((TCTG)- Thật không dễ xắp xếp lại quyền lực trong các thể chế lâu đời như Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới! Hôm chủ nhật (04/10) tại Istambul, nhân dịp hội nghị thường niên của hai tổ chức này đã xuất hiện một cuộc chiến nhỏ giữa các nước phát triển và mới nổi liên quan việc dành cho các nước một sự đại diện chính xác hơn.
Không ai là không tranh cãi liên quan việc cần thiết phải phát triển IMF và WB, những thể chế mà các nước giàu đang nắm quyền. Châu Á, châu Mỹ La Tinh và châu Phi đang chứng tỏ sức mạnh kinh tế của mình để yêu cầu được nhiều quyền chính đáng hơn. Như Chủ tịch WB Robert Zoellick đã nói: “những số liệu mới đây cho thấy Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp đưa nền kinh tế khỏi suy thoái”.
Những lợi ích này xứng đáng nhận được một cử chỉ cho các nước mới nổi. Ngày 25/9, Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Pittsburg (Mỹ) đã chấp nhận yêu sách của các nước mới nổi bằng quyết định 5% quyền bỏ phiếu sẽ được dành cho các nước mới nổi trước tháng 01/2011 trong IMF và 3% trước tháng 4/2010 trong WB. Không nói rõ dành cho nước nào, điều này tạo ra những cách giải thích mâu thuẫn.
Hôm thứ 7 (03.10) tại Istambul, các nước đang phát triển tập hợp trong nhóm G24 do Xyri, Braxin và Nam Phi dẫn dầu đã đánh giá rằng để chống lại “sự thiếu dân chủ” mà họ là nạn nhân, sự chuyển dịch này phải có lợi cho họ và tỷ lệ quyền bỏ phiếu được chuyển đổi cho họ phải đạt 7% trong IMF và 6% trong WB. Bộ trưởng Tài chính Camơrun Lazare Essimi Menye đã phát biểu nhân danh nhóm các nước nghèo vay nợ (PPTE): “Cần phải có ít nhất một vị trí cho gần 1 tỷ người dân châu Phi đang cần được mọi người lắng nghe”. Ông cũng nhận thấy: “Số lượng ghế rất hạn chế nhưng các đối tác của chúng tôi phải chấp nhận là chúng tôi phải có vị trí tốt nhất để giải thích cho họ điều gì là tốt nhất cho châu Phi”.
Tại hậu trường, Mỹ (16,7% quyền bỏ phiếu) cho rằng chính Liên minh châu Âu (khoảng 32%) phải từ bỏ bớt phiếu.
Các nước châu Âu có cách giải thích riêng mâu thuẫn với văn bản của Hội nghị G20 và khẳng định rằng việc chuyển bớt phiếu phải diễn ra có lợi cho các nước không có ưu thế. Các nước châu Âu yêu cầu biện pháp áp dụng minh bạch và đơn giản bằng cách thức tính toán theo quy mô của mỗi Nhà nước được thông qua tháng 4/2008. Theo họ, “công bằng” là cách thức tính toán bao gồm tổng sản phẩm quốc nội (GDP)-sức mua-mở cửa nền kinh tế và dự trữ.
Những người châu Âu nói kết quả là có nhiều nước có quyền lợi tại các nước mới nổi hơn tại châu Âu. Quả thật, Trung Quốc lẽ ra phải được 7,5% trong khi nước này chỉ nắm giữ 3,8% quyền bỏ phiếu. Điều này cũng giống với Hàn Quốc, phải được 2,1% song nước này chỉ giữ 1,3%, nhưng các nước phát triển như Tây Ban Nha, Ai Len hay Nhật Bản cũng không được hưởng số phiếu mà họ yêu cầu.
Pháp hay Anh (4,2% phiếu bầu cho mỗi nước) lại được hưởng lợi 0,3 điểm, Ả-rập Xê-út được 2,9% phiếu bầu trong khi tính toán chính thức cho thấy nước này đáng ra chỉ được 0,8%! Cũng như vậy, Ấn Độ được hưởng lợi 0,3%.
Những người châu Âu khẳng định: “các nước mới nổi được hưởng lợi cần phải có sự hy sinh”. “Châu Âu có số phiếu cân bằng bởi vì chúng tôi cân nhắc tốt 32% phiếu bầu, chúng tôi có 8 trên tổng số 24 ghế trong hội đồng quản trị, có 175 tỷ USD trên tổng số 500 tỷ USD tại IMF, cho WB vay 60% vốn dành cho các nước nghèo”.
Họ cũng phản kích: “Chúng tôi là những con bò sữa của IMF và WB, nhưng chúng tôi không có quyền hành bởi chỉ có Mỹ là có quyền phủ quyết do các giải pháp quan trọng nhất chỉ được thông qua khi đạt được 85% phiếu thuận. Nếu chúng ta muốn dân chủ hơn, cần phải bắt đầu bằng việc hủy bỏ quyền phủ quyết trên”.
Cuộc chiến của những người nhặt nhạnh các vị trí thứ hai hứa hẹn kéo dài nhiều tháng và xem ra có vẻ mờ mịt. Nó đặt điều kiện cho tính hợp pháp của IMF, WB và tính hiệu quả của hai tổ chức này trong hành động để có một nền kinh tế thế giới khỏe mạnh.