Thứ Ba, 24/9/2024
Chính sách
Thứ Hai, 13/6/2011 18:55'(GMT+7)

Cắt giảm đầu tư công và một số vấn đề đặt ra

(Hình minh họa).

(Hình minh họa).

Đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường. Đồng thời, đầu tư cũng là yếu tố tiềm ẩn của lạm phát.

Trong kinh tế thị trường, Nhà nước đã rút dần vai trò đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh, mà chủ yếu tạo thành nguồn vốn mồi có tác động kéo các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác đầu tư theo; trực tiếp đầu tư vào những ngành, những lĩnh vực, những vùng mà các nhà đầu tư tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài không muốn đầu tư.

Khi kiềm chế lạm phát là mục tiêu  ưu tiên hàng đầu, thì tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP thường cũng phải giảm theo; trong đó đầu tư công sẽ phải được cắt giảm trước nhất. Hơn nữa cắt giảm đầu tư công còn là tiền đề để giảm bội chi ngân sách, mà bội chi ngân sách cũng là yếu tố trực tiếp làm tăng lạm phát.

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, việc cắt giảm đầu tư công đã được rà soát với mức dự kiến lên đến trên 10%.

Thực tế vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm theo ước tính của Tổng cục Thống kê chỉ tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố tăng giá tthì còn giảm sâu hơn.

Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5/2011 của Chính phủ (Nghị quyết 83), tăng trưởng GDP cả năm được điều chỉnh là 6%, với tốc độ tăng giá tiêu dùng là 15%. Tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP năm 2011 sẽ bị giảm so với năm trước (năm trước là 41,9%, quý I năm nay ước chỉ đạt 38,8%, khả năng cả năm còn thấp hơn nữa). Tỷ trọng vốn đầu tư thuộc khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cũng sẽ bị giảm (năm 2010 là 36,1%, khả năng cả năm nay do được cắt giảm mà tỷ trọng sẽ thấp hơn, thậm chí có thể còn thấp hơn tỷ trọng 33,9% của năm 2009).

Tuy nhiên, có 3 vấn đề đặt ra.

Thứ nhất, cắt giảm đầu tư công nhưng không cực đoan, nhất là những dự án đầu tư phát triển xã hội; bảo vệ và cải thiện môi trường, đầu tư vào vùng sâu vùng xa, đầu tư cho việc xóa đói, giảm nghèo,…

Thứ hai, khi đầu tư công giảm, đối với những dự án đầu tư quan trọng, cấp thiết, thì phải có chính sách thu hút các nguồn vốn khác tăng lên để bù đắp. Trong các nguồn vốn này, thì việc thu hút vốn đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước, thông qua chính sách xã hội hóa, thông qua phương thức đầu tư công - tư, các dự án BOT, BT,… Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) năm nay giải ngân tăng khá - vấn đề là nghiên cứu để chuyển chức năng thực hiện, trách nhiệm trả nợ, mở rộng cho doanh nghiệp tư nhân tham gia,… Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm nay tuy giảm về lượng vốn đăng ký, nhưng có khả năng tăng về lượng vốn thực hiện. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) có khả năng vào nhiều hơn ra khi giá chứng khoán giảm mạnh, khi giá bất động sản giảm xuống,…

Thứ ba, trong điều kiện kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên, thì nâng cao hiệu quả đầu tư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về cả 2 mặt. Một mặt, hiệu quả đầu tư thấp là nguyên nhân quan trọng nhất, là yếu tố tiềm ẩn của lạm phát. Mặt khác, nâng cao hiệu quả đầu tư trên cơ sở đầu tư tập trung không dàn trải, đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm thiểu lãng phí, thất thoát, đẩy nhanh việc đưa công trình vào sử dụng,… vừa có tác dụng kiềm chế lạm phát, vừa phù hợp với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế./.

(Ngọc Minh/VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất