Dự kiến, ngày 12/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công bố quan điểm của
mình về thỏa thuận hạt nhân lịch sử được Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ,
Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) ký năm 2015. Ông từng nhiều lần
cho rằng JCPOA - vốn được coi là đột phá ngoại giao của chính quyền
tiền nhiệm là "thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước tới nay."
Hầu hết các nhà phân tích đều nhận định Tổng thống Trump có thể tuyên bố
rằng Tehran đã không thực thi đúng các cam kết - một quan điểm không
đồng nhất với 5 cường quốc còn lại tham gia thỏa thuận. Việc Tổng thống
Trump quyết định "rút lại" thỏa thuận có thể gây ra nguy cơ lớn khi Quốc
hội Mỹ có 60 ngày xem xét đưa ra quyết định liệu có áp đặt trở lại các
biện pháp trừng phạt cụ thể với Tehran vốn đã được dỡ bỏ khi ký thỏa
thuận.
Trước nguy cơ trên, cả Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp
Emmanuel Macron đã tận dụng phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp
quốc khóa 72 diễn ra hồi tháng 9 để thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ thay đổi
quan điểm. Tuy nhiên, nỗ lực này không mang lại nhiều hiệu quả. Do đó,
các nhà ngoại giao châu Âu hiện tập trung vận động các nghị sĩ đảng Cộng
hòa vốn đang chiếm đa số trong Quốc hội Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Rainer Breul nhấn mạnh Đại sứ quán
nước này đang làm việc với Quốc hội Mỹ, đồng thời cho biết phía Berlin
đang tìm kiếm biện pháp đối thoại nhằm giải thích quan điểm của mình
cũng như lý giải nguyên nhân tại sao Đức coi thỏa thuận hạt nhân trên là
một thành công.
Nhà báo đồng thời là tác giả cuốn sách "Hạt nhân Iran: Sự ra đời của Nhà
nước Nguyên tử" David Patrikarakos khẳng định thỏa thuận hạt nhân lịch
sử thể hiện sự đoàn kết của châu Âu. Do đó, ngay cả khi Tổng thống
Donald Trump thông báo rút khỏi thỏa thuận này, cũng không cần thiết
phải tuyên bố kết thúc thỏa thuận, bởi EU sẽ nỗ lực cùng Iran bảo vệ
thỏa thuận đến cùng.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 11/10, Tổng
thống Iran Hassan Rouhani đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho
rằng ông Trump đang chống lại "cả thế giới" khi tìm cách hủy bỏ thỏa
thuận hạt nhân lịch sử.
Phát biểu trong một cuộc họp Nội các được phát trên kênh truyền hình nhà
nước, Tổng thống Rouhani nêu rõ: "Nếu Mỹ muốn đưa một lập trường thù
địch đối với thỏa thuận quốc tế đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
phê chuẩn, thì Washington không chỉ chống Iran mà còn chống lại cả thế
giới." Theo ông, thỏa thuận hạt nhân là "phép thử đối với chính phủ các
nước" và việc duy trì cam kết đối với thỏa thuận này cho thấy nền tảng
cơ bản trong việc xây dựng lòng tin trên khắp thế giới./.
Theo TTXVN