Thứ Năm, 7/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 16/12/2016 20:13'(GMT+7)

Chỉ có 1/3 cơ sở y tế tiến hành ngoại kiểm xét nghiệm

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Vấn đề đáng nói là hiện bệnh viện tư nhân tham gia chương trình ngoại kiểm xét nghiệm nhiều hơn, chất lượng cũng tốt hơn các bệnh viện công lập. Bởi lẽ, họ nhận thức được có kiểm soát chất lượng, xây dựng được thương hiệu thì mới thu hút bệnh nhân.

Thông tin trên được giáo sư Tạ Thành Văn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm xét nghiệm y học nhấn mạnh tại hội nghị “Kiểm soát chất lượng xét nghiệm” do Tổng hội Y học Việt Nam, Bộ Y tế tổ chức sáng 16/12, tại Hà Nội.

Theo giáo sư Tạ Thành Văn, để tham gia đầy đủ các chương trình ngoại kiểm thì chi phí khoảng 200 triệu đồng/năm/cơ sở y tế. Do đó, vấn đề kinh phí cũng là một áp lực đối với các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện tuyến dưới, vùng sâu vùng xa, nơi có ít bệnh nhân.

Trao đổi về những khó khăn trong công tác ngoại kiểm, chuẩn hóa công tác xét nghiệm tại các cơ sở y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay, đến nay, nhận thức về quản lý xét nghiệm của lãnh đạo nhiều đơn vị còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, nhân lực cho công tác này còn yếu về chất lượng và thiếu về số và lượng, khó thu hút được nguồn nhân lực mới.

Đặc biệt, đầu tư nguồn lực cho công tác đảm bảo chất lượng của các phòng xét nghiệm còn hạn chế. Trang thiết bị phần lớn cũ, thiếu đầu tư.

Ông Nguyễn Trọng Khoa cho hay, theo quy định, các cơ sở thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng xét nghiệm hằng năm và kế hoạch 5 năm về thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm. Đồng thời, các cơ sở y tế phải tham gia các chương trình ngoại kiểm nhằm kiểm soát chất lượng, đối chiếu và so sánh kết quả xét nghiệm của một phòng xét nghiệm với kết quả xét nghiệm của nhiều phòng xét nghiệm khác trên cùng một mẫu, góp phần nâng cao chất lượng xét nghiệm và cung cấp bằng chứng công nhận phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc tế.

Thực hiện Quyết định số 316/TTg – 27/12/2016 của Chính phủ, Bộ Y tế đang nỗ lực để chậm nhất đến 2018 liên thông kết quả xét nghiệm đối với phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 và tương đương; chậm nhất đến 2020 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm có cùng mức chất lượng trong phạm vi thuộc mỗi tỉnh, thành phố.

Ngày y tế đặt muc tiêu đến năm 2025 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất