Thứ Sáu, 4/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 25/11/2016 10:37'(GMT+7)

Châu Âu muốn tự chủ an ninh, quốc phòng khi NATO thay đổi

Tổng thống Mỹ Barack Obama và một số nhà lãnh đạo châu Âu trong cuộc gặp tại Berlin, ngày 18/11. (Ảnh: CNN)

Tổng thống Mỹ Barack Obama và một số nhà lãnh đạo châu Âu trong cuộc gặp tại Berlin, ngày 18/11. (Ảnh: CNN)

Tiền và yếu tố Mỹ

Phiên khai mạc diễn đàn năm nay đã bị phủ bóng bởi những quan ngại liên quan đến kế hoạch của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump khi ông này tuyên bố, có thể sửa đổi những quy định trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vì cho rằng liên minh quân sự này đã "lỗi thời"; yêu cầu các nước thành viên đóng góp thêm cho chi phí hoạt động quân sự chung, vì nước Mỹ không muốn gánh khoản tài chính quá nặng của mình trong NATO.

Phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước chủ nhà Harjit Sajjan và người đồng cấp Anh Michael Fallon kêu gọi các đồng minh quân sự chủ chốt không nên quá lo lắng trước những thay đổi sắp tới. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Anh khẳng định, việc Tổng thống Mỹ ép các nước tăng thêm chi tiêu quân sự là điều “bình thường”, bởi bản thân NATO cũng đang tranh cãi về việc chia sẻ gánh nặng chi phí bảo vệ an ninh châu Âu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Pha-lôn hy vọng "chính phủ mới tại Mỹ sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của các tổ chức và liên minh quốc tế, bao gồm cả liên minh NATO, để có thể giữ hòa bình cho châu Âu và thế giới". Theo quy định của NATO, các nước thành viên phải chi tối thiểu 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.

Trước những nghi ngại đang ngày một lớn, lãnh đạo NATO và Mỹ đã cùng trấn an các nước thành viên EU và NATO. Ngày 18/11, Tổng thư ký NATO Gien Jens Stoltenberg bày tỏ tin tưởng rằng, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ duy trì sự lãnh đạo của Mỹ trong NATO. Ông cũng cho biết, đang tìm cách điện đàm với Tổng thống đắc cử Mỹ để nói rõ với ông D.Trump rằng, việc tăng chi tiêu quốc phòng với các nước thành viên là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông. Có vẻ như phía Mỹ muốn “xoa dịu” những lo lắng của các nước thành viên trong liên minh châu Âu khi cùng ngày 18/11, tại Berlin, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo châu Âu, gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Italia Matteo Renzi và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, đã nhất trí thỏa thuận duy trì hợp tác theo các cơ chế đa phương như NATO và thúc đẩy nghị trình xuyên Đại Tây Dương.

"Tự chủ"


Thỏa thuận trên của một Tổng thống Mỹ sắp kết thúc nhiệm kỳ với nhiều nguyên thủ châu Âu cũng chưa đủ để dư luận châu Âu hết lo ngại. Kế hoạch tự chủ an ninh, quốc phòng vẫn nằm trong nghị trình được nhiều nước trong Liên minh châu Âu hướng tới. Cụ thể, cách đây vài ngày, nhiều quan chức châu Âu bày tỏ ý định muốn có quân đội riêng, không phụ thuộc NATO để giải quyết các vấn đề châu lục.

Ngày 14/11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ngoại giao của các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về kế hoạch nhằm thúc đẩy vai trò an ninh và quốc phòng của tổ chức này. Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini đang chuẩn bị kế hoạch triển khai lĩnh vực quốc phòng và an ninh (SDIP). Kế hoạch này nhằm triển khai một chiến lược an ninh và quốc phòng chung mới nhằm thay thế chiến lược được thông qua từ năm 2003. Các đề xuất cải cách sẽ được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 15 đến 16/12. “Đây là một bước nhảy vọt trong chiến lược an ninh và quốc phòng của Liên minh châu Âu”, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini nói. Trong khi đó, có cùng quan điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drain nhấn mạnh: “Châu Âu cần có khả năng để hành động vì an ninh của chính mình”.

Cũng tại hội nghị trên, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU đã đồng ý đẩy mạnh cam kết tạo ra một tổ chức kế hoạch chung. Cơ quan mới này sẽ chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động huấn luyện và tăng cường sử dụng các đơn vị phản ứng khủng hoảng quân sự hiện có của liên minh này. Theo các bộ trưởng, việc này sẽ thúc đẩy vai trò chiến lược toàn cầu của EU cũng như năng lực hoạt động độc lập khi cần thiết.

Có thể thấy rõ, EU đang dần tự chủ hơn trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Nếu các kế hoạch và việc bàn bạc của quan chức cấp cao đi đến thống nhất thì EU sẽ mở rộng sự phối hợp quy mô hơn tại các khu vực như các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình do EU dẫn đầu bên ngoài khối đồng tiền chung ơ-rô, nỗ lực để giảm dòng chảy người tị nạn vào EU, tăng chi tiêu cho các nghiên cứu về máy bay tàng hình và trực thăng... Tất cả kế hoạch trên nhằm bảo đảm cả EU lẫn công dân của liên minh này đều an toàn hơn trong một thế giới bất ổn. Tuy nhiên bà Federica Mogherini nhấn mạnh rằng, EU không có ý định cạnh tranh với NATO hay xây dựng đội quân EU mà chỉ tập trung vào việc tăng cường sức mạnh quân sự cho liên minh./.

Nguyễn Hòa (Báo QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất