(TCTG)-Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao và toàn cầu hiện có khoảng 20 triệu người mắc lao. Mỗi năm xuất hiện 9,4 triệu người mắc lao mới, cứ 4 giây có 1 người mắc lao. Như vậy, trên toàn cầu cứ 10 giây có một người tử vong do lao, 5 nghìn người tử vong mỗi ngày và 2 – 3 triệu người tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, việc khám và phát hiện bệnh lao ở Việt Nam hiện vẫn chưa được người dân quan tâm đúng mức, vì rất nhiều lý do khác nhau.
Chị Nguyễn Thị My, 27 tuổi ở xã Nam Cao (Kiến Xương – Thái Bình) cho biết: khi mang thai con thứ hai chị thấy ho thường xuyên nhưng chủ quan không đi khám. Khi thấy ho xuất hiện nhiều hơn, tức ngực, chị mới đến bệnh viên đa khoa Lâm Hoa kiểm tra nhưng không phát hiện được bệnh gì. Mua thuốc ho uống hơn một tháng không khỏi, cơ thể lại mệt mỏi, tức ngực, sốt nhẹ, về đêm mồ hôi ra ướt hết người… Gia đình đã đưa chị đến bệnh viện Lao và bệnh Phổi Thái Bình. Tại đây, các bác sỹ kết luận phổi của chị đã bị tổn thương nặng do mắc lao. Vốn khỏe mạnh nhưng khi mắc lao, chị sút gần chục kg, người gầy gò. Để tránh lây nhiễm cho con, chị phải cai sữa cho cháu khi mới 7 tháng tuổi. Do sức khỏe yếu, chị phải nghỉ việc ở nhà chăm hai đứa con nhỏ. Hàng tháng hiện cả gia đình 4 người chỉ trông vào số tiền 2,5 triệu đồng từ tiền tiền đi làm thuê của chồng.
Chị My cho biết thêm, trước đây cụ của chồng cũng mắc lao. Sợ chồng bị nhiễm bệnh từ mình, chị cũng khuyên chồng đi khám nhưng anh nhất định không đi. Ngay cả những người trong gia đình như bác gái, cô chồng bị ho mãn tính nhắc tới việc đi khám thì lại bảo: “Có sao đâu, lâu nay vẫn tiếp xúc bình thường với mọi người có mắc bệnh đâu?”.
|
Y tá Nguyễn Mỵ tư vấn điều trị và phát thuôc cho bệnh nhân lao. Ảnh: Dương Ngọc |
Bệnh nhân Nguyễn Thị Thu, 31 tuổi ở xã Nam Cao (Kiến Xương) được phát hiện và điều trị lao từ tháng tư năm 2012 với triệu chứng đau đầu, ho sốt về chiều trong một tuần. Khi phát bệnh, chị đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh kiểm tra, phát hiện bị mắc lao phổi AFB(-). Chị đã điều trị tại bệnh viện 40 ngày, sau đó được chuyển hồ sơ về Trung tâm Y tế huyện Kiến Xương và nhận thuốc lao của Chương trình phòng chống Lao quốc gia tại xã. Chị Thu cho biết, chồng chị ở nhà làm thợ hồ và làm thêm nghề truyền thống của địa phương là nghề sợi đũi, nhưng thu nhập bấp bênh. Mỗi tháng cũng chỉ kiếm được 1 triệu đồng. Bởi vậy mọi sinh hoạt trong gia đình chỉ trông vào số tiền 3 triệu đồng làm thuê ở công ty nước ngoài của chị. Hàng ngày chị phải đi làm từ 7h sáng đến 21h, không có ngày nghỉ và phải làm tăng ca nên sức khỏe của chị ngày một yếu, suy nhược cơ thể. Chồng chị cũng gầy yếu nhưng không dám đi khám vì sợ tốn kém.
Tại xã Nam Cao, năm 2012 đã phát hiện được 5 trường hợp mắc lao, trong đó có một trường hợp đã điều trị khỏi. Y tá Nguyễn Mỵ - cán bộ chuyên trách lao xã Nam Cao bày tỏ: Nhận thức của người dân về bệnh lao còn hạn chế, còn hiện tượng kỳ thị với bệnh lao cho nên công tác phát hiện bệnh nhân lao ở xã rất khó khăn. Hầu hết các bệnh nhân được kết luận là mắc lao ban đầu đều không chịu nhận mình bị lao. Họ chỉ thừa nhận là họ chỉ bị lao lực do làm việc quá sức. Có bệnh nhân còn giấu bệnh, lén lút đến trạm y tế xã nhận thuốc do tâm lý e ngại mọi người biết.
