So với yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được triển khai từ năm học 2020-2021, hiện nhiều trường trên địa bàn TP Hà Nội đang thiếu phòng học, thiết bị dạy và học, đặc biệt là thiếu không gian trải nghiệm để thực hiện cấu phần nội dung mới và chiếm tỷ lệ lớn là hoạt động trải nghiệm.
Thiếu cơ sở vật chất
Để đáp ứng với yêu cầu của Chương trình GDPT mới, các trường cần phải bổ sung thêm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phòng học… Cụ thể: Cấp tiểu học yêu cầu các trường phải có phòng giáo dục nghệ thuật, phòng khoa học – công nghệ, tin học, ngoại ngữ. Cấp THCS yêu cầu các trường có các loại phòng học bộ môn tin học, công nghệ, khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, giáo dục công nghệ. Cấp THPT yêu cầu có các loại phòng bộ môn công nghệ, nghệ thuật, vật lý, sinh học, hóa học, ngoại ngữ.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường ở Hà Nội cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Tại trường Tiểu học Hồng Sơn (Mỹ Đức – Hà Nội) hiện có 20 lớp học và chỉ có 18 phòng học. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Sơn cho biết: “Theo Chương trình GDPT mới, các trường phải đáp ứng đủ phòng học để đảm bảo tất cả học sinh học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, với số phòng học hiện nay của nhà trường không thể đáp ứng đủ yêu cầu. Hiện nhà trường cũng thiếu phòng học tin học, ngoại ngữ, nghệ thuật và khu tập thể dục…”.
Theo Chương trình GDPT mới, môn Tin học sẽ trở thành môn bắt buộc ở bậc Tiểu học, nhưng hiện trường Tiểu học Hồng Sơn chỉ có 10 bộ máy tính đã bị hỏng do được mua sắm từ nhiều năm nay. Với số máy tính này, cũng không thể đáp ứng việc dạy và học môn Tin học của nhà trường.
Trường THCS&THPT Lê Qúy Đôn (Nam Từ Liêm - Hà Nội) được đánh giá là một trường tư có chất lượng của thành phố, tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất của nhà trường cũng chưa thể đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT mới. So với chương trình GDPT mới, nhà trường vẫn còn thiếu khu thể dục và phòng học bộ môn công nghệ, nghệ thuật…
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện cơ sở vật chất của nhiều trường còn thiếu phòng học, đồ dùng, các thiết bị thí nghiệm, âm nhạc, mỹ thuật, khu tập thể dục thể thao… Từ nay đến khi thực hiện Chương trình GDPT mới không còn nhiều thời gian, do đó, Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch triển khai cụ thể để có đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chỉ là đơn vị triển khai chương trình GDPT mới và sách giáo khoa còn nguồn kinh phí lại phụ thuộc vào chính quyền mỗi địa phương và bộ, ngành khác. Nếu như Bộ GD&ĐT không có sự phối hợp nhịp nhàng với các bộ, ngành thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu đổi mới”.
Không chỉ có vậy, hiện nay nhiều trường đang gặp khó khăn về phòng thí nghiệm. Theo bà Nguyễn Thị Phương Liên, Hiệu trường trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Bắc Từ Liêm – Hà Nội), với các môn như sinh học, vật lý, hóa học áp dụng phương pháp dạy học đặc thù thông qua thực hành trong phòng thí nghiệm, ngoài thực địa; thông qua nghiên cứu khoa học bằng các bài tập tình huống, các dự án nghiên cứu gắn với thực tiễn đời sống; thông qua tham quan các cơ quan sản xuất nông nghiệp, các nhà máy ứng dụng công nghệ sinh học, hóa học nhưng phòng thí nghiệm của nhà trường không thể đáp ứng được yêu cầu này.
Chưa có đầu tư cho hoạt động trải nghiệm
Trong Chương trình GDPT mới, hoạt động trải nghiệm là một hoạt động giáo dục bắt buộc và được thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Liên, hầu hết các trường THPT trên địa bàn Hà Nội không có khu vực dành riêng cho hoạt động trải nghiệm.
Hiện nay cơ sở vật chất dành cho hoạt động trải nghiệm của trường Tiểu học Hồng Sơn cũng chưa được đầu tư. Nhà trường cũng không có khu vực dành riêng cho môn học hoạt động trải nghiệm. Định hướng của nhà trường đề ra với hoạt động trải nghiệm trong Chương trình GDPT mới sẽ được lồng ghép vào những chuyến tham quan thực tế các khu di tích lịch sử ở địa phương và trong các buổi dạy kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp.
Được biết, hàng năm các trường trên địa bàn TP Hà Nội đều thực hiện các chương trình tham quan tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… để học sinh có những trải nghiệm từ thực tế. Tuy nhiên, với yêu cầu của Chương trình GDPT mới, hoạt động trải nghiệm đòi hỏi các trường phải xây dựng hoạt động trải nghiệm bài bản và định hướng cụ thể ở mỗi một hoạt động. Do đó, cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức hoạt động trải nghiệm đang là vấn đề đặt ra đối với các trường.
Trước những khó khăn về cơ sở vật chất thực hiện hoạt động trải nghiệm, ông Nguyễn Quốc Bình cho rằng phải căn cứ vào điều kiện của từng trường, từng địa phương để đề ra những hoạt động trải nghiệm cụ thể. Theo đó, các trường trong cùng một địa phương có liên kết lại với nhau để tổ chức ngày hội khoa học, ngày hội đọc sách, tìm hiểu môi trường, biến đổi khí hậu… để có thể tận dụng được cơ sở vật chất của các trường. Bên cạnh đó, trong các hoạt động tham quan của nhà trường cũng kèm theo việc dạy các kỹ năng cho học sinh, như: Thoát hiểm, tìm nguồn nước, vượt sông suối…
Ông Bình cũng cho biết, nhiều nước có điều kiện sẽ đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động trải nghiệm của các trường, như tại Nhật Bản có xây một trung tâm dành riêng cho hoạt động trải nghiệm của học sinh. Tuy nhiên, điều kiện nước ta chưa phép thì các trường có thể tận dụng cơ sở vật chất sẵn có để tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Song kinh phí dành cho hoạt động trải nghiệm cũng cần phải được Bộ GD&ĐT cụ thể hóa, tức là nhà nước sẽ hỗ trợ bao nhiêu, kêu gọi xã hội hóa bao nhiêu cho hoạt động này./.
Theo baohaiquan.vn