(TG) - Hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng còn phải vượt qua nhiều thách thức để thích ứng già hóa dân số nhanh. Điều đó đòi hỏi việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng cần phải được quan tâm đúng mức.
VIỆT NAM CÓ TỐC ĐỘ GIÀ HÓA NHANH NHẤT THẾ GIỚI
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đã chính thức bước vào gia đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Đến năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số. Tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và 26,10% vào năm 2049. Việt Nam sẽ là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như Pháp (115 năm), Australia (73 năm),... nhưng ở Việt Nam, quá trình này chỉ khoảng 26 năm. Theo báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc, thế kỷ XXI dân số bị già hóa đã vượt mức thế kỷ trước. Hiện trung bình cứ 9 người trên trái đất có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Trong 30 năm nữa, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ gấp đôi, từ 11%-22%.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá mới đây tại Diễn đàn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cồng đồng: “Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta”.
Cũng tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch Trung ương Hội Giáo dục Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam nhận định tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta.
Đáng chú ý, người cao tuổi Việt Nam sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng con cháu; đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. Ở Việt Nam, hiện có tới 60% người cao tuổi sức khỏe yếu và có tỷ lệ khá lớn rất yếu, trung bình mang từ 3 đến 6 bệnh nền. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh; việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.
Đáng nói, người cao tuổi hiện nay đều có nhiều đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, đây là đối tượng cần được tri ân, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc sức khỏe để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, tiếp tục cống hiến cho cộng đồng và xã hội.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sự quan tâm đặc biệt và đánh giá rất cao vai trò của người cao tuổi nước nhà. Trong thư Bác Hồ viết gửi phụ lão cả nước tháng 6 năm 1941, Người nhấn mạnh: "Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu; nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng - suy, tồn – vong, phụ lão gánh trách nhiệm rất nặng nề. Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo; nước nhà vui, các cụ cùng được vui".
CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI CẦN ĐƯỢC QUAN TÂM ĐÚNG MỨC
Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện sự kính trọng, tôn vinh và quan tâm chăm sóc cũng như phát huy vai trò của người cao tuổi thông qua việc ban hành các pháp lệnh, luật, chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam. Thời gian qua, sự quan tâm tới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thể hiện rõ trong Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 23/2/2005 của và gần đây là Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đều xác định: bảo vệ, chăm sóc và nâng cao Sức khỏe như một quyền lợi, nghĩa vụ của mọi người, gia đình, cộng đồng, xã hội, dân tộc, quốc gia. Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu kết hợp y tế chuyên sâu (được hiểu là các cơ sở y tế theo nghĩa hẹp, là pháp nhân đủ thủ tục hoạt động), với y tế phổ cập, y tế cộng đồng được hiểu là tập hợp rộng lớn các tổ chức, cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm thực tế, tự nguyện đứng chung đội ngũ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao Sức khỏe.
Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng còn phải vượt qua nhiều thách thức để thích ứng già hóa dân số nhanh. Điều đó đòi hỏi việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng cần phải được quan tâm đúng mức.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong thời gian tới.
Để chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần cũng như phát huy tối đa vai trò của người cao tuổi thì cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho các bệnh viện thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho tuyến dưới. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các chương trình, dự án về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nghiên cứu, thí điểm tiến tới hình thành Quỹ dưỡng lão trên cơ sở đóng góp của người dân, bảo đảm mọi người đều được chăm sóc khi về già.
Vân Anh