Thứ Ba, 24/9/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 22/5/2011 21:53'(GMT+7)

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế phòng chống thiên tai

Lũ lụt gây ở miền Trung ( Việt Nam) gây thiệt hại về người và tài sản.

Lũ lụt gây ở miền Trung ( Việt Nam) gây thiệt hại về người và tài sản.

Thiên tai đang ngày càng đe dọa nghiêm trọng tới đời sống của người dân các nước chịu tác động từ biến đổi khí hậu và Việt Nam đang nỗ lực trong các hoạt động hợp tác quốc tế để giảm thiểu tác động của thiên tai. Năm vừa qua, thiên tai ở Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của 366 người, làm hư hại 470.000 ngôi nhà và thiệt hại về vật chất lên đến trên 16.000 tỷ đồng.

Thiên tai xảy ra phức tạp trên khắp thế giới, để lại hậu quả hết sức nặng nề, làm cho các quốc gia phải mất nhiều năm để khắc phục và tái thiết như núi lửa phun ở Ai-xơ-len, In-đô-nê-xi-a; động đất tại Chi-lê và Trung Quốc, Đài Loan; cháy rừng tại Nga; lũ lụt tại Pa-ki-xtan; hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông Mê Công... Gần đây nhất, là trận động đất tại Niu Di-lân, Phi-líp-pin, My-an-mar, Đài Loan. Đặc biệt thảm họa kép: động đất - sóng thần ở Nhật Bản ngày 11-3 làm 25.000 người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất lên tới hơn 300 tỷ đô-la và sau đó hàng loạt các trận động đất, rung chấn vẫn tiếp diễn những ngày gần đây.

Tại Việt Nam, trong năm 2010, có 6 cơn bão hoạt động trên biển đông (2 cơn ảnh hưởng đến đất liền), liên tiếp 4 đợt lũ lớn lịch sử ở hầu khắp các tỉnh miền Trung. Nắng nóng, hạn hán kéo dài, mực nước nhiều sông lớn xuống rất thấp, trong khi đó triều cường ở thành phố Hồ Chí Minh lại lên cao trái quy luật.

Lũ lụt lịch sử ở các tỉnh miền Trung, rét đậm, rét hại kéo dài, làm chết hàng chục ngàn gia súc, gia cầm, gây thiệt hại lớn về kinh tế, đời sống của nhân dân. Thiên tai, bão, lũ đã cướp đi sinh mạng của 366 người, trên 470.000 ngôi nhà bị hư hại, thiệt hại về vật chất lên đến trên 16.000 tỷ đồng.

Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều cuộc diễn tập phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn với các quy mô khác nhau. Một nguồn kinh phí rất lớn cũng được dành để mua sắm nhiều phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCLB, TKCN như: tàu cứu hộ trên biển công suất lớn, máy bay trực thăng cứu hộ, cứu nạn, cầu phao…; xây dựng các trung tâm TKCN trên biển, nâng cấp các Trung tâm huấn luyện TKCN đường biển, đường không…

Nhà nước cũng chi hàng nghìn tỷ đồng để khôi phục, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam; quy hoạch dân cư phòng, chống lũ quét tại 33 tỉnh miền núi; xây dựng các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão…

Trong chiến lược quốc gia phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, Chính phủ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị, xây dựng lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp, hiện đại, đủ khả năng xử lý trong các tình huống thiên tai phức tạp; tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực quản lý, dự báo sớm, xây dựng các công trình PCLB, TKCN, GNTT.

Nhằm giảm thiểu những tác động của thiên tai, Việt Nam đã xây dựng chiến lược Quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bám sát các mục tiêu của khung hành động Hyogo, chú trọng hợp tác quốc tế, phát huy mọi nguồn lực, kinh nghiệm của các nước, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực ứng phó, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nỗ lực của riêng Việt Nam hay một quốc gia nào đó vẫn chưa đủ để ứng phó với những hậu quả khôn lường của thiên tai. Do đó, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết.

Việt Nam đã tham gia đầy đủ và là một nhân tố quan trọng trong Ủy ban ASEAN về phòng chống thiên tai (ACDM); tại cuộc họp ACDM lần thứ 15 tại Xin-ga-po ngày 11 và 12-3-2010, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến về việc hợp tác trong cứu trợ tàu thuyền gặp nạn trên biển và sáng kiến này đã được ký kết bằng tuyên bố ASEAN về Hợp tác tìm kiếm và cứu nạn người và tàu, thuyền gặp nạn trên biển tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội.

