Thứ Tư, 2/10/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 25/10/2009 20:54'(GMT+7)

Chăm sóc sức khoẻ thị giác cho cộng đồng:Chúng ta đang làm... phần ngọn?

Kiểm tra thị lực tại một bệnh viện lớn ở TPHCM. Ảnh: T.CH

Kiểm tra thị lực tại một bệnh viện lớn ở TPHCM. Ảnh: T.CH

 

Trong khi giới trẻ  bị bệnh cận thị học đường "đe doạ", với tỉ lệ bị cận thi lên đến 25% thì với người lớn tuổi, căn bệnh đục thuỷ tinh thể  (lên đến hàng triệu ca) đang là gánh nặng của từng gia đình và của cả xã hội.

Và giới chuyên môn cũng đưa ra khuyến cáo: Nếu công tác phòng chống bệnh cận thị học đường cũng như những giải pháp chăm sóc về sức khoẻ mắt cho người dân, trong đó bao gồm cả việc quản lý chất lượng, hoạt động của cửa hàng kính thuốc không được triển khai một cách hiệu quả,  tương lai chúng ta sẽ phải tốn một số tiền khổng lồ cho công việc này...

Cận thị học đường tăng dần đều


Thống kê mới nhất của  Trung tâm Sức khoẻ Truyền thông và Giáo dục sức khoẻ TPHCM cho biết: Tật cận thị học đường có chiều hướng gia tăng mạnh ở thành phố. Thậm chí, ngay ở năm đầu của bậc tiểu học đã có xấp xỉ 10% HS mắc căn bệnh này. Và căn bệnh đã phát triển tỉ lệ thuận với thời gian, đến bậc trung học phổ thông thì cứ 4HS thì có 1 em phải đeo kính cận.

Cũng khảo sát này cho biết, tỉ lệ HS tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn bị cận thị đang phát triển theo  hướng tỉ lệ thuận với thời gian, có nghĩa là các cấp học càng cao, tỉ lệ cận thị càng nhiều và tỉ lệ tăng trung bình mỗi năm là 3%.

Nhận định thêm thực trạng này, cán bộ phụ trách Y tế học đường trường THCS Hồng Bàng - cô Ngọc Châu - cho biết: Tật về khúc xạ, cận thị luôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh của tuổi học đường. Và tỉ lệ này  lại có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây và cũng tăng nhiều (gấp 2-3 lần) theo bậc học.

Theo số liệu của Viện Mắt TƯ, hiện ở VN, số trẻ bị mắc các tật khúc xạ nhiều nhất trong các bệnh liên quan đến mắt, trong đó chiếm 10-15% ở HS nông thôn, 25-35% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6-15 tuổi - độ tuổi cần được ưu tiên chỉnh kính thì cả nước có đến 2,1-2,8 triệu trẻ bị tật khúc xạ cần đeo kính.

Còn theo một khảo sát của khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt TPHCM thực hiện trên 5.200 đối tượng là HS đại diện của 3 cấp học phổ thông (tiểu học, cơ sở và trung học phổ thông),  cũng đưa ra một kết quả tương đồng với 25% HS mắc tật cận thị. Trong đó, chỉ có 8% số em mắc bệnh chịu đeo kính và 30% trong số những HS đeo kính được đeo kính đúng với tình trạng bệnh của mắt.

Cũng qua kết quả khảo sát này còn cho thấy, ý thức của người dận về bệnh cận thị học đường còn rất "ơ hờ",  kể cả HS và các bậc phụ huynh  cũng không  quan tâm và hiểu biết đúng đắn về tật cận thị và tác hại của bệnh. 

Ở góc độ chuyên môn, khi đề cập đến thực tế này, BS Ngô Văn Hồng  - Khoa Mắt BV Chợ Rẫy (TPHCM) - cho biết:  Tỉ lệ cận thị trong học sinh ở các thành phố lớn hiện nay ước tính từ 25-30%. Trong đó, tình trạng cận thị là thường gặp nhất so với các tật khúc xạ khác như viễn và loạn thị.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này nhưng hầu hết là do ảnh hưởng trong quá trình học tập và sinh hoạt như tư thế ngồi học không đúng chuẩn,  đọc sách thiếu ánh sáng, kích thước bàn ghế không phù hợp cộng với các yếu tố như tiếp xúc với  máy tính quá nhiều.

Ngoài ra, cũng phải kể đến nguyên nhân  kính đeo không phù hợp, không đúng chuẩn. Không chỉ thế, hiện vẫn còn tồn tại nhiều sai làm trong việc chăm sóc mắt và đeo kính thuốc trong ý thức của người dân.

Kết quả khảo sát của AR Group - một tập đoàn chuyên về mắt kính - cũng đưa ra một  thực tế  rất đáng quan tâm đó là: Mặc dù tỉ lệ người dân chịu đeo mắt kính để bảo vệ mắt tại Việt Nam đang ngày càng nhiều,  nhất là ở độ tuổi học đường. Song, tỉ lệ đeo kính đạt chuẩn lại chưa tới 30%. Trong khi việc đeo kính không đạt chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân khiến gia tăng độ nặng của bệnh cận thị học đường - BS Hồng cho biết thêm.

Người già đục thuỷ tinh thể


Theo số liệu điều tra của BV Mắt Trung ương mới công bố tại hội nghị  thường niên vào tháng 9 vừa qua, thì  bệnh đục thể thuỷ tinh  ở người lớn tuổi chính là nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm tỉ lệ 66,1%. Và ước tính hiện có 1,1 triệu mắt mù do đục thuỷ tinh thể (ở người trên 50 tuổi). Trong số này, khoảng 45% số  người bị mù do đục thể thuỷ tinh đã được phẫu thuật. Ngoài ra, nếu tính cả những trường hợp bị mù một mắt (cũng do đục thuỷ tinh thể) thì có đến 1.130.514 con mắt đang chờ được mổ...

Cận thị học đường đang có xu hướng tăng trong giới trẻ.
Nhận định vấn đề ở vị trí  là người chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tuyến cơ sở  -  BS Nguyễn Văn Chức (BV quận Thủ Đức - TPHCM) đưa ra quan điểm: Những con số trên dù rất "ấn tượng", nhưng cũng chỉ mới đề cập đến được một khía cạnh của vấn đề đó là công tác điều trị. Có thể nói, hiện nay chúng ta đang chú trọng đến "phần ngọn", cố dốc sức điều trị, phẫu thuật đem lại ánh sáng cho những trường hợp mù có thể điều trị được - Đây là những nỗ lực đáng trân trọng song chưa phải là giải pháp rốt ráo.

Trong khi đó, theo ước tính của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM, trung bình mỗi ca phẫu thuật nhân đạo tìm lại ánh sáng cho người mù nghèo ước khoảng 25-30USD/ca. Nếu thử làm một phép tính, số chi phí  cần có để  giải quyết được những ca mù  hiện nay  (chưa kể những ca mới phát sinh hàng năm) thì tổng kinh phí  cũng đã là một con số khổng lồ...

BS Nguyễn Văn Chức cũng phân tích thêm: Có thể nói,  những ảnh hưởng của môi trường, chế độ ăn uống, sinh hoạt... đều là những yếu tố có thể gây "tổn thương" mắt và  những yếu tố này lại hiện xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh đó,  nước ta lại thuộc khu vực nhiệt đới, cường độ tia UV rất cao.  Và tia UV lại được xác định là nguyên nhân chính gây nên bệnh về mắt ở người già như đục thuỷ tinh thể (hay người dân vẫn hay gọi là cườm), lão hoá mắt...

Thực tế cũng cho thấy, tỉ lệ người mắc bệnh đục thuỷ tinh thể dẫn đến mù loà phần lớn là  những người  thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời - một trong những nguy cơ ảnh hưởng đến tình trạng suy yếu thị lực sau tuổi trung niên. Ấy vậy mà hầu như chẳng người nào có ý thức bảo vệ mắt. Họ có thể mặc áo choàng, đội nón... thậm chí nhiều cô gái có thể bôi kem chống nắng, đeo mặt nạ... để bảo vệ da. Trong khi đó, niêm mạc  mắt  lại nhạy cảm hơn, dễ "tổn thương" hơn nhưng số người biết ý thức đeo kính để bảo vệ mắt lại rất hiếm.

Với những thực tế như đã nêu -  ngoài những chương trình phẫu thuật điều trị - việc triển khai những  giải pháp mang  tính "phòng bệnh hơn chữa bệnh" cho cộng đồng và  trang bị, nâng cao ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ cũng cần được chú trọng. Như thế,  công tác chăm sóc sức khoẻ thị giác cho cộng đồng mới thực sự hiệu quả - BS Chức kết luận.

Thế giới hiện có 314 triệu người mù và thị lực thấp. Trung bình cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù, cứ 1 phút có thêm một trẻ em bị mù.

Còn theo khuyến cáo của  Tổ chức Y tế thế giới:  75% nguyên nhân gây mù loà có thể chữa được nếu được phát hiện kịp thời.

Riêng tại Việt Nam, đội ngũ  chuyên viên có chuyên môn chăm sóc, điều trị bệnh về mắt vào khoảng 1.188 BS nhãn khoa (tỉ lệ 13,8 BS/1 triệu dân) và 1.516 y sĩ, y tá (tỉ lệ 17,6 y sĩ, y tá/1 triệu dân).


(Theo Lao Động)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất