Thứ Ba, 26/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Ba, 2/1/2018 17:52'(GMT+7)

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - mạch nguồn bồi đắp, giáo dục truyền thống yêu nước cho hôm nay và mai sau

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã góp phần to lớn, tạo nên thắng lợi toàn diện, đã thể hiện tinh thần cách mạng tiến công của quân dân ta, đánh dấu bước ngoặt quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực tiễn cách mạng đã chứng minh, nếu không có Mậu Thân 1968, sẽ không có đàm phán đi đến ký Hiệp định Paris tháng 1/1973 và tiến tới Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

1. Mạch nguồn truyền thống yêu nước, tình cảm cách mạng tiếp tục được bồi đắp

Mạch nguồn đó - là giá trị lịch sử, là kết tinh của truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh dựng nước và giữ nước; là khát vọng hòa bình, độc lập tự do và niềm tin son sắt vào thắng lợi cuối cùng. Ở Việt Nam, điều đã trở thành bình thường nhưng là chân lý, đó là như một lẽ tự nhiên, “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh!”. Tiếp nối hành trình chiến đấu không mệt mỏi cho độc lập, tự do, dưới ánh sáng thời đại của đường lối “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” được mở ra từ mùa xuân năm 1930, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, qua bước ngoặt lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu tháng 7/1954, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tiếp tục trở thành một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam. Đó là hành động cách mạng thực tiễn, đáp lại Lời kêu gọi thiêng liêng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng ngày 17/7/1966; là hiện thực hóa sinh động Nghị quyết Trung ương 14 của Đảng: “Anh dũng tiến lên, thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước” [1] và “động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta tiến lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích – tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định” [2].

Ý chí của Đảng, cũng là ý chí của toàn quân, toàn dân tộc “giành thắng lợi quyết định” để giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; để hiện thực hóa khát vọng hòa bình: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hoà bình. Nhưng phải có độc lập, tự do thì mới có hoà bình thực sự. Đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, phải rút hết quân đội của chúng về nước, để nhân dân ta tự quyết định vận mệnh của mình thì sẽ có hoà bình lập tức” [3]; đồng thời cũng là hiện thực hóa niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng và mong muốn như trong Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 8/5/1968: “Hai miền Nam Bắc đoàn kết một lòng, thi đua giết giặc, cứu nước, thì nhất định giặc Mỹ sẽ hoàn toàn thất bại. Đồng bào miền Nam nhất định sẽ được giải phóng. Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ hoàn toàn độc lập, tự do, nhất định sẽ hòa bình thống nhất! Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” [4]

Thực tế, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã thực hiện được “bước phát triển” mang tầm chiến lược của cuộc kháng chiến. Trong một thời gian ngắn, chúng ta đã đưa cuộc chiến đấu quy mô lớn vào tận sào huyệt cuối cùng của địch, làm chuyển biến nhanh chóng và mạnh mẽ cục diện chiến tranh, nâng cao uy thế của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, đã giáng một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, buộc chúng phải “phi Mỹ hóa” chiến tranh, chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán trực tiếp với ta tại Hội nghị Paris, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; từ đó, tiến tới ký kết Hiệp định Paris, tạo điều kiện hết sức thuận lợi để "đánh cho Mỹ cút", đưa cuộc kháng chiến chuyển tiếp sang mục tiêu "đánh cho ngụy nhào", giành thắng lợi hoàn toàn vào Mùa xuân 1975 lịch sử.

Tại Sài Gòn – Gia Định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 càng tô thắm truyền thống của Đảng bộ và nhân dân thành phố trung kiên, bất khuất, đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh vững vàng trước đầu sóng ngọn gió trong suốt hành trình cách mạng của đất nước và dân tộc. Đây là địa bàn trọng điểm lớn nhất và ác liệt nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, vì là trung tâm đầu não chỉ huy toàn bộ bộ máy chiến tranh, có hệ thống phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp vững chắc, tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất của địch. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Trung ương Cục đã thành lập Khu trọng điểm bao gồm Khu Sài Gòn – Gia Định và một phần các tỉnh tiếp giáp với Sài Gòn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Khu trọng điểm, các lực lượng của Sài Gòn – Gia Định đã chấp hành và tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Trung ương Cục giao cho với tinh thần quyết tâm cao nhất: đánh chiếm các mục tiêu đầu não của Mỹ - ngụy, tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch; phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch; phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, giành quyền làm chủ ở các quận, huyện; tranh thủ mọi khả năng cùng với lực lượng toàn Miền tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân đội Sài Gòn, đánh đổ chính quyền Sài Gòn ở các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của quân Mỹ và chư hầu; buộc Mỹ rút khỏi Miền Nam Việt Nam; thành lập Mặt trận thứ hai [5] và tổ chức chính quyền cách mạng các cấp trong Thành phố và Khu Trọng điểm.

