Theo thông tin từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, về định mức vật tư y tế, qua công tác kiểm toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 tại một số bệnh viện cho thấy, số tiền chênh lệch giữa thực tế sử dụng so với định mức dự toán chênh nhau hàng tỷ đồng.
Đơn cử như, qua công tác kiểm toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho thấy số lượng găng tay sử dụng thực tế cho tất cả các dịch vụ kỹ thuật của toàn viện chỉ bằng 30% so với định mức găng tay được tính trong 2 dịch vụ khám bệnh và ngày giường bệnh, số tiền chênh lệch lên tới 1,2 tỷ đồng.
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Bình, số kim châm cứu thực tế sử dụng chỉ bằng 5% số kim châm cứu theo định mức, số tiền chênh lệch tới 1,7 tỷ đồng.
Ông Vũ Xuân Bằng - Phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho hay, hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc trong thanh toán khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Qua công tác kiểm tra cho thấy, thực tế hiện nay nhiều bệnh viện đã tự kê thêm giường bệnh với số lượng nhiều hơn rất nhiều so với giường kế hoạch được giao và cũng vượt nhiều so với định hay việc chênh lệch vật tư y tế giữa thực tế sử dụng và xây dựng kế hoạch.
Bàn về vấn đề này, ông Bằng nhấn mạnh, có sự chênh lệch rất lớn giữa thực tế sử dụng của cơ sở khám chữa bệnh với định mức nhân lực, thời gian và thuốc vật tư được xây dựng làm cơ sở tính giá dịch vụ do Bộ Y tế quy định như: găng tay, kim châm cứu, giấy in kết quả siêu âm, dịch lọc thận nhân tạo, bơm kim tiêm, số lượt khám bình quân/bàn khám/ngày, thời gian để thực hiện dịch vụ kỹ thuật…
Điều này chưa đúng với quy định tại điều 11 thông tư liên tịch số 41 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế, theo đó thanh toán theo giá dịch vụ là phương thức thanh toán dựa trên chi phí của thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế được sử dụng cho người bệnh tại cơ sở y tế.
Ông Bằng dẫn chứng: “Mỗi một lần châm cứu chỉ có 1 bộ gồm 20 cái kim châm cứu, có thể sử dụng chỉ hết 5 - 7 cái kim nhưng ngành y tế xây dựng ra đến 15 cái kim, không dùng hết, phần thừa đó cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán. Theo luật, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán chi phí thực tế, găng tay không dùng hết, bảo hiểm xã hội không thanh toán.”
Ông Bằng cho hay, việc quy định định mức vừa là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ đồng thời là tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế.
Về việc kê thêm giường bệnh, qua công tác rà soát của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, thực tế hiện nay nhiều bệnh viện đã tự kê thêm giường bệnh với số lượng nhiều hơn rất nhiều so với giường kế hoạch được giao và cũng vượt nhiều so với định mức nhân lực quy định nêu trên.
Chẳng hạn như, tại một Bệnh viện đa khoa huyện hạng II của tỉnh Thanh Hóa, có 98 cán bộ nhân viên, trong đó có 21 bác sỹ, giường kế hoạch được giao là 80 giường, nhưng thực tế bệnh viện đã kê là 300 giường bệnh.
Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Sơn La là bệnh viện hạng II, có 113 cán bộ nhân viên, trong đó có 20 bác sỹ, giường kế hoạch là 120 giường nhưng thực kê là 332 giường.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An là Bệnh viện hạng I, có tổng số 198 bác sỹ, số giường theo kế hoạch là 1.000 giường, thực tế bệnh viện đã kê là 1.684 giường.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là Bệnh viện hạng I, số giường kế hoạch là 550 giường nhưng bệnh viện thực kê là 965 giường.
Bên cạnh đó, qua các đợt kiểm tra đột xuất, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 43/43 bệnh nhân điều trị nội trú của Khoa đông y-phục hồi chức năng và 43/43 bệnh nhân của Khoa Liên chuyên khoa của một bệnh viện không nằm điều trị nội trú ban đêm, các khoa phòng của cả hai khoa đều đóng cửa tắt đèn.
Ông Bằng khẳng định, nhiều giường bệnh kê thêm không đảm bảo tiêu chuẩn như kê ở những phòng không có điều hòa, kê ở hành lang… việc không đảm bảo đủ nhân lực cho 1 giường điều trị sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị. Mặt khác, cũng dẫn tới việc chỉ định vào viện chưa hợp lý, kéo dài ngày điều trị không cần thiết.
Để giải quyết sự lãng phí trên, vị đại diện Bảo hiểm Xã hội cho hay, đơn vị này đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế xem xét về việc thực hiện định mức kinh tế kỹ thuật trong giá dịch vụ khám chữa bệnh và sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 37.
Theo đó, Bộ Y tế cần tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực tế thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh các tuyến để xem xét sửa đổi định mức kinh tế kỹ thuật, đảm bảo bù đắp chi phí thực tế thực hiện, thống nhất thu hồi về quỹ bảo hiểm y tế đối với phần chi phí chênh lệc vật tư y tế chưa sử dụng hết theo định mức.
Thứ hai, cần có quy định về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, bảo đảm mức chi trả gắn liền với chất lượng dịch vụ. Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể về mức chênh lệch tối đa giữa phần vật tư y tế chưa sử dụng hết do tiết kiệm so với định mức theo quy định trong trường hợp cơ sở tiết kiệm vật tư y tế khi cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh.
“Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế và đề nghị Bộ Y tế đi kiểm tra, rà soát, phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội và Bộ Tài chính xem xét, đánh giá lại để sửa đổi định mức kinh tế kỹ thuật, làm sao cho phù hợp với chi phí khám chữa bệnh đồng thời thực hiện tiết kiệm vật tư y tế. Đặc biệt bảo đảm bù đắp chi phí thực tế thực hiện dịch vụ, đảm bảo công bằng và sử dụng hiệu quả quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế,” ông Bằng nhấn mạnh./.
TTX