Thứ Sáu, 22/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 8/1/2018 10:21'(GMT+7)

Chất lượng nguồn nhân lực

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Hiện tại, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực; thời gian để sản xuất ra một sản phẩm còn lớn, số lượng sản phẩm sản xuất ra ít, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đổi mới mô hình tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; sâu xa hơn, còn tạo khó khăn, rào cản trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững của đất nước.

Tại Hội nghị Trung ương 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thống nhất đánh giá: “Năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp của nước ta còn thấp”; đồng thời quyết định ban hành Nghị quyết về “Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Một trong những nguyên nhân khiến NSLĐ của nước ta còn thấp là do chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục, chất lượng dạy nghề còn thấp; lực lượng lao động phân bố không đều; chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Việc mất cân đối giữa cung và cầu lao động; việc ứng dụng khoa học công nghệ chậm được đổi mới; người lao động ít được tiếp cận với những công nghệ mới, hiện đại... Đặc biệt, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được sử dụng hiệu quả; hiện nước ta có hơn 200.000 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp.

NSLĐ được biểu hiện bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian, hoặc hao phí để sản xuất ra được một sản phẩm. NSLĐ phụ thuộc lớn vào các yếu tố cơ bản, như: Thể chế chính trị, cơ chế chính sách; trình độ, kiến thức, tay nghề lao động, phương tiện lao động... Các yếu tố đó tác động và quyết định lớn đến việc làm ra của cải cho xã hội. Cách đây hơn 100 năm, Lênin đã cảnh báo: Trong điều kiện tồn tại hai hệ thống chính trị, tư tưởng đối lập thì cuộc đấu tranh giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, suy cho đến cùng sẽ là vấn đề NSLĐ.

Để nâng cao NSLĐ, các chuyên gia cho rằng, chúng ta phải tạo sự bứt phá thông qua việc chú trọng và dựa chắc chắn vào các nhân tố thúc đẩy tăng NSLĐ; đặc biệt là sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thành tựu khoa học-công nghệ của nhân loại; tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương; kết hợp giữa phát huy nội lực với thu hút và sử dụng hiệu quả ngoại lực; phát triển cơ sở hạ tầng có chất lượng. Đặc biệt, cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo.

Yếu tố căn bản, bền vững để nâng cao NSLĐ là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng đào tạo và trọng dụng nhân tài; tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục-đào tạo và cải thiện chất lượng các cơ sở đào tạo nghề. Cùng với phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam; nắm bắt cơ hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đảng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, động viên mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phát huy cao nhất hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong điều kiện cụ thể của đất nước và của từng ngành, từng địa phương, đơn vị.../.

Thu Hằng (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất