Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 19/1/2018 14:4'(GMT+7)

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển hài hoà 3 trụ cột

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là một nội dung được trao đổi tại Diễn đàn "Nhìn lại mô hình tăng trưởng thịnh vượng, bền vững môi trường và hòa nhập xã hội" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức vừa qua.

Kinh tế khởi sắc nhưng tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững

Nhìn lại thực tế trên thế giới, không ít quốc gia đã rơi vào tình cảnh kinh tế phát triển nhưng phải trả giá về môi trường, xã hội. Thậm chí, khi các nỗ lực phát triển kinh tế chưa đủ bứt phát thì các hậu quả do biến đổi khí hậu đã ngày càng cực đoan, làm gia tăng gánh nặng và thiệt hại cho các quốc gia kinh tế chưa phát triển.

Ngay từ bước đầu phát