Thứ Sáu, 4/10/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 30/5/2009 8:20'(GMT+7)

Chỉ sử dụng nước sạch!

Nước là thành phần rất quan trọng cho sự sống. Con người có thể duy trì sự sống khi không có thực phẩm khoảng 30 ngày nhưng chỉ có thể tồn tại được trong 3-5 ngày trong điều kiện hoàn toàn không có nước. Hằng ngày, cơ thể mất đi từ 1,5-2,5 lít nước qua đại tiểu tiện, đổ mồ hôi, hơi thở và tùy thuộc vào sự vận động và làm việc. Do vậy, cơ thể cần được tiếp nhận lượng nước tương đương từ ngoài vào để giữ được sự cân bằng cho hoạt động của cơ thể.

Ngoài ra, nước còn được sử dụng cho nhiều hoạt động sống hằng ngày. Nước để dùng làm sạch các bề mặt, dụng cụ, nước dùng để rửa rau quả, thực phẩm và dùng để đun nấu…

Nước cần thiết để duy trì sự sống và là môi trường sống của nhiều sinh vật và vi sinh vật, nên trong nước có các vi sinh vật tồn tại trong đó có các những vi sinh vật gây bệnh như: phẩy khuẩn tả, các vi khuẩn gây tiêu chảy: Enterococcus, Escherichia, pseudomonas, Yersinia enterocolitica; Yersinia pestis gây bệnh dịch hạch cho người; listeria mnocytogenes: gây sốt, viêm màng não hoặc nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh và người lớn, gây sẩy thai ở phụ nữ có thai; các virut gây bệnh như: virut viêm gan A, E, virut đường ruột Enterovirus gây tiêu chảy…, các động vật nguyên sinh gây bệnh lỵ: lỵ amip (Entamoeba histolytica), viêm ruột và tiêu chảy kéo dài, phân mỡ: Giardia lamblia, và các trứng giun, sán gây ra các bệnh giun, sán…

Các vi sinh vật gây bệnh thường có ở các vùng nước thải, nước bị ô nhiễm. Sự có mặt của vi sinh vật gây bệnh là một trong những tiêu chí để đánh giá “nước không sạch”.

Như vậy, nếu sử dụng nước không sạch, bị ô nhiễm vi sinh vật để làm nước chế biến thực phẩm sẽ làm ô nhiễm thực phẩm và qua đó mầm bệnh sẽ vào cơ thể, gây nguy cơ mắc bệnh cho người.

Vi sinh vật là những sinh vật vô cùng nhỏ bé, không nhìn thấy bằng mắt thường, do vậy, để phát hiện chúng trong nước khi không có kính hiển vi, dụng cụ soi là điều không thể. Tuy nhiên, những vi sinh vật này lại dễ bị tiêu diệt khi chúng ta đun sôi nước.

Để phòng ngừa bệnh tật, nhất là trong tình hình hiện nay dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm đang diễn ra ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc cần phải thực hiện các biện pháp: “Ăn chín, uống sôi”, chỉ sử dụng nước sạch trong chế biến thực phẩm và trong sinh hoạt (Nước đạt tiêu chuẩn theo Quyết định số 1329/2002/QĐ-BYT).

Một số chỉ tiêu về nước:

1. Mùi vị: Nước sạch là nước không có mùi vị lạ.

Đối với nước từ nguồn nước giếng ngầm nếu có mùi trứng thối là do có khí H2S, kết quả của quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong lòng đất và hòa tan vào mạch nước ngầm tạo thành, mùi tanh là mùi tạo thành của sắt và mangan. Đối với nước bề mặt (sông, suối, ao hồ) thường có mùi tanh của tảo là do sự xuất hiện của các loại tảo và vi sinh vật, nước thường có màu xanh.

Nước máy thường có mùi hóa chất khử trùng (clo) còn dư lại trong nước.

Mùi vị khác lạ sẽ gây cảm giác khó chịu khi dùng nước. Xử lý nước khi có mùi vị lạ cần xét nghiệm biết rõ chất tạo thành mùi, vị để có cách phù hợp như dùng hóa chất, dùng chất keo tụ, dùng cách lắng lọc, dùng than hoạt tính,…

2. Màu:

Nước có độ màu cao thường gây khó chịu về mặt cảm quan. Nước có màu vàng thường do tạo thành từ hợp chất sắt, mangan; có màu xanh thường do của tảo, hợp chất hữu cơ.

Với cách xử lý như sục khí ozôn, clo hóa, keo tụ, lắng lọc có thể làm giảm độ màu của nước. Tuy nhiên, khi nguồn nước có màu do hợp chất hữu cơ, việc sử dụng Clo có thể tạo ra chất mới là trihalomethane có khả năng gây ung thư.

3. Độ đục:

Độ đục được tạo ra là do nhiều các chất lơ lửng có trong nước, thường là do sự hiện diện của các chất keo, sét, tảo và vi sinh vật. Nước đục gây cảm giác khó chịu cho người dùng và có khả năng nhiễm vi sinh. Nước sạch là nước trong không bị cặn lắng. Các phương pháp xử lý như keo tụ, lắng, lọc góp phần làm giảm độ đục của nước.

4. Độ pH:

Nước uống được có độ pH nằm trong khoảng từ 6,5 đến 8,5. Nước có pH > 7 thường chứa nhiều ion nhóm carbonate và bicarbonate (do chảy qua nhiều tầng đất đá). Nước có pH < 7 thường chứa nhiều ion gốc axit. pH của nước thấp dẫn đến thiết bị, đường ống dẫn nước và dụng cụ chứa nước dễ bị ăn mòn; người sử dụng nước sẽ bị hỏng men răng. Tuy nhiên, trong môi trường pH thấp, khả năng khử trùng của Clo sẽ mạnh hơn.

Tùy theo khả năng của từng gia đình có thể xây bể lọc nước sử dụng cát, than hoạt tính, sỏi làm vật liệu lọc, hoặc mua các thiết bị lọc nước có sẵn trên thị trường để có được nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất