Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2010 kinh tế VN phục hồi khá nhanh và ổn định, tăng trưởng kinh tế (GDP) dự kiến cả năm đạt 6,7%, xuất khẩu tháng 11 tăng 24,5%, giải ngân các luồng vốn nước ngoài như FDI, ODA và thu hút kiều hối có chiều hướng tăng trở lại, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của VN, đặc biệt VN đã trở thành nước có thu nhập trung bình, với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.160 USD, tuy nhiên, bài phát biểu của đại diện nhiều nhà tài trợ đều tỏ ra lo ngại trước những bất ổn trong kinh tế vĩ mô và lạm phát gia tăng.
Ông Masato Miyazaki, đại diện cho Vụ châu Á và Thái Bình Dương (Quỹ tiền tệ quốc tế IMF) bày tỏ sự lo ngại tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ vượt quá mục tiêu năm nay 25%, đây là mức quá cao đối với nền kinh tế.
Trong khi đó, lạm phát đã tăng mạnh từ tháng 9/2010, vượt quá 1%, làm cho tỷ lệ tăng CPI có thể sẽ lên mức hai con số trong năm nay, cùng với đó giá lương thực thực phẩm tăng cao hơn và sự mất giá của VND đã góp phần làm tăng lạm phát.
Đặc biệt, vị đại diện IMF đặc biệt lo ngại về thâm hụt thương mại tăng lên mức 1,3 tỷ USD trong tháng 11 và mức thâm hụt tài khoản vãng lai (không kể vàng) được dự báo ở mức dưới 7% của GDP vẫn còn rất lớn.
Tương tự như vậy, mặc dù dự trữ quốc tế đã ổn định trong năm nay nhưng vẫn còn ở mức thấp, khoảng 1,8 tháng nhập khẩu tiềm năng tính đến tháng 9 năm nay.
Về cung ngoại tệ trên thị trường, ngài Masato Miyazaki nhìn nhận, kể từ mùa hè năm nay, tỷ giá VND đã phải chịu áp lực mất giá liên tục kể từ mùa hè, mặc dù đã được phá giá 2,1% trong tháng 8 và các lãi suất chính sách đã được tăng thêm 100 điểm cơ bản vào tháng 11. Gần đây thì tỷ giá thị trường tự do đã nằm ngoài biên độ của tỷ giá chính thức khoảng 10%.
Từ đó, ông Masato Miyazaki nhấn mạnh: “Sự bất ổn định của các điều kiện kinh tế vĩ mô phần nhiều là do sự mất niềm tin của thị trường vào định hướng chính sách kinh tế vĩ mô”.Thực tế là những động thái chính sách của Chính phủ thường xuyên gây ấn tượng rằng Chính phủ coi trọng tăng trưởng ngắn hạn hơn là sự ổn định cần thiết để duy trì sự ổn định trong dài hạn. Trong khi đó, việc điều chỉnh chính sách chậm trễ dẫn đến cần phải có các biện pháp hà khắc vào “phút cuối”, chính điều này đã dẫn đến sự gia tăng tính bất ổn và rủi ro đối với nền kinh tế. Và để giải quyết những rủi ro này, theo IMF phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để khôi phục lại một cách có trật tự các điều kiện trên thị trường ngoại hối và kiềm chế áp lực lạm phát.
Theo đó, Chính phủ thay vì theo đuổi một gói gắn kết các biện pháp thắt chặt thì nên tăng lãi suất chính sách cao hơn nữa và củng cố ngân sách lớn hơn. Để tạo niềm tin và giảm lạm phát thì nên xây dựng những mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn đáng kể so với các mức trong những năm gần đây. Đồng thời, IMF cũng nhấn mạnh, phải thực hiện củng cố ngân sách nhằm giảm tỷ lệ nợ công trên GDP để nâng cao niềm tin và tạo một không gian tài khóa trong bối cảnh có sự lo ngại về các khoản nợ dự phòng được bảo lãnh và ngầm được bảo lãnh.
Theo Khoa học & Đời sống