Việc ký kết và thực hiện Hiệp định Quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) là một bước đột phá trong tăng cường hợp tác nội khối nhằm kiểm soát thảm họa, điều phối việc ứng phó khẩn cấp và tìm kiếm cứu nạn.

Để Hiệp định đi vào thực tiễn, Việt Nam cùng các nước ASEAN đang đẩy nhanh tiến trình thành lập Trung tâm ứng phó khẩn cấp và cứu trợ nhân đạo (AHA) tại Hà Nội. Đây là trung tâm khu vực, cầu nối giữa các quốc gia, bảo đảm việc cung cấp thông tin cảnh báo các thảm họa, tiếp nhận các yêu cầu cứu trợ, tìm kiếm cứu nạn, điều phối lực lượng trong ứng phó thảm họa, cứu trợ nhân đạo và tái thiết khu vực. Việt Nam cũng tham gia các hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn, các cuộc diễn tập về ứng phó khẩn cấp và cứu trợ thiên tai, từng bước xây dựng nguồn lực đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, sẵn sàng tham gia ứng phó theo yêu cầu của khối và quốc tế

Hơn nữa, Việt Nam cũng coi trọng hợp tác song phương với các nước trong phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ủng hộ các sáng kiến như: Đề xuất của Hoa Kỳ về “Diễn đàn các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai” nhằm thúc đẩy việc xây dựng hành lang pháp lý giữa các quốc gia, một cơ chế sẵn sàng để các quốc gia thành viên có nghĩa vụ đóng góp và tiếp nhận các nguồn lực nhằm ứng cứu nhanh nhất khi thảm họa xảy ra; Xây dựng cơ chế nhằm khuyến khích hơn nữa các doanh nghiệp tư nhân, các nhà đầu tư tham gia vào các hoạt động quản lý thảm họa, ứng phó khẩn cấp và cứu trợ nhân đạo, bảo đảm cho các doanh nghiệp và kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Việt Nam cũng tham gia đồng bảo trợ sáng kiến tổ chức Hội thảo về “Các biện pháp tốt để giảm thiểu rủi ro trong đối phó thảm họa: Bài học kinh nghiệm từ vụ động đất tại Chi-lê tháng 2-2010”, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chia sẻ kinh nhiệm của chúng ta với các nền kinh tế APEC, cũng như học tập tích lũy các kinh nghiệm đặc biệt trong phòng chống và ứng phó với thảm họa động đất, sóng thần, những thảm họa Việt Nam có thể phải đối phó trong tương lai.

Gần đây nhất, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng lần thứ nhất (ADMM+) với chủ đề “ADMM+: Hợp tác chiến lược vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực” đã đề cập đến các vấn đề: sáng kiến sử dụng nguồn lực và khả năng của quân đội các nước ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và ứng cứu thảm họa; hợp tác để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phòng chống thiên tai... Đây là cơ hội để chúng ta có điều kiện hơn trong việc nâng cao năng lực cho lực lượng cứu hộ- cứu nạn và tăng cường hợp tác quốc tế. Chúng ta cũng phải tính đến những tình huống thiên tai và thảm họa khác như: động đất, sóng thần, phóng xạ, hạt nhân... để có sự hợp tác rộng rãi hơn trong mọi lĩnh vực.

Trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hơn nữa hợp tác ASEAN về ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và tìm kiếm cứu nạn, từng bước thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định AADMER và đưa trung tâm AHA vào hoạt động đáp ứng yêu cầu ứng phó thảm họa.

Việt Nam cũng cần mở rộng hợp tác song phương với các quốc gia có điều kiện, có năng lực trong lĩnh vực PCGNTT, tăng cường hơn nữa hợp tác trong tìm kiếm cứu nạn, coi trọng hợp tác tìm kiếm cứu nạn đường biển, đường không, tìm kiếm cứu nạn trong đô thị.

Bên cạnh đó, việc hợp tác với các quốc gia ven biển trong việc cảnh báo động đất, sóng thần, chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó sóng thần và tìm kiếm cứu nạn cũng cần được đẩy mạnh.

Việt Nam sẽ tham gia chủ động, tích cực hơn trong các cuộc diễn tập ASEAN, ARF về ứng phó thiên tai, cứu trợ thảm họa, sẵn sàng tham gia diễn tập với một số nước như: Trung Quốc, Nga, Mỹ… Tiếp tục cử cán bộ tham gia các khóa học, lớp tập huấn quốc tế, xây dựng nguồn lực tương xứng với khu vực và quốc tế để sẵn sàng hợp tác, phối hợp hành động khi có tình huống xảy ra nhằm xây dựng một xã hội an toàn hơn trước các thiên tai, thảm họa.

(Nguyễn Chung Thủy/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất