, “Bên thắng cuộc”…). Điều đáng tiếc là trong số những tác phẩm độc hại thuộc nhóm thứ 3 này lại có không ít tác phẩm được xuất bản công khai chứ không chỉ là phát tán trên mạng internet. Những “tác phẩm văn học” hay nói đúng hơn là lợi dụng văn học để gây tổn thương lương tri, đạo lý dân tộc đang được cổ súy từ những thế lực đen tối nhằm gây bất ổn xã hội với mục đích làm suy yếu chế độ, phủ nhận và tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta.

Ngoài 03 nhóm tác phẩm văn học nghệ thuật cơ bản có tư tưởng và nội dung chứa đựng tiêu cực ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội nêu trên, xét về góc độ tính chất còn có các loại tác phẩm có tác động không tốt đối với việc xây dựng nhân cách con người, đó là các tác phẩm mang danh là khuynh hướng sáng tác mới hoặc thể nghiệm nhưng thực chất là những khuynh hướng, trường phái mà văn hóa phương Tây đã đào thải từ giữa thế kỷ trước (như hiện sinh, phi lý…) với đầy rẫy sự lai căng, xa rời bản sắc văn hóa dân tộc. 

Nguyên nhân của hạn chế

Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín khóa XI của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đúc kết 06 nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém trong 15 năm qua, đó là: (1) Nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt; (2) Việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ; (3) Công tác quản lý nhà nước chậm được đổi mới, có lúc có nơi buông lỏng, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm; (4) Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải; (5) Chưa nắm bắt những vấn đề mới để đầu tư đúng hướng và hiệu quả; (6) Chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Đây cũng là các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên lĩnh vực văn học nghệ thuật nhưng theo tôi riêng với văn học nghệ thuật thì có một nguyên nhân khá quan trọng góp phần vào việc gia tăng sự lệch chuẩn của tác phẩm văn học nghệ thuật, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội, đó là tư tưởng hữu khuynh mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã chỉ ra. Thực tế cho thấy tình trạng hữu khuynh trong nhận thức, trong lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực văn học nghệ thuật sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII có phần trầm trọng hơn, thậm chí có nhiều người không còn coi là hữu khuynh nữa mà nhận thức rằng đó mới thực sự là dân chủ, là sáng tạo, tự do sáng tác, là chủ động hội nhập! Nguyên nhân này nếu không nhận diện rõ thì các tác phẩm xấu, độc hại sẽ tiếp tục có cơ hội nảy nở và đạo đức xã hội ngày càng bị xô lệch, xuống cấp.

Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh trong xây dựng, bồi đắp đạo đức con người mới

Thực tiễn lãnh đạo và tổ chức hoạt động văn học nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh với gần 10 triệu dân, trên 5.200 hội viên của 09 hội chuyên ngành văn học nghệ thuật và một hệ thống các đơn vị hoạt động văn học nghệ thuật hết sức rộng lớn và sôi động từ báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản, phát hành sách đến các sân khấu ca múa nhạc, kịch, cải lương, hát bội, các trung tâm băng đĩa, hãng phim, v.v.. cho thấy nhu cầu sáng tạo và thưởng thức văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ và nhân dân thành phố là rất lớn. Thành phố còn là cái nôi đào tạo nên nhiều thế hệ văn nghệ sĩ (cả cho khu vực phía Nam) với 06 trường đại học và cao đẳng chuyên về văn học nghệ thuật (mỹ thuật, nhạc viện, sân khấu - điện ảnh, kiến trúc, văn hóa – nghệ thuật, múa) và hơn 10 trường đại học khác có các chuyên ngành văn học, nghệ thuật. Địa bàn thành phố cũng là nơi mà các thế lực xấu tập trung chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật.

Cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, cơ chế thị trường nhiều khắc nghiệt, ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực đến mọi ngành nghề làm ra sản phẩm vật chất và tinh thần thì điều không tránh khỏi là đời sống văn học nghệ thuật tại thành phố cũng hiện diện đầy đủ các loại tác phẩm văn học nghệ thuật xấu nêu trên. Trong nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã có rất nhiều nỗ lực để giữ vững ổn định xã hội nhằm phát triển thành phố văn minh, hiện đại. Thành phố đã dành nhiều quan tâm cả về cơ chế, về vật chất lẫn tinh thần để tạo điều kiện thuận lợi phát triển hoạt động văn học nghệ thuật lành mạnh, tích cực, hạn chế các hoạt động tiêu cực, các tác phẩm xấu, độc hại…Để văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh góp phần xây dựng, bồi đắp đạo đức con người mới hiện nay, một số kinh nghiệm được rút ra là:

Thứ nhất, một trong những giải pháp lớn, cơ bản nhất đó thành phố luôn tập trung cho yếu tố con người với vai trò chủ thể văn hóa đã thực sự trở thành nền tảng vững chắc cho sự nghiệp phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội của thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung xây dựng con người văn hóa chính là giải pháp nhằm tăng cường sức đề kháng trước những tác hại của các loại sản phẩm văn học nghệ thuật xấu, độc hại.

