Để ứng phó với suy thoái môi trường và mối đe dọa từ biến đối khí hậu
ngày càng gia tăng, nhiều quốc gia ở châu Á đang bắt đầu chuyển đổi nền
kinh tế hướng tới mô hình phát triển phát thải các-bon thấp, bền vững
hơn và đây cũng là mô hình phát triển kinh tế Việt Nam đang hướng tới.
Tuy nhiên, phát triển mô hình này cũng còn nhiều điều phải bàn khi mà
việc tiếp cận các nguồn tài chính cho việc chuyển đổi mô hình kinh
doanh xanh-đặc biệt là của khối doanh nghiệp tư nhân, còn nhiều khó
khăn.
Giảm khí thải: Cần 30 tỷ USD
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ năm 2011 đến năm 2020 và
tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt, đã chỉ rõ mục tiêu từ
nay tới năm 2020, Việt Nam sẽ giảm cường độ phát thải khí nhà kính
8%-10% so với mức 2010 và giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ
1%-1,5%/năm.
Cũng theo Chiến lược này, Việt Nam sẽ xanh hóa sản xuất thông qua sử
dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp
xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề đồng thời xanh hóa lối
sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Tại Hội thảo quốc tế “Tiếp cận tài chính cho Tăng trưởng xanh và Chiến
lược phát triển ít phát thải” diễn ra tại Việt Nam, từ ngày 12 đến 14/3,
ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi
trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hơn thập kỷ qua biến đổi khí hậu
hàng năm đã gây thiệt hại khoảng 2% -6% GDP và tỷ lệ gia tăng khí thải
của Việt Nam đã lớn hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP.
“Để giảm phát thải khí CO2 trong khu vực công nghiệp từ nay đến năm
2020, Việt Nam sẽ phải cần khoảng hơn 30 tỷ USD. Song, hiện đầu tư công
của Chính phủ hàng năm chỉ dành khoảng 1 tỷ USD cho các chương trình
biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; trong đó, nguồn tài trợ ODA từ năm
1993 đến nay cho công tác này chỉ khoảng 2 tỷ USD,” ông Mai nói.
Bên cạnh đó ông Mai cũng chỉ ra, do thiếu chính sách huy động tài
chính nên Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực
từ quốc tế và các nhà đầu tư trong nước.
Cái khó "bó" tư nhân
Một đại biểu đến từ tỉnh Bắc Kạn cho hay: Các thể chế, chính sách
khuyến khích đầu tư đã có và cho thấy sự ưu đãi đến mọi thành phần kinh
tế tham gia vào “sản xuất xanh”. Tuy nhiên trên thực tế, doanh nghiệp tư
nhân tiếp cận vốn vay để phục vụ cho các dự án “sản xuất xanh” lại rất
khó khăn.
“Đơn cử, sản xuất nông nghiệp với công nghệ lạc hậu với việc sử dụng hóa
chất, phân bón tùy tiện… sẽ khiến đất bạc màu, ảnh hưởng tới môi trường
nước, môi trường không khí đồng thời cung cấp ra ngoài thị trường những
sản phẩm nông nghiệp không sạch.
Song để vay vốn chuyển đổi mô hình sản xuất thì doanh nghiệp cần phải có
tài sản thế chấp, chưa kể lãi suất khá cao và thời hạn vay thường ngắn.
Trong khi, một dự án thường phải chờ tới vài năm mới kiểm chứng được
hiệu quả đầu tư. Do đó, tôi kiến nghị Chính phủ cần xem xét các khoản
tín dụng ưu đãi cho các dự án ‘sản xuất xanh’ có thời gian vay trung hạn
và đặc biệt là lãi suất thấp,” đại biểu Bắc Kạn kiến nghị.
Trong khi đó, đại diện đến từ Thành phố Hồ Chí Minh lại phản ánh về việc
tiếp cận nguồn vốn ODA. Theo vị đại diện này, các đối tác và tổ chức
tài chính quốc tế chủ yếu chấp nhận cung cấp tài chính các dự án đến từ
các bộ, do trình độ cán bộ lập dự án ở cấp này là rất tốt. Tuy nhiên khi
triển khai dự án xuống địa phương thì đặc thù mỗi nơi một khác và người
ở trung ương thì không thể sâu sát được hết các vấn đề nảy sinh ở cấp
cơ sở, nên kết quả thực hiện lại không cao và gặp nhiều vướng mắc.
“Các tỉnh lập dự án cho địa phương mình thì sẽ sâu sát và hiệu quả thiết
thực hơn, song vấn đề là sự quan tâm của các cấp chính quyền chưa cao
cũng như năng lực nhân sự tại các địa phương còn yếu. Vì vậy, các dự án
tiếp cận vốn tài trợ quốc tế tại các địa phương còn hạn chế.
Quan sát ngay trong Hội thảo quốc tế này, số lượng địa phương cử cán bộ
lãnh đạo tới tham dự để học hỏi kinh nghiệm xây dựng và giải pháp tiếp
cận nguồn tài chính cho các dự án là rất ít. Hơn thế nữa, các hội thảo
quốc tế còn mở rộng cơ hội gặp gỡ trực tiếp với các nhà tài trợ quốc tế
song không thấy các địa phương tiếp cận,” đại diện đến từ Thành phố Hồ
Chí Minh nhấn mạnh.
Đây sẽ là hạn chế của Việt Nam trong việc thúc đẩy "tăng trưởng xanh,"
bởi theo như ông Orestes Anastasia-đồng Chủ tịch Diễn đàn đối tác Chiến
lược phát triển các bon thấp châu Á, thì xu hướng đầu tư tài chính cho
"tăng trưởng xanh" chủ yếu đến từ khu vực tư nhân. Do đó, khu vực công
chỉ giới hạn ở nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư khu vực tư nhân.
“Việt Nam cần xây dựng kịch bản kinh doanh, triển khai các dự án thương
mại hơn là hỗ trợ hay tài trợ để phát triển hiệu quả và bền vững; trong
đó các lĩnh vực cụ thể cần đầu tư như công nghệ, cơ sở hạ tầng ít phát
thải các bon,” ông Orestes Anastasia khuyến nghị./.
(Vietnam+)