Ðêm 30 rạng ngày 31/1/1968, cuộc tiến công táo bạo, bất ngờ với đòn giáng phủ đầu của lực lượng Biệt động thành vào những mục tiêu hiểm yếu, đầu não của bộ máy chiến tranh như Dinh Ðộc Lập, tòa Ðại sứ Mỹ, Ðài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân... đã làm rúng động nước Mỹ, khiến nhân dân Mỹ bàng hoàng, khiến khuynh hướng muốn chấm dứt chiến tranh trở thành áp đảo. Cùng với đó, là lực lượng vũ trang của các đoàn thể, các cơ sở cách mạng ở thành phố đã phối hợp với bộ đội chủ lực, với biệt động Thành tấn công địch bằng nhiều hình thức linh hoạt, đã tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực địch. “Cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn - Thủ đô đầu não của chế độ ngụy quyền, đã tạo nên sự phân hoá chia rẽ cao độ trong hàng ngũ kẻ thù; thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước và tinh thần cách mạng trong lòng nhân dân đô thị; đồng thời cũng thúc đẩy cao hơn phong trào phản chiến của lính Mỹ, phong trào của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới phản đối chiến tranh xâm lược” [6], góp phần vào thắng lợi chiến lược của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

2. Mạch nguồn truyền thống đánh giặc bằng nghệ thuật, trí tuệ, mưu lược, sáng tạo của Đảng ta

Thực hiện chủ trương tổng công kích - tổng khởi nghĩa, trong Tết Mậu Thân 1968, đêm 30 rạng ngày 31/1/1968, tức đêm Giao thừa rạng mùng 1 Tết Mậu Thân, trên toàn miền Nam, quân và dân ta đã nổi dậy và tiến công đồng loạt tại 37 thị xã, 4 thành phố, hàng trăm thị trấn, quận lỵ của 44 tỉnh, thành phố; trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Hầu hết các sào huyệt, cơ quan đầu não, căn cứ quân sự, các hệ thống giao thông thủy bộ, các kho tàng của địch ở hầu khắp các thành phố, thị xã, thị trấn và những vùng nông thôn còn bị địch kiểm soát đều bị quân ta tiến công. Ở hầu hết các mũi tiến công đều có sự tham gia phối hợp, theo sát của lực lượng tại chỗ và quần chúng cách mạng; ở một số nơi khi điều kiện cho phép đã tiến hành giành chính quyền,v.v.. 

Thắng lợi chiến lược của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là kết quả sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân, đồng thời cũng minh chứng cho tài thao lược của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Bác Hồ trong xác định và kiên định đường lối cách mạng, trong lãnh đạo kháng chiến; nhận ra thời điểm quan trọng của cuộc chiến tranh, thấy được thời cơ quý báu để có chủ trương chiến lược kịp thời; là nghệ thuật biết giành thắng lợi từng bước, quan trọng nhất là đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Đó là một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy kết hợp với khởi nghĩa vũ trang theo quy luật của tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, bằng lực lượng tổng hợp quân sự, chính trị, binh vận, lực lượng vũ trang và lực lượng quần chúng cách mạng; diễn ra vô cùng ác liệt cả ở thành thị và nông thôn vùng ven, bằng những cuộc tiến công và phản kích liên tiếp, kéo dài. Đồng bào Sài Gòn và các đô thị miền Nam được tận mắt chứng kiến hình ảnh anh giải phóng quân với vành mũ tai bèo, chứng kiến “quân giải phóng” chính quy đánh địch trên từng ngả đường góc phố, trong tư thế hiên ngang và kỷ luật nghiêm minh. Cùng với các cuộc tiến công đồng loạt của lực lượng vũ trang, nhân dân nhiều vùng nông thôn và thành thị đã nổi dậy diệt ác, trừ gian, giải tán dân vệ, phá vỡ hàng loạt “ấp chiến lượt” giành quyền làm chủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đánh dấu một bước phát triển mới trong học thuyết và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Lần đầu tiên, ta đã tổ chức và phát động một cuộc tiến công đồng loạt trên khắp chiến trường rộng lớn vào các sào huyệt của địch mà vẫn giữ được bất ngờ đến giờ nổ súng”[7], làm cho kẻ địch không thể phán đoán cách đánh cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Bất ngờ trong xác định chủ trương, chiến lược của Đảng đến tổ chức chỉ đạo, bố trí quy mô lực lượng, đến mục tiêu và thời điểm tiến công, để phát huy cao nhất một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của nghệ thuật quân sự. Có thể nói, tất cả những sáng tạo trong chiến lược, chiến dịch và chiến thuật tổ chức cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là kết tinh từ nghệ thuật đánh giặc của ông cha qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tô thắm truyền thống và bài học “dựa vào dân” của dân tộc ta.

3. Mạch nguồn truyền thống anh hùng và sự hy sinh quên mình của quân, dân ta trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc


Thắng lợi nào, dù lớn hay nhỏ, cũng phải trả giá bằng xương máu, bằng sự hy sinh. “Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn”[8]. Thế hệ hôm nay mãi mãi biết ơn, ghi lòng, tạc dạ tinh thần chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào - những người con ưu tú đã hiến dâng đời mình cho Tổ quốc, tham gia viết nên thiên anh hùng ca Xuân Mậu Thân 1968 bất diệt, khắc họa nên “dáng đứng Việt Nam” bất tử. Chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước tinh thần dũng cảm vô song, mưu lược tài ba của các lực lượng vũ trang đã mở đầu xuất sắc cuộc tổng tiến công ở Sài Gòn - Gia Ðịnh, cùng với các chiến trường đô thị khắp miền Nam, dù chiến trường trọng điểm hay những địa bàn “chia lửa” để làm nên hào khí Tết Mậu Thân, nhất là chiến công oanh liệt và cả sự hy sinh, mất mát lớn lao của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Ðịnh, với tinh thần quả cảm cao độ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã dựng lên những tượng đài bất tử của Xuân Mậu Thân 1968.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lớp lớp thanh niên, sinh viên, học sinh đứng lên cầm vũ khí sát cánh chiến đấu cùng các chiến sĩ quân giải phóng. Thế hệ trẻ Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay mãi mãi tự hào về lực lượng Thành Ðoàn Sài Gòn – Gia Định trong Mậu Thân 1968, tự hào về người Bí thư Thành Đoàn Hồ Hảo Hớn quyết hy sinh để giữ bí mật về Nghị quyết Quang Trung – mật danh Nghị quyết của Trung ương Cục về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân khi đồng chí bị rơi vào tay giặc; tự hào về lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị Thành Đoàn trong Mậu Thân 1968, đã hoạt động mạnh mẽ ở khu xóm Bàn Cờ, Vườn Chuối, Nguyễn Thông, Lê Văn Duyệt, khu vực chùa Ấn Quang, Bảy Hiền, v.v.. tham gia các mũi đột kích, diệt ác, rải truyền đơn, treo cờ mặt trận. Nhiều chiến sĩ Thành Đoàn đã anh dũng hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân giữa đường phố Sài Gòn và được Đảng, Nhà nước trân trọng tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như Lê Văn Nghề, Nguyễn Sơn Hà (Bảy Thép)... Cùng đó là lực lượng phụ nữ tham gia vào các đội biệt động, các thứ quân địa phương, giao liên, dân công và cứu thương, đặc biệt, phụ nữ Sài Gòn - Gia Ðịnh đóng vai trò quan trọng trong xây dựng cơ sở chính trị trong lòng thành phố, xây dựng các “lõm chính trị”, “lõm” căn cứ “nhân tâm” vững chắc trong các chợ, trong khu dân cư lao động; đội ngũ giáo chức, văn nghệ sĩ và nông dân ở vùng ven đã tham gia tích cực, vừa hỗ trợ cho lực lượng vũ trang, lực lượng đấu tranh chính trị của công nhân, thanh niên, sinh viên, học sinh vừa tổ chức những hoạt động phù hợp, phát loa, treo cờ, rải truyền đơn, kêu gọi binh lính Sài Gòn bỏ súng về với gia đình; là các gia đình cơ sở cách mạng đã chấp nhận hy sinh, mất mát, bất chấp nguy hiểm, vận chuyển, cất giấu vũ khí hàng tháng trời trước đó, nuôi giấu cán bộ chiến sĩ, cung cấp cho lực lượng biệt động chiến đấu làm nên những trận đánh vang dội tại Sài Gòn...

Chúng ta mãi mãi không thể nào quên bước chân và chiến công của đồng bào, đồng chí in dấu trên đường phố, từng khu dân cư lao động, từng ngõ hẻm Sài Gòn và các đô thị miền Nam năm ấy; không thể nào quên những hình ảnh của những người lính Cụ Hồ đã kề vai sát cánh ở mỗi góc phố, tòa nhà, hiên ngang nhả đạn vào quân thù để chia lửa, che chắn cho nhau; những người mẹ, người chị, em nhỏ dù biết rằng sẽ bị tù đày, tra tấn dã man, hy sinh cả xương máu... nhưng đã dũng cảm băng qua lửa đạn, dẫn đường, mang cơm tiếp tế, cứu thương cho bộ đội nơi trận tuyến trong tầm đạn thù vô cùng khốc liệt... Chúng ta cũng thể quên biết bao đồng chí cán bộ, chiến sĩ sau Tết Mậu Thân đã bị lộ, bị bắt vẫn trung kiên, chịu đựng tù đày tra tấn dã man, một lòng son sắt, sẵn sàng hy sinh để giữ gìn khí tiết của người cách mạng, của người cộng sản.

Hòa vào dòng thác cách mạng với khí thế hào hùng trong Xuân Mậu Thân 1968, cán bộ, chiến sĩ của ngành Tuyên huấn Trung ương Cục, Tuyên huấn Thành ủy, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định cũng đã “xông trận” bằng tinh thần và lực lượng cao nhất. Anh em Tuyên huấn tỏa ra trên nhiều trọng điểm, áp sát địa bàn, đột nhập vào ấp chiến lược, thị trấn, thị tứ, phổ biến thời cơ chiến lược, vận động nhân dân nổi dậy; rải truyền đơn, dán áp phích, vẽ bản đồ cung cấp cho bộ đội, thực hiện vũ trang tuyên truyền; tổ chức các đoàn văn công, đoàn văn nghệ sĩ Phật tử trong phái Ấn Quang, hội thảo “văn nghệ sĩ trước hiện tình đất nước”, ca ngợi cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc, có ảnh hưởng lớn trong nhân dân; in báo Cờ Giải phóng, đưa tin, hình ảnh chiến trường để cổ vũ, động viên đồng bào, chiến sĩ và tham gia chiến đấu ngay trong lòng đô thị Sài Gòn, tại vùng lõm Bảy Hiền, Gò Vấp, Hóc Môn… Và trong trận chiến ấy, cũng đã có những chiến sĩ tuyên huấn Sài Gòn – Gia Định anh dũng ngã xuống trong khói lửa Mậu Thân 1968 ngay trên đường phố Sài Gòn như Nguyễn Kim Hon (Ba Thanh), Nguyễn Thị Thu, Lê Quang Bửu (Hai Thanh), Nguyễn Văn Đáng, Lê Văn Dựng, Phan Thế Trung…Tất cả, tất cả đã góp sức, nhân nguồn sức mạnh, tô thắm cho truyền thống anh hùng, tinh thần chiến đấu anh dũng, hy sinh quên mình của quân, dân ta trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc.

Năm mươi năm đã trôi qua, chúng ta vẫn tiếp tục nhìn nhận sự kiện lịch sử quan trọng này bằng phương pháp khoa học, biện chứng để khẳng định giá trị, trân trọng quá khứ và chiêm nghiệm những bài học lịch sử từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; đồng thời qua đó, đấu tranh mạnh mẽ, chống lại những quan điểm thiếu cơ sở khoa học nhằm làm giảm ý nghĩa to lớn của chiến thắng này. Từ những bài học lịch sử được rút ra từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhất thiết phải xây dựng tiềm lực quốc phòng - quân sự từ trong thời bình, như di huấn của cha ông, kết hợp kiến quốc với phòng thủ đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, quốc phú binh cường. Theo đó, phải kết hợp hài hoà xây dựng tiềm lực quốc phòng - quân sự với xây dựng tiềm lực kinh tế - xã hội, tiềm lực chính trị - tinh thần, đặc biệt là thế trận lòng dân bằng sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của toàn dân. 

Trong nhiệm vụ chung, ngành Tuyên giáo Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy trách nhiệm của mình trong quá trình góp sức, làm cho mạch nguồn yêu nước, tình cảm cách mạng của các thế hệ người Việt Nam không ngừng tuôn chảy, ngày càng phong phú trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trên tinh thần đó, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác  tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống, đặc biệt cho thế hệ trẻ để lan tỏa, lan truyền, tiếp nối các giá trị tốt đẹp; bồi đắp để nâng cao hơn nữa giá trị lòng yêu nước, ý chí quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn thử thách, tự lực tự cường, vươn lên mạnh mẽ để xây dựng đất nước phồn vinh, phát triển bền vững./. 

Thân Thị Thư
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
--------------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, t.29, tr.41.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, t.29, tr. 50 (Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12/1967 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua tháng 1/1968 (trở thành Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14, khóa III).

[3] [4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.12, tr.359, 360.

[5] Mặt trận thứ hai có tên là Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên minh (có cờ, có tuyên ngôn riêng). Trong đợt Tết Mậu Thân, Mặt trận Liên minh mới có Ban Vận động chứ chưa có Ủy ban Trung ương chính thức. Mặt trận Liên minh có trách nhiệm kêu gọi nhân dân Thành phố nổi dậy.

[6] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 -1975, Nxb Chính trị quốc gia- Sự Thật, Hà Nội, 2015, tr.770.

[7] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tết Mậu Thân, trận quyết chiến chiến lược lịch sử”, Sài Gòn – Mậu Thân 1968, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2013, tr.359.

[8] Viễn Phương: trích Văn bia tại Đền thờ Liệt sĩ Bến Dược, Củ Chi.


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất