Ngày 2/8 vừa qua, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" để điều tra về hành vi có dấu hiệu làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh khi chấm thi kì thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình; đồng thời tiến hành bắt tạm giam 2 đối tượng để tiến hành điều tra.
Như vậy, sau Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là tỉnh thứ 3 bị phát
hiện về hành vi có dấu hiệu làm sai lệch kết quả kì thi THPT quốc gia
năm 2018. Và rồi không biết sẽ có những địa phương nào tiếp theo bị phát
hiện? Dư luận hết sức quan tâm bởi đây là bằng chứng cụ thể về sự xuống
cấp trong lĩnh vực giáo dục, thể hiện sự suy thoái trong một số không
ít các giáo viên và cán bộ quản lí ngành giáo dục các cấp.
Chúng ta càng xót xa hơn bởi đây liên quan đến một vấn đề trọng đại
của quốc gia, đó là sức mạnh của nguồn nhân lực tương lai đất nước. Nhìn
về khía cạnh đó thì nó còn tác hại hơn rất nhiều so với các vụ án tham
nhũng phá hoại kinh tế trị giá hàng trăm, ngàn tỉ đồng.
Một điều mà dư luận rất quan tâm lo lắng, nó trở thành một thứ bệnh
thuộc loại khó chữa hiện nay, đó là bệnh chủ quan trong công tác quản lí
của các cấp. Nhớ lại khi quần chúng tố giác những hiện tượng nghi vấn
làm sai lệch kết quả thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thì hầu như
lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Giáo dục của các tỉnh này đều thể hiện
công khai rằng, các quy trình, quy chế, nội quy, kỉ luật, thủ tục kì thi
được tiến hành rất chặt chẽ, khách quan, không hề có sai sót.
Rõ nhất là phát biểu của Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình "Điểm
thi của kì thi THPT quốc gia năm 2018 của Hòa Bình là khách quan, trung
thực, chính xác, không có gì bất thường". Thiết tưởng, không có mĩ từ
nào hay hơn khi vị giám đốc nói về một kì thi quá hoàn mĩ do ông chỉ đạo
ở địa phương. Nhưng khi tiến hành điều tra mới thấy ở đây có những vi
phạm thậm chí còn tinh vi, "xảo quyệt" hơn nhiều. Không hiểu vị giám đốc
này có thấy lương tâm cắn rứt bởi đạo đức công vụ sa sút của mình không
trước một thực trạng hoàn toàn trái ngược so với những điều mà ông đã
phát biểu?
Ở Hà Giang, trong khi lãnh đạo tỉnh đánh giá là các quy chế, quy định
được thực hiện nghiêm túc thì qua kiểm tra, phát hiện 2 cán bộ được Bộ
cử về để giám sát đã bỏ vị trí của mình để đi làm việc khác, tạo ra lỗ
hổng cho những sai phạm. Đó là sự thiếu trách nhiệm hết chỗ nói của các
cán bộ có trách nhiệm.
Vậy mà cứ mạnh miệng tuyên bố các nội quy, quy chế, quy trình đều
được thực hiện. Lúc nào cũng sẵn sàng tuyên bố là làm đúng quy trinh,
quy chế, kỉ luật nghiêm minh… nhưng thực tế lại để xảy ra không ít vi
phạm nghiệm trọng.
Một điều nữa đáng nói ở đây là thái độ bình tĩnh nhìn nhận, khiêm
tốn tiếp thu, sửa chữa sai sót. Một thái độ cần thiết đối với người quản
lí. Trong những vụ việc xảy ra vừa qua, đáng tiếc là điều đó chưa được
thể hiện đầy đủ và nghiêm túc.
Ngược lại là một thái độ chưa thực sự khiêm tốn cầu thị, chưa tự mình
thấy rõ khuyết điểm tồn tại để khắc phục. Đó cũng là một căn bệnh lâu
nay ta đã quan tâm chữa trị mà vẫn dư đọng. Đọc nội dung trả lời phỏng
vấn báo chí của lãnh đạo tỉnh Hà Giang càng thấy rõ điều đó.
Không những phủ nhận những dư luận đồn đại về dấu hiệu làm sai lệch
kết quả kì thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh nhà, vị lãnh đạo tỉnh còn
yêu cầu phóng viên đưa tin phải khách quan (ý này được nhắc đi nhắc lại
ít nhất là hai lần). Khi được hỏi về điểm thi, về lực học liên quan đến
người nhà, vị lãnh đạo này đã nói đại ý: Việc đó ở tỉnh này ai cũng rõ,
phóng viên cứ việc đi mà hỏi.
Nội dung trả lời này không có gì sai, nhưng ý nghĩa khách quan khiến
không ít người cho rằng thiếu sự khiêm tốn. Ở Sơn La, Hòa Bình cũng có
biểu hiện tương tự như vậy. Xin nêu lên đây phát biểu ngày 19/7 của ông
Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT: "Điểm thi của các em ở Hòa Bình
trong kì thi THPT quốc gia năm 2018 thể hiện đúng trên bài thi của các
em. Tôi chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
về việc này. Chúng tôi sẵn sàng mời Bộ về chấm lại toàn bộ bài thi của
Hòa Bình".
Bây giờ thì Đoàn Thanh tra của Bộ GD&ĐT và cơ quan điều tra Bộ
Công an đã về Hòa Bình, chắc chắn không phải vì "lời mời" của ông Đắc mà
vì có dấu hiệu vi phạm làm sai lệch điểm thi.
Việc tiêu cực làm sai lệch điểm thi THPT quốc gia ở Hà Giang, Sơn La,
Hòa Bình đang được các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ. Cán bộ
ngành Giáo dục ở địa phương cũng đã có lời xin lỗi và phát biểu sẽ kiên
quyết xử lí những sai phạm… Hy vọng đó là những lời hứa thực tâm, thể
hiện bản lĩnh của một người cán bộ có trách nhiệm để những căn bệnh cũ
không còn tái phát, trả lại mùa thi chất lượng như kì vọng tốt đẹp của
mọi người./.
Phạm Văn Thạch (Văn nghệ Công an)