Vùng Bắc Tây Nguyên gồm hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum với nhiều dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, đời sống kinh tế-xã hội còn khó khăn. Trong những năm qua, hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo vùng DTTS, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
NHỮNG MÔ HÌNH, CÁCH LÀM SÁNG TẠO
Đê Btưk (xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang) là một trong những làng khó
khăn nhất của tỉnh Gia Lai. Ở đây chủ yếu là người dân tộc Ba Na sinh
sống và hơn 80% hộ nghèo. Trước đây, có thời điểm hơn 50% số học sinh
của làng nghỉ học theo cha mẹ lên rẫy. Giải quyết thực trạng đó, năm học
2018-2019, huyện Mang Yang đã huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng mô
hình “Bán trú dân nuôi” cho các em học sinh làng Đê Btưk tại Trường
Tiểu học và THCS Đăk Jơ Ta. Mô hình “Bán trú dân nuôi” đã phát huy hiệu
quả, thu hút hầu hết học sinh làng Đê Btưk đi học trở lại.
Thời gian lao động của công nhân khai thác mủ cao su bắt đầu từ 1 giờ
sáng và đó cũng là thời điểm các trường mầm non của Binh đoàn 15 trên
địa bàn hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum đón trẻ. Các mô hình trường phổ thông
dân tộc nội trú (DTNT), phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) có phân công
cán bộ xã, giáo viên phụ trách từng thôn, làng để huy động học sinh DTTS
đến trường đang phát huy hiệu quả. Cô giáo Nguyễn Thị Loan, Trường Tiểu
học và THCS Hoàng Hoa Thám (xã Bar Măih, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai)
cho biết: “Học sinh của trường hơn 98% là người DTTS. Nhiệm vụ của thầy
cô giáo không chỉ dạy học mà còn phải làm tốt công tác dân vận. Hằng
tuần, tôi và đồng nghiệp thường đi vào làng gặp gỡ, động viên, giúp đỡ
gia đình các em học sinh gặp khó khăn. Những món quà nhỏ như chiếc áo
cũ, đôi dép hay cuốn vở… nhưng đó là động lực giúp các em tiếp tục đến
trường học tập”.
Bằng những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong những năm qua,
các trường ở tỉnh Gia Lai luôn duy trì sĩ số đến trường hơn 95%, nhiều
trường đạt 99%. Năm học 2016-2017, hơn 21% học sinh DTTS đạt học lực
khá, giỏi. Học sinh DTTS tốt nghiệp THPT đạt hơn 90%, riêng Trường phổ
thông DTNT tỉnh Gia Lai 6 năm liên tiếp đạt 100%.
Tỉnh Kon Tum sau hai năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy
“Về tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS giai
đoạn 2016-2020” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kỳ thi THPT Quốc
gia năm 2018 có 90,32% học sinh DTTS đỗ tốt nghiệp. Chất lượng giáo dục
trong các trường phổ thông DTNT, phổ thông DTBT được nâng cao; quy mô,
số lượng học sinh DTTS hằng năm đều tăng.
|
Các doanh nghiệp trên địa bàn tặng xe đạp cho học sinh Trường Tiểu học và THCS Đăk Jơ Ta (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). (Ảnh: Nguyễn Anh Sơn)
|
ƯU TIÊN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC
Tỉnh Gia Lai hiện có 17 trường phổ thông DTNT và 28 trường phổ thông
DTBT ở vùng DTTS, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Tỉnh Kon Tum cũng có 10 trường phổ thông DTNT và 55 trường phổ thông
DTBT. Ngoài ra ở hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum còn có các trường, lớp theo
mô hình “Bán trú dân nuôi”; trung tâm giáo dục từ xa, trung tâm học tập
cộng đồng, trung cấp nghề, cao đẳng, đại học. Hình thành mạng lưới cơ sở
giáo dục rộng khắp đến tận thôn, làng vùng DTTS theo hướng chuẩn hóa.
Hai tỉnh đều đặt mục tiêu đến năm 2020 huy động trẻ em 3-5 tuổi đi học
mẫu giáo đạt hơn 90% và 100% trẻ em DTTS 5-6 tuổi được chuẩn bị các điều
kiện vào học lớp 1; 100% trẻ em DTTS trong độ tuổi được vào học tiểu
học; 100% hoàn thành chương trình tiểu học và THCS, có ít nhất 30% học
sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề kết hợp với THPT hệ giáo dục thường
xuyên. Học sinh DTTS tốt nghiệp THPT được học đại học hoặc cao đẳng,
trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề hơn 80%.
Để đạt được mục tiêu đó, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh xã
hội hóa giáo dục, tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum chú trọng quan tâm đổi
mới phương pháp dạy và học ở vùng DTTS. Ngay từ đầu năm học, các trường
tổ chức khảo sát, phân loại năng lực học tập của học sinh để có kế hoạch
dạy, phụ đạo, bồi dưỡng đúng đối tượng.
Thầy Phan Văn Chiểu, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (xã Sa Sơn,
huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) cho biết: “Phương pháp dạy học đối với học
sinh DTTS rất quan trọng, đặc biệt ở những trường học sinh DTTS học
chung với học sinh người Kinh. Một mặt, phải bảo đảm nội dung, chương
trình, phương pháp giảng dạy theo quy định, mặt khác, phải có cách tiếp
cận đơn giản, dễ hiểu theo phân loại đối tượng”.
Theo ông Nguyễn Phúc Phận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon
Tum: Tỉnh Kon Tum đang tập trung đổi mới phương pháp dạy học theo hướng
phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh DTTS. Tập trung
dạy cách học, cách nghĩ và khuyến khích tính tự học để học sinh tự lĩnh
hội tri thức, phát triển năng lực. Tăng thời lượng học tập của học sinh
trên lớp, thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, dạy phụ đạo cho học sinh yếu,
kém; tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người
DTTS; ứng dụng công nghệ tin vào giảng dạy và quản lý chất lượng học
sinh, chống bệnh thành tích trong thi cử, đánh giá chất lượng./.
Nguyễn Anh Sơn (qdnd.vn)