Thứ Sáu, 27/9/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 10/1/2015 21:22'(GMT+7)

Câu hỏi lớn từ những bức tranh châm biếm

Tổng biên tập X.Xác-bô-ni-ơ, mục tiêu đầu tiên của các tay súng. (Ảnh: The Guardian)

Tổng biên tập X.Xác-bô-ni-ơ, mục tiêu đầu tiên của các tay súng. (Ảnh: The Guardian)

Nổi tiếng nhờ “đặc sản” tranh châm biếm về nhiều lĩnh vực, tôn giáo, song trong quá khứ, Charlie Hebdo cũng không ít lần nằm giữa tâm điểm tranh cãi và khiến nhiều người Hồi giáo trên thế giới phẫn nộ bởi những tấm ảnh khắc họa Nhà tiên tri Mô-ha-mét (Mohammed) của tạp chí này, thường theo hướng tiêu cực. Các phần tử thánh chiến trên mạng thậm chí có lần đã cảnh báo rằng, Charlie Hebdo sẽ phải trả giá vì những hành động chế giễu đấng tối cao của người Hồi giáo.

Năm 2006, Charlie Hebdo từng cho đăng ảnh một nhân vật hoạt hình nổi tiếng người Đan Mạch mô phỏng nhà tiên tri Hồi giáo Mô-ha-mét trong số đặc biệt và bán được tới 400.000 bản. Căng thẳng nổi lên khi hai nhóm Hồi giáo ở Pháp đã đâm đơn kiện tạp chí này, nhưng vụ kiện bị bác bỏ bởi Tòa án phán quyết rằng, hình ảnh nói trên được bảo vệ bởi luật tự do thể hiện và không hề tấn công đạo Hồi.

Sau khi thắng kiện, tạp chí này tiếp tục đăng những bức tranh châm biếm, thậm chí với mật độ dày đặc hơn. Chẳng hạn như năm 2011, Charlie Hebdo đã cho đăng hình vẽ Nhà tiên tri Mô-ha-mét trên trang bìa nổi bật với cái mũi đỏ như chú hề kèm lời chú thích "100 roi nếu bạn không chết vì cười". Ngay ngày hôm sau, trụ sở tạp chí này gần như tanh bành bởi một tấn công bằng bom xăng nhưng may là không có thương vong.

Theo CNN, tháng 9/2012, trong khi các cuộc bạo loạn nổ ra ở Trung Đông nhằm phản đối một bộ phim chống Hồi giáo của Mỹ, Charlie Hebdo lại một lần nữa đăng tải hình vẽ Nhà tiên tri Mô-ha-mét khỏa thân. Lúc ấy, Lô-răng Lơ-giê (Laurent Leger), một nhà báo của tạp chí, nói rằng tranh châm biếm không nhằm khiêu khích để gây phẫn nộ hoặc kích động bạo lực, mà đơn thuần chỉ nhằm mục đích chế giễu và phản đối những kẻ cực đoan. "Các tờ báo khác đã phản ứng với làn sóng biểu tình bằng những câu chuyện trang nhất. Chúng tôi cũng đang làm điều tương tự, nhưng bằng tranh vẽ. Một bức tranh không bao giờ giết ai cả", Xtê-phan Sác-bôn-ni-ê (Stephan Charbonier), Tổng biên tập đồng thời là họa sĩ chính của Charlie Hebdo giải thích thêm.

Thế rồi những năm qua, Charlie Hebdo tiếp tục vẽ biếm họa về Mô-ha-mét và chỉ trích Hồi giáo, bất chấp những lời kêu gọi chấm dứt hành động này. Thậm chí ít giờ trước khi xảy ra vụ tấn công ngày 7-1 vừa qua, tạp chí này còn đăng tải trên Twitter một hình biếm họa mô phỏng thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng A-bu Ba-cơ An Ba-đa-di (Abu Bakr al-Baghdadi) với thông điệp: "Nhân tiện, chúc những điều tốt đẹp nhất".

Cũng vì những tấm hình châm biếm kiểu trên, bản thân ông X.Sác-bôn-ni-ê lâu nay đã trở thành mục tiêu săn đuổi của những đối tượng cực đoan. X.Sác-bôn-ni-ê cùng người vệ sĩ của ông đã bị sát hại dã man tại tòa soạn nơi ông gắn bó bao năm trong ngày 7-1 định mệnh. Trước đó, không ít lần nhà báo này bị dọa giết và phải sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát, thậm chí còn có tên trong danh sách những người muốn săn tìm nhất của Al Qaeda.

Nói như vậy chẳng phải phê phán cá nhân Tổng biên tập X.Sác-bôn-ni-ê và tạp chí Charlie Hebdo, bởi tới nay, dư luận nước Pháp và thế giới có những đánh giá rất khác biệt về người đàn ông 47 tuổi này và những gì mà tờ báo nơi ông là người đứng đầu đã làm. Có người cho rằng, đó là nỗ lực phi thường nhằm ủng hộ và quảng bá tự do ngôn luận, tự do báo chí chứ thực chất, X.Sác-bôn-ni-ê chẳng muốn khiêu khích bất kỳ ai. Lại có những ý kiến chỉ trích cách điều hành của X.Sác-bôn-ni-ê là “vô trách nhiệm”.

Thế nhưng, theo tờ Điện tín của Anh, bất chấp vụ thảm sát kinh hoàng vừa qua, đội ngũ biên tập viên của tạp chí Charlie Hebdo khẳng định sẽ tiếp tục phát hành tạp chí và cho biết, ấn phẩm sắp tới sẽ có số lượng phát hành lớn nhất từ trước đến nay. Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) tuyên bố, Chính phủ Pháp sẽ cấp 1 triệu ơ-rô để tiếp tục lưu hành tạp chí. "Người dân Pa-ri sẽ không sợ hãi. Chúng tôi sẽ đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố bằng các giá trị chung, tự do, tự do ngôn luận, tự do báo chí", CNN dẫn lời ông Pa-chích Clu-man (Patrick Klugman), Phó thị trưởng Pa-ri.

Đó cũng là lời khẳng định đanh thép, rằng dù vì lý do gì, những hành động khủng bố và bạo lực luôn đáng bị lên án và loại bỏ. Thế nhưng, vụ việc vừa qua cũng đáng để người ta đặt ra những câu hỏi về khái niệm “tự do” trong báo chí./.

Anh Vũ (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất