Thứ Bảy, 30/11/2024
Môi trường
Thứ Tư, 19/3/2014 16:25'(GMT+7)

Cấp thiết cải thiện ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí là hiểm họa đối với sức khỏe người dân.

Ô nhiễm không khí là hiểm họa đối với sức khỏe người dân.


Kiểm soát khí thải: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, để có thể cải thiện cũng như bảo vệ kết quả cải thiện chất lượng không khí, nhất thiết phải có sự điều tiết chung từ Chính phủ. Đơn cử, tại Mỹ, ngay từ năm 1970, Chính phủ đã ban hành luật về không khí trong sạch. Theo đó, tất cả các khu vực có dân số trên 50.000 người đều phải có một cơ quan quy hoạch vùng đô thị (MPO). MPO có trách nhiệm thực hiện quy hoạch giao thông bao gồm quy hoạch dài hạn và quy hoạch ngắn hạn tương thích các mục tiêu chất lượng không khí đề ra. Điều này nhằm đảm bảo việc nâng cấp hệ thống giao thông không làm ô nhiễm bầu khí quyển.


Còn tại Nhật Bản, những quy định pháp luật nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải chất thải, kiểm soát ô nhiễm nước, không khí và giám sát ô nhiễm chất độc hại luôn được đặt lên hàng đầu. Hệ thống kiểm soát ô nhiễm quy định rất rõ tiêu chuẩn phát thải, tiêu chuẩn kiểm soát tổng lượng phát thải, tiêu chuẩn về xây dựng và tiêu chuẩn đối với các nồng độ trong môi trường không khí (SO2; NO2; bụi thông thường, bụi đặc thù…). Luật còn đề cập đến những biện pháp ứng phó với các chất ô nhiễm không khí nguy hại, kiểm soát các nguồn lưu động (trong giao thông), quy định về các phương tiện vận tải chạy trên đường. Bên cạnh một hệ thống chính sách nghiêm ngặt, chính phủ và các cấp chính quyền địa phương cũng rất coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

        Lỗ hổng kiểm soát khí thải quá lớn

Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường, trong đó vấn đề ô nhiễm không khí đang ở mức đáng báo động. Thời gian qua Bộ TN-MT cùng với UBND các tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được kiểm soát. Nguyên nhân là do khung pháp lý nước ta hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật đặc thù, chuyên biệt về quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Điển hình, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 mới chỉ đề cập rất ít đến kiểm soát ô nhiễm không khí, chưa xây dựng được các tiêu chí đánh giá, thực hiện, kiểm soát. Mặt khác, vẫn còn tồn tại hiện tượng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trong quản lý.

Về hoạt động quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng hiện cũng đang tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, các chương trình quan trắc mới chỉ tập trung tại các khu vực đô thị, các khu vực gần các khu công nghiệp. Trong khi đó, lại thiếu các chương trình quan trắc tổng thể và định kỳ cho các khu vực nông thôn và làng nghề. Hoạt động kiểm kê và kiểm soát nguồn khí thải cũng chưa thực sự hiệu quả. Hiện tại Việt Nam mới chỉ có 21 trạm quan trắc không khí, nhưng việc kiểm kê nguồn phát thải còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc kiểm soát ô nhiễm bụi gặp khó khăn.

Thời gian qua, Chính phủ đã có một số điều chỉnh nhất định như áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; phê duyệt cho ngành giao thông vận tải Đề án về kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP lớn; đưa vào thử nghiệm các phương tiện giao thông sử dụng nguồn nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu lượng khí thải độc hại như xe buýt nhanh sử dụng nhiên liệu CNG (loại khí nén thân thiện với môi trường); nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, tập trung chuyển đổi hiệu quả công nghệ của 500 doanh nghiệp trên toàn quốc nhằm tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khoảng 962.000 tấn CO2… Thế nhưng, những giải pháp trên chưa thực sự tạo thành một hệ thống pháp lý chặt chẽ đủ để kiểm soát toàn diện nguồn thải phát thải gây ô nhiễm không khí.

        Hoàn thiện pháp lý, phát huy trách nhiệm cộng đồng

Khắc phục những lỗ hổng pháp lý liên quan đến kiểm soát khí thải ô nhiễm là điều kiện tiên quyết cần phải làm nếu muốn cải thiện chất lượng ô nhiễm không khí hiện nay. Tuy nhiên, không dừng lại giải pháp quản lý, việc phát huy vai trò tham gia của cộng đồng dân cư trong việc cải thiện thực trạng ô nhiễm môi trường không khí cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi chính họ là những người phải trực tiếp gánh chịu hậu quả của ô nhiễm không khí.

Do vậy, cần thiết phải đưa cộng đồng tham gia trực tiếp vào hệ thống quản lý môi trường, tham gia trong các công đoạn từ khâu bàn bạc ban đầu đến việc lên kế hoạch thực hiện, triển khai các hoạt động và đánh giá sau khi thực hiện; công khai các thông tin, số liệu liên quan đến tình hình ô nhiễm không khí và các nguồn chính gây ô nhiễm cho từng người dân; xây dựng các cơ chế, dự án cải thiện môi trường cụ thể để thu hút sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng; giúp cộng đồng nhận thức rõ tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe cộng đồng cũng như ảnh hưởng của nó tới chất lượng sống của họ. Đặc biệt, các chiến dịch truyền thông lớn cần khẳng định, đối với vấn đề ô nhiễm không khí, người dân không chỉ là nạn nhân mà chính họ cũng là tác nhân. Do đó, vận động người dân thay đổi thói quen sinh hoạt nhằm giảm ô nhiễm môi trường là điều hết sức cần thiết.

Giáo sư NGUYỄN VĂN PHƯỚC/SGGP


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất