Thứ Tư, 20/11/2024
Thế giới
Thứ Tư, 7/10/2009 10:22'(GMT+7)

Châu Âu: Thêm một lần “chao đảo”

Các phi công phát tờ rơi tuyên truyền cho cuộc đấu tranh về giờ bay.

Các phi công phát tờ rơi tuyên truyền cho cuộc đấu tranh về giờ bay.

Với sự ủng hộ của Hiệp hội Phi công châu Âu (ECA) và Liên đoàn Vận tải châu Âu (ETF), những phi công không tới được Brúc-xen cũng tổ chức đình công tại 22 sân bay khắp châu lục. 400 nhân viên của ECA sẽ tham gia biểu tình ở sân bay Ma-đrít trong những giờ tới. Những người biểu tình cho biết, quy định thời gian bay hiện hành, tối đa 14 tiếng ban ngày và 12 tiếng vào ban đêm là bất hợp lý, sẽ vắt kiệt sức của phi công dẫn đến sự mệt mỏi của phi hành đoàn là nguyên nhân dẫn đến 15% số vụ tai nạn máy bay. Họ cũng trích dẫn bằng chứng khoa học của báo cáo Moebus, được đưa ra từ tháng 9-2008, cho thấy phi hành đoàn không thể làm việc quá 13 tiếng vào ban ngày và 10 tiếng vào ban đêm, đồng thời chỉ trích Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) đã phớt lờ những thông tin trên khi đưa ra những quy định về giờ bay mới vào tháng 1-2009.

Để tăng sức nặng cho làn sóng phản đối và thu hút sự quan tâm của dư luận, ECA và ETF đã in hơn 100.000 chiếc vé máy bay giả làm truyền đơn phát cho hành khách, trong đó cung cấp những chi tiết về tình trạng lao động của phi công và lý do giải thích cho việc tại sao quy định hiện tại của Liên minh châu Âu (EU) cần phải được thay đổi. Quy định đã có hiệu lực tại một số quốc gia EU và sẽ được áp dụng đồng bộ ở các nước châu Âu vào năm 2012. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây nhiều phi hành đoàn đã "phàn nàn" rằng, điều kiện làm việc của họ đang bị xuống cấp khi ngành công nghiệp hàng không tìm cách cắt giảm chi phí, do bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhiều người cũng lo ngại áp lực sẽ càng tăng thêm khi EU chuẩn hóa điều kiện làm việc vào hai năm nữa. Phản ứng trước cuộc đình công lần này, EASA tuyên bố đây không phải là hành động mang tính xây dựng nhằm thảo luận về những gì đã diễn ra, tin rằng mục đích của vụ việc chỉ là để gây áp lực cho cuộc đối thoại giữa nghiệp đoàn và các hãng hàng không đã được lên kế hoạch nhằm xem xét lại quy định về giờ bay.

Trong khi đó, trước cửa trụ sở Hội đồng EU cũng tại Brúc-xen, hàng trăm nông dân đã tập trung phản đối tình trạng giá sữa giảm mạnh khi các bộ trưởng nông nghiệp EU đang gặp nhau bàn biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trên, nhiều chú bò sữa cũng đã "thong dong" trên đường phố theo chủ hưởng ứng cuộc biểu tình. Sự việc diễn ra chỉ vài tuần sau cuộc "phản đối trắng" với việc nông dân khắp châu Âu đổ sữa trắng đồng, không chấp nhận bán sữa với giá rẻ bằng một nửa so với chi phí sản xuất. Họ đề nghị EU phải siết chặt hạn ngạch để tăng giá sữa, thay vì thực hiện cam kết chấm dứt áp đặt mọi hạn ngạch vào năm 2015, để thị trường điều tiết giá cả. EU hy vọng việc lập ra một ban chuyên gia theo dõi ngành công nghiệp sữa sẽ phần nào "gỡ rối" cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Như vậy chỉ trong vòng vài tuần, châu Âu đã liên tục bị "chao đảo" bởi những làn sóng biểu tình. Điều đó cho thấy rằng xung đột giữa các nhóm lợi ích luôn tồn tại và là bài toán không đơn giản để có một lời giải "vẹn cả đôi đường"./.

(Theo: HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất