Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương luôn quan tâm tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) từ khâu quy hoạch, lựa chọn đến đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Đây là lực lượng nòng cốt, xung kích của Đảng, Nhà nước ở vùng đồng bào DTTS, là biểu tượng sinh động của khối đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, tại nhiều địa phương, việc xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS còn nhiều bất cập; tình trạng thiếu cán bộ người DTTS có trình độ, năng lực vẫn là “bài toán nan giải”, nhất là ở cơ sở. Chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS còn hạn chế, không đồng đều; hầu hết các tỉnh miền núi chưa tự cân đối được lực lượng cán bộ tại chỗ. Hiện trong toàn quốc còn khoảng 10 DTTS chưa có người học đại học, 35 DTTS chưa có người có học vị trên đại học…
Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do điều kiện kinh tế-xã hội, địa lý của địa phương, đời sống đồng bào vùng cao còn nhiều khó khăn; các phong tục, tập quán lạc hậu cũng là yếu tố kìm hãm sự phát triển của đội ngũ cán bộ người DTTS. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản, chủ quan vẫn là do công tác đào tạo, sử dụng cán bộ người DTTS chưa có quy hoạch đồng bộ và chiến lược hợp lý. Khá nhiều địa phương, do chưa làm tốt việc tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho học sinh người DTTS, nên việc chọn ngành, nghề của các em còn mang tính tự phát, chưa gắn với nhu cầu thực tế của địa phương; không ít sinh viên người DTTS tốt nghiệp cao đẳng, đại học, nhưng không tìm được việc làm ngay tại quê hương mình. Việc đào tạo cán bộ người DTTS ở không ít địa phương chưa xuất phát từ quy hoạch tổng thể, chiến lược phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, thậm chí cán bộ được đào tạo cơ bản, nhưng không được sử dụng hợp lý, đúng chuyên ngành…
Để xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS có số lượng, cơ cấu hợp lý, không ngừng nâng cao chất lượng, cần có chiến lược và giải pháp cụ thể, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Việc quy hoạch đội ngũ cán bộ người DTTS đòi hỏi phải có cơ cấu hợp lý, phù hợp điều kiện, đặc thù của từng địa phương. Các địa phương có nhiều thành phần dân tộc, cần quan tâm xây dựng cơ cấu cán bộ hợp lý về thành phần dân tộc, trình độ, địa bàn; thực hiện đồng bộ từ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý, đánh giá và chính sách đãi ngộ; tránh tư tưởng cục bộ địa phương.
Quan tâm củng cố các trường phổ thông dân tộc nội trú từ huyện đến Trung ương và các trường dự bị đại học dân tộc; tổ chức tuyển sinh đúng đối tượng, tiêu chuẩn gắn với quy hoạch, sử dụng nguồn nhân lực... là những giải pháp căn bản, lâu dài. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS phải căn cứ vào chiến lược phát triển ngành, địa phương; xác định rõ nhu cầu đào tạo và phối hợp chặt chẽ giữa địa phương sử dụng cán bộ với cơ sở đào tạo; khắc phục tình trạng chạy theo thành tích. Việc sử dụng cán bộ người DTTS, ngoài quy định chung, cần coi trọng khả năng vận động, tập hợp, đoàn kết quần chúng và sự tín nhiệm của đồng bào, gắn với giải quyết tốt các chế độ, chính sách...
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của Đảng, Nhà nước ta và cả hệ thống chính trị, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa miền núi, biên giới, vùng sâu… với miền xuôi; đồng thời thiết thực củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm thất bại âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch. Làm tốt công tác này cũng chính là hiện thực hóa chính sách đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là ở khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược, trọng điểm./.
Nguyên Thắng (QĐND)