Ngày 5/5, người phát ngôn Hội đồng châu Âu cho biết kết thúc cuộc họp
tại Brussels (Bỉ), đại diện 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã
không nhất trí áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga.
Dự kiến ngoại trưởng các nước EU sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này vào ngày 12/5 tới tại Brussels.
Theo các nguồn tin ngoại giao, các nước Hy Lạp, Cyprus, Bulgaria,
Hungary, Luxembourg, Áo, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Malta hiện vẫn phản
đối áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế-tài chính cứng rắn đối với
Nga.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Seem Kallac cho rằng việc áp đặt các biện
pháp trừng phạt kinh tế chống Nga có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối
với nền kinh tế châu Âu.
Cùng ngày, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đến từ vùng
Lazio và Campania của Italy đã gửi thư kêu gọi chính phủ nước này không
áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Các doanh nghiệp
Italy cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sẽ có tác
dụng tiêu cực, trước hết là đối với nền kinh tế Italy và ảnh hưởng đến
chính người dân nước này.
Báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Italy chỉ ra rằng trong vòng 5 năm tới,
Nga sẽ là một trong những thị trường xuất khẩu chính đối với các sản
phẩm chất lượng cao của Italy.
Trong một diễn biến liên quan, từ 6-9/5, Thứ trưởng Tài chính Mỹ David
Cohen sẽ tới Đức, Pháp và Anh nhằm thảo luận các biện pháp trừng phạt bổ
sung đối với Nga, trong đó bao gồm mở rộng trừng phạt các công ty thuộc
những lĩnh vực khác của nền kinh tế Nga.
Tuy nhiên, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, các tập đoàn công nghệ thông tin của nước này đang tiếp tục hợp tác với Nga.
Ngày 5/5, hãng thông tấn ITAR-TASS của Nga dẫn nguồn tin trong ngành
công nghệ thông tin, cho biết các tập đoàn công nghệ thông tin Mỹ, trong
đó có tập đoàn Microsoft, sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác Nga theo
hợp đồng cũ, ngoại trừ 18 công ty trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Về phần mình, đại diện các tập đoàn công nghệ thông tin Mỹ cho đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào./.
(TTXVN)