Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Các mô hình thí điểm nêu trong kết luận của Bộ Chính trị đều được cụ thể hóa rõ đối tượng, rõ việc, rõ trách nhiệm, có sự phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện.
Thực tiễn cho thấy, để lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ
thống chính trị, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực
hiện nhiều nghị quyết, kết luận về nhiệm vụ này; tích cực nghiên cứu,
xây dựng mô hình thí điểm ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương.
Kết quả
đó tiếp tục được khẳng định, phát huy khi Nghị quyết số 18 được triển
khai ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, đạt hiệu quả thiết thực. Từ
đó, bộ máy và biên chế các cơ quan, đơn vị tiếp tục được củng cố, kiện
toàn, tổ chức theo hướng tinh gọn hơn, bảo đảm thực hiện tốt các chức
năng, nhiệm vụ, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát
triển.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã gặp phải những khó
khăn nhất định trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ, ảnh hưởng đến tâm tư,
tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu
lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng ta.
Mục tiêu sắp xếp bộ
máy không đơn thuần là “cắt” cơ học về lượng, mà phải đi vào yếu tố cốt
yếu-nâng cao về “chất”. Bởi vậy, bài toán quản lý biên chế theo hướng
tinh gọn đi đôi với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức hướng tới hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần sự nỗ lực, trách nhiệm
của từng cấp, ngành, đơn vị và mỗi cá nhân; đồng bộ từ khâu đánh giá cán
bộ, công chức, viên chức đến tuyển dụng, quản lý, đào tạo, bổ nhiệm…
Việc Bộ Chính trị ban hành kết luận lần này một lần nữa khẳng định
quyết tâm rất cao của Trung ương và hệ thống chính trị trong triển khai
thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18.
Vấn đề tiếp theo là phải vượt qua
thách thức, biến quyết tâm chính trị thành hành động cụ thể của các cấp,
các ngành, cơ quan, đơn vị cũng như mỗi cán bộ, đảng viên; phát huy sức
mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng. Trong đó, phải thực hiện
nghiêm cơ chế Đảng thống nhất lãnh đạo, Nhà nước quản lý, phát huy sự
vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành
động quyết liệt, hiệu quả. Lãnh đạo tập trung, thống nhất; thực hiện
thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có
lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài.
Trong quá trình thực hiện chủ trương, cần tăng cường phân cấp, phân
quyền hợp lý giữa cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương;
xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các quy định của pháp
luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra,
giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình; có chế tài và cương quyết xử lý
nghiêm những cơ quan, đơn vị, người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm.
Bên
cạnh đó, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra của Đảng
với thanh tra của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ
quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ
ở cơ sở, bảo đảm phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”
được khẳng định trong thực tiễn.
Đổi mới bộ máy theo hướng tinh gọn là vấn đề khó khăn, phức tạp, nhạy
cảm, liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức và con người. Vì vậy, để
thực hiện thành công cần sự phối hợp đồng bộ, quyết tâm và trách nhiệm
cao của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là vai trò người đứng đầu.
Càng
khó, càng phải quyết tâm cao. Tinh thần đó được thể hiện rõ ở việc Bộ
Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan
theo dõi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đánh giá kết quả và
từng bước nhân rộng những mô hình phù hợp, hiệu quả./.
Khánh Minh (qdnd.vn)