Mặc dù kết quả của một cuộc khảo sát chỉ số hài lòng của người dân đối
với dịch vụ công ở ba tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ, Bình Định cho thấy trên
80% cá nhân, tổ chức thể hiện sự hài lòng đối với các dịch vụ công liên
quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, y tế, văn hóa, đầu tư
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, theo đánh giá
chung, mức độ hài lòng của người dân cả nước về chất lượng dịch vụ công
hiện nay chỉ vào khoảng 40%.
Đây là ý kiến được chia sẻ tại Hội thảo khảo sát mức độ hài lòng đối với
dịch vụ công do Bộ Nội vụ và Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức ngày 20/8.
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020
của Chính phủ đã đề ra các mục tiêu cụ thể trong đó có mục tiêu từng
bước nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, bảo đảm sự hài lòng của
cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các
lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 60% vào năm 2015 và đạt trên 80%
vào năm 2020; sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục
vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80% vào năm 2020.
Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết để thực hiện mục tiêu này, Bộ Nội
Vụ đang xây dựng và hướng dẫn thực hiện phương pháp đo lường mức độ hài
lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ hành chính công (gọi tắt là
SIPAS).
“Đây là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam có một công cụ đánh giá khách
quan chất lượng dịch vụ công từ đối tượng sử dụng dịch vụ. Trong thời
gian tới, với công cụ này, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành điều tra khảo sát, xác
định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ
quan hành chính nhà nước nói chung trong phạm vi cả nước,” Thứ trưởng
Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.
Dự kiến, 30.000 mẫu phiếu sẽ được lựa chọn để khảo sát cho 6 lĩnh vực
dịch vụ, ở 70 quận huyện và 210 xã, phường tại 20 tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương. Các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương triển khai điều tra khảo sát, xác định chỉ số hài lòng trên cơ sở
sử dụng phương pháp mà Bộ Nội Vụ đã ban hành với những bổ sung cho phù
hợp với nhu cầu và đặc thù của lĩnh vực, ngành hay địa phương.
Khảo sát dự định được tiến hành hàng năm và chủ yếu tập trung vào việc
cung cấp dịch vụ hành chính. Trong hai năm đầu tiên 2014 và 2015, Bộ Nội
Vụ đã đề nghị khảo sát sáu dịch vụ hành chính gồm: Cấp chứng minh thư
nhân dân, đăng ký sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, công chức, cấp
giấy khai sinh, cấp giấy đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, các tỉnh có quyền quyết định đưa các dịch vụ khác nhau vào mẫu khảo sát, bao gồm cả dịch vụ công và dịch vụ xã hội./.
Tháng 8/2013, Ngân hàng thế giới và ba
tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ, Bình Định đã thí điểm thực hiện thu thập ý kiến
phản hồi của người sử dụng các dịch vụ hành chính công. Theo đó, trên
80% cá nhân, tổ chức thể hiện sự hài lòng đối với các dịch vụ công liên
quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, y tế, văn hóa, đầu tư
Kết quả khảo sát đã giúp ba tỉnh có được bức tranh rõ nét về chất lượng
của dịch vụ công theo cảm nhận của người sử dụng dịch vụ, mức độ hài
lòng và mong muốn của người sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, kết quả khảo sát
cũng chỉ ra rõ về những điểm nóng về chất lượng dịch vụ công cần cải
thiện./.
|
Hồng Kiều (Vietnam+)