Mô hình tốt nhất là nơi chăm sóc bệnh ĐTĐ và tăng huyết áp có sẵn ở phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trong đó có các thiết bị cơ bản để chẩn đoán và theo dõi bệnh, các nhân viên được đào tạo tốt. Các phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng nên được tham gia trong việc thực hiện các hoạt động tiếp cận cộng đồng cho việc xây dựng nhận thức cộng đồng về phòng, chống bệnh ĐTĐ và tăng cường sức khỏe trong các trường học... nơi làm việc, sức khỏe cộng đồng thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng để khuyến khích sàng lọc và chẩn đoán sớm cũng như phòng ngừa bệnh.
Trong khi tại các nước có nền kinh tế phát triển, bệnh đái tháo đường (ÐTÐ) đã và đang được khống chế, thì tại các nước nghèo – đang phát triển, thì bệnh này đang gia tăng một cách nhanh chóng. Vì sao lại thế và có cách gì để khắc phục? Dưới đây là chia sẻ của ông Anil Kapur – Giám đốc quỹ ÐTÐ thế giới (WDF).
Thống kê cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ đang gia tăng nhanh chóng ở các nước đang phát triển, vì sao có hiện tượng này, thưa ông?
Ông Anil Kapur: Có nhiều lý do dẫn đến sự gia tăng của bệnh ĐTĐ ở các nước đang phát triển. Đây là hậu quả của việc lão hóa dân số, con người hiện nay tồn tại đủ dài để có thể tiến triển bệnh ĐTĐ, trong khi nếu như trước đây họ đã chết vì những bệnh truyền nhiễm. Quá trình đô thị hóa, thay đổi khẩu phần dinh dưỡng và người ta đang thay đổi lối sống truyền thống ở các khu vực nông thôn, nơi mà họ làm việc nhiều giờ trong ngày và ăn các loại thực phẩm chưa tinh chế sang lối sống thành thị, vận động ít, ăn nhiều chất béo, thực phẩm được tinh chế, chế biến sẵn. Từ đó dẫn đến tình trạng kháng insulin của cơ thể và nhu cầu insulin của cơ thể cũng tăng lên. Khi tuyến tụy tăng tiết insulin để bù đắp nhu cầu insulin của cơ thể và sự đề kháng insulin của cơ thể cũng tăng lên dẫn đến mắc bệnh ĐTĐ. Với người châu Á, do tuyến tụy nhỏ nên nếu nó không thể sản xuất được lượng insulin cần thiết cho cơ thể thì mặc dù họ không bị thừa cân – béo phì nhưng họ vẫn có thể bị mắc bệnh ĐTĐ.
Điều này đặc biệt quan trọng và liên quan trong trường hợp có sự chuyển đổi kinh tế nhanh chóng và người dân vừa thoát khỏi nghèo đói. Trong tình huống mà những phụ nữ mang thai bị suy dinh dưỡng bào thai, sinh con nhẹ cân thì những đứa trẻ này đã được lập trình sẵn về khả năng tiết insulin thấp hơn bình thường. Khi những đứa trẻ này lớn lên, cuộc sống tốt hơn, được ăn nhiều thức ăn hơn, vận động thể chất ít hơn thì có nguy cơ bị phát triển bệnh ĐTĐ cũng do tuyến tụy nhỏ hơn không thể sản xuất đủ insulin đáp ứng cho lối sống mới của họ. Trong trường hợp những người phụ nữ mang thai có nhu cầu insulin cao hơn bình thường và có thể bị mắc ĐTĐ thai kỳ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ngoài việc có thể sẩy thai hoặc sinh non, bản thân người phụ nữ đó có thể bị mắc bệnh ĐTĐ trong tương lai và con cái của họ sinh ra cũng vậy. Vì vậy người có sức khỏe yếu và dinh dưỡng của người mẹ trong quá trình mang thai cùng với quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa và thay đổi lối sống góp phần nâng cao tỷ lệ bệnh ĐTĐ ở các nước đang phát triển.
Theo số liệu phát hành bởi Hội liên hiệp ĐTĐ thế giới (IDF), hiện nay 8,3% dân số đang mắc bệnh ĐTĐ và 6,4% là tiền ĐTĐ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 6% số bệnh nhân đạt được mục tiêu điều trị. Tại sao tỷ lệ này lại thấp như vậy, thưa ông?
Nếu bạn bắt đầu với 100 trường hợp chỉ có 50 được chẩn đoán và chỉ có một nửa trong số đó (25 trường hợp) được điều trị, và chỉ có một nửa số người được chăm sóc đúng và chỉ có một nửa tức là 6,25% người có được kết quả mong muốn trong việc kiểm soát tốt và không có biến chứng của bệnh ĐTĐ. Đây là nguyên tắc của một nửa.
Tại sao tỷ lệ điều trị lại thấp như vậy? Đó là vì đầu tiên họ không được chẩn đoán; khi được chẩn đoán, họ không được chăm sóc đúng bởi vì hoặc là họ không biết đi đâu để điều trị hoặc ở nơi họ đến điều trị thì bác sĩ và nhân viên y tế không biết nhiều về bệnh ĐTĐ và cách điều trị nó, hoặc cũng điều trị nhưng thuốc và các thiết bị cần thiết không đủ, làm gián đoạn việc điều trị. Điều trị bệnh ĐTĐ không phải là đắt tiền, nhưng người bệnh thường bị phát hiện rất muộn với các biến chứng nặng nề nên điều trị các biến chứng thì chi phí trở nên rất tốn kém. Cũng có rất nhiều phương pháp điều trị, trong đó có yêu cầu người bệnh tự chăm sóc bản thân. Những người mắc bệnh ĐTĐ phải có chế độ ăn uống, luyện tập riêng – điều này đòi hỏi người bệnh phải được giáo dục và đào tạo.
Nhưng thường thì bác sĩ không có thời gian để làm việc này và thực tế là không có đủ y tá và chuyên gia dinh dưỡng được đào tạo đúng để cung cấp thông tin cho bệnh nhân. Ở các phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu không có nhân viên hoặc thiết bị không đủ để phục vụ người bệnh. Vì vậy, để cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân chúng ta phải xây dựng được phòng chăm sóc sức khỏe ban đầu, có đội ngũ bác sĩ, y tá được đào tạo tốt và ở đó chúng ta có thể thường xuyên giáo dục và thông báo cho bệnh nhân về bệnh ĐTĐ và hậu quả của nó. Vì sao người bệnh phải chăm sóc bản thân mình? Chúng ta cũng phải cho họ nhận thức được là bác sĩ của họ cần phải làm gì cho họ, khi họ vào bệnh viện họ phải yêu cầu được bác sĩ, y tá trả lời những câu hỏi của mình.
Theo ông, mô hình quản lý bệnh ĐTĐ và điều trị như thế nào là hiệu quả?
Mô hình tốt nhất là nơi chăm sóc bệnh ĐTĐ và tăng huyết áp có sẵn ở phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trong đó có các thiết bị cơ bản để chẩn đoán và theo dõi bệnh, các nhân viên được đào tạo tốt. Các phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng nên được tham gia trong việc thực hiện các hoạt động tiếp cận cộng đồng cho việc xây dựng nhận thức cộng đồng về phòng, chống bệnh ĐTĐ và tăng cường sức khỏe trong các trường học... nơi làm việc, sức khỏe cộng đồng thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng để khuyến khích sàng lọc và chẩn đoán sớm cũng như phòng ngừa bệnh. Ngoài ra liên kết giữa chăm sóc sức khỏe bà mẹ và NCDs nên được biết đến rộng rãi hơn để đảm bảo rằng các bà mẹ nhận được sự chăm sóc tốt nhất trong thời gian mang thai và họ được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian lâu hơn.
Các lợi ích đã được biết đến là nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ béo phì, ĐTĐ và tim mạch cho cả mẹ và đứa trẻ cũng như nguy cơ của bệnh ung thư vú ở người mẹ. Đảm bảo rằng phụ nữ được sàng lọc ĐTĐ thai kỳ và các bà mẹ mắc ĐTĐ thai kỳ và con của họ được cung cấp dịch vụ y tế thích hợp, được theo dõi để đảm bảo họ không tăng cân và có sống lối sống lành mạnh. Cũng vì bệnh ĐTĐ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh lao, do đó bệnh nhân lao cũng cần được tầm soát bệnh ĐTĐ và ngược lại. Vì vậy, dịch vụ chăm sóc bệnh nhân ĐTĐ cũng phải có liên kết chặt chẽ với các chương trình bệnh truyền nhiễm như bệnh lao.
Là một nước đang phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc điều trị và quản lý bệnh ĐTĐ. Theo ý kiến của ông, Việt Nam cần làm gì để ngăn chặn đại dịch này?
Quan trọng nhất là làm cho mọi người nhận thức được nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ; các triệu chứng của nó là gì? tại sao công tác sàng lọc bệnh lại quan trọng? đi đâu để chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị bệnh ĐTĐ?
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về lối sống lành mạnh và nâng cao sức khỏe và giáo dục sức khỏe.
Đảm bảo việc ban hành các chính sách để tạo ra một môi trường mà mọi người có thể được khuyến khích sống lành mạnh. Tạo ra một môi trường hỗ trợ trong các trường học, nơi làm việc… để phòng chống ĐTĐ.
Đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đúng chức năng và cung cấp hiệu quả chăm sóc và theo dõi bệnh.
Phải hỗ trợ tài chính cho giáo dục phòng ngừa, chăm sóc chứ không chỉ đơn thuần tập trung vào các phương pháp điều trị phức tạp và nằm bệnh viện đắt tiền.
Đảm bảo thuốc chất lượng tốt, có hiệu quả và có sẵn tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và nhân viên chăm sóc sức khỏe được đào tạo tốt.
Có sự tham gia của cộng đồng để tạo ra sáng kiến khu phố lành mạnh liên quan đến chăm sóc bệnh nhân. Trong đó, các hoạt động cần được các tổ chức giám sát và hoạt động như là một nguồn hỗ trợ và nâng cao kiến thức cho các bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc ĐTĐ.
WDF có kế hoạch gì để hỗ trợ Việt Nam trong việc ngăn chặn dịch bệnh này? Và nếu có, chúng là gì, thưa ông?
Trước đây WDF đã hỗ trợ một vài dự án cho Bệnh viện Nội tiết Trung ương để thiết lập các trạm y tế và đào tạo bác sĩ và y tá ở Việt Nam. Hiện nay có một dự án khác giải quyết vấn đề đào tạo cho phòng chống các vấn đề về bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo SKĐS