Theo BS Đặng Phi Hùng – Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Thái Bình, nếu những người mắc lao không được phát hiện, điều trị kịp thời thì đây chính là mối nguy lớn làm lây lan căn bệnh này trong cộng đồng. Lao lây truyền qua tiếp xúc và có thể lây lan qua không khí. Vì thế, khi người nhiễm ho, hắt hơi, cười, khạc nhổ, vi khuẩn sẽ đi vào không khí và người khác dễ dàng bị lây nhiễm khi đụng phải, hít phải. Tuy nhiên do bệnh nhân lao còn mặc cảm nên ngại đi khám, ngại điều trị tại cơ sở y tế mà tự mua thuốc về uống, hoặc điều trị ở các cơ sở y tế tư nhân đã khiến cho bệnh lây lan rộng ở cộng đồng.
“Theo Chương trình chống lao quốc gia, trên thực tế, 7% số người mắc bệnh lao không điều trị do tâm lý e ngại. Mấu chốt của việc phòng, chống lao chính là ý thức giữ gìn vệ sinh của mọi người trong cộng đồng. Bởi vậy, cách phòng chống lao hữu hiệu nhất hiện nay chính là huy động lực lượng phòng, chống bệnh bằng cách tuyên truyền hữu hiệu để nâng cao ý thức người dân” – Bác sỹ Hùng cho biết.
Bà Hoàng Thị Lanh, phụ trách công tác phòng chống lao tại Trung tâm Y tế huyện Kiến Xương cho biết: Hiện huyện Kiến Xương 37 xã, thị trấn có cán bộ phụ trách chương trình làm nhiệm vụ khám lồng ghép phát hiện bệnh nhân lao gửi lên tuyến trên xã định bệnh, nhận và cấp thuốc cho bệnh nhân và trực tiếp giám sát việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Tuy nhiên số bệnh nhân phát hiện mới hằng năm không nhiều, bởi khúc mắc vẫn nằm ở sự kỳ thị về căn bệnh này.
Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng bệnh lao, trong đó nghèo đói và HIV/AIDS là nguyên nhân hàng đầu, hệ thống cơ sở y tế xuống cấp cũng khiến gia tăng bệnh lao. Việt Nam hiện là nước đứng thứ 12 trong các nước có số bệnh nhân cao nhất thế giới, tỷ lệ dân số bị nhiễm lao chiếm 44%, số mắc mới các thể là 154.000 người, trong đó bệnh nhân lao phổi AFB dương tính là 69 nghìn người, bệnh nhân lao các thể đang lưu hành là 232.000 người, số tử vong là 20.000 ca trên năm. |
Tại Thái Bình, trong những năm gần đây, công tác phòng chống lao bước đầu đã đạt được nhiều kết quả khả quan, hàng năm Thái Bình đã tổ chức xét nghiệm đờm cho từ 0,5 đến 0,7 dân số; điều trị thành công cho bệnh nhân lao phổi AFB dương tính với tỷ lệ cao từ 90-93%. Để đạt được kết quả trên, hệ thống kiểm tra, giám sát công tác phòng chống lao tại Thái Bình từ tỉnh đến huyện, xã được duy trì thường xuyên, tỉnh phối hợp với hệ thống y tế ngoài công lập và y tế công lập trong công tác phát hiện nguồn lây; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ chống lao các tuyến; phối hợp hoạt động lao/HIV để khám sang lọc lao cho các đối tượng có HIV dương tính. Phối hợp với các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ…truyền thông về bệnh lao cho hội viên.
TS Nguyễn Thị Kim Liên – Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông giám sát sức khỏe Bộ Y tế cho rằng: Nếu thấy các triệu chứng về lao, người bệnh nên đến các cơ sở khám chữa bệnh để làm xét nghiệm, vì hiện nay chương trình phòng, chống lao miễn phí xét nghiệm đờm và phát thuốc. Có đến các cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh mới được tư vấn và nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất và khi bắt đầu điều trị cũng nên tuân thủ điều trị theo sự hướng dẫn của bác sỹ. Tuyệt đối không bỏ điều trị vì như vậy bệnh tình sẽ nặng hơn và nguy cơ lây truyền cho người khác là rất lớn. Cần gạt bỏ những tự ti, mặc cảm cũng như sự thiếu hụt kiến thức về bệnh lao để có biện pháp bảo vệ mình và gia đình khỏi căn bệnh này.
Lời khuyên của các chuyên gia y tế đưa ra: hãy đến các cơ sở chữa bệnh, không chủ quan tự chăm sóc sức khỏe cho mình, tuân thủ điều trị và xét nghiệm lại để biết chắc chắn mình đã khỏi bệnh hay chưa./.
Tuấn Nghĩa