Thứ hai, chăm lo, củng cố đội ngũ văn nghệ sĩ và đẩy mạnh đầu tư cho sáng tạo văn học nghệ thuật là hai nhiệm vụ trọng tâm mà thời gian qua thành phố đã có nhiều cố gắng, nhất là quan tâm bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, lý tưởng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đạo đức nghề nghề nghiệp và trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ ba, hằng năm, Ban Tuyên giáo Thành ủy và hầu hết các hội chuyên ngành đều tổ chức các hoạt động về nguồn – thực tế sáng tác cho văn nghệ sĩ tại các địa danh lịch sử. Một số Hội còn có sáng kiến kết hợp tổ chức về nguồn với kết nạp hội viên mới và những hoạt động này đã mang lại hiệu quả rất thiết thực (có những nghệ sĩ trẻ nổi tiếng cả về tài năng lẫn tiếng xấu trong phong cách biểu diễn nhưng sau khi được kết nạp vào Hội ngay tại một địa danh chiến khu xưa thì phong cách biểu diễn của bạn trẻ này đã chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực, ngày càng được công chúng yêu mến).

Thứ tư, hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật thành phố hằng năm đều mở lớp bồi dưỡng các chuyên đề văn học nghệ thuật cho khoảng 100 học viên để cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình văn học nghệ thuật của thành phố và đất nước, về công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái hoặc bổ sung kiến thức các chuyên ngành văn học nghệ thuật cho đội ngũ làm công tác văn học nghệ thuật của thành phố.

Thứ năm, công tác phát triển Đảng trong văn nghệ sĩ cũng được Thành ủy đặc biệt quan tâm, nhất là việc chỉ đạo tháo gỡ về quy định kết nạp Đảng cho văn nghệ sĩ chỉ là hội viên của các Hội (theo quy định chung thì chi bộ Đảng của các Hội chỉ được kết nạp Đảng đối với những người hưởng lương tại văn phòng Hội). Có những nghệ sĩ sau khi trở thành đảng viên đã trở thành nhân tố tích cực không chỉ trong hoạt động hội mà cả trong công tác phát triển đảng viên.

Với các giải pháp “xây” để làm nền tảng cho “chống” như trên kết hợp với đẩy mạnh đầu tư sáng tác, nên dòng mạch chính, cơ bản của văn học nghệ thuật thành phố vẫn là chủ nghĩa yêu nước, tính nhân văn, là những khát vọng sống hướng đến chân, thiện, mỹ của đại đa số văn nghệ sĩ và công chúng. Tuy nhiên, thành phố cũng không xem nhẹ đấu tranh phê phán các quan điểm sáng tác lệch lạc, sai trái, các tác phẩm văn học nghệ thuật yếu kém hoặc độc hại. Tham gia “mặt trận” này có hầu hết các cơ quan báo chí thành phố, nhất là Tuần báo Văn Nghệ thành phố. 

Thực tiễn đúc kết qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII cho thấy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đang chịu sức ép nặng nề của toàn cầu hóa, của kinh tế thị trường và văn hóa ngoại lai. Nguy cơ mất bản sắc văn hóa dân tộc và những giá trị truyền thống đang thể hiện trên nhiều phương diện: nhân cách, đạo đức, lối sống; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, truyền thông; sự biến dạng của văn hóa dân tộc thiểu số, vùng, miền; văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo… Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước chỉ thực hiện được như mong muốn khi có chính sách bảo vệ các giá trị truyền thống, văn hóa dân tộc hiệu quả (vấn đề đặt ra ở đây là bảo vệ văn hóa dân tộc chứ không chỉ là “bảo tồn và phát huy”). Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI có 05 quan điểm chỉ đạo, thì đều tập trung cho “xây dựng” và “phát triển”. Do đó, Trung ương cần nghiên cứu, ban hành một văn bản để lãnh đạo công tác bảo vệ văn hóa dân tộc quyết liệt và toàn diện. Trên cơ sở đó, Nhà nước cụ thể hóa vào từng lĩnh vực của văn hóa, văn học nghệ thuật và khi chính sách bảo vệ văn hóa dân tộc được thực hiện hiệu quả sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát huy vai trò của văn học nghệ thuật trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam trong hiện tại và tương lai./.

Thân Thị Thư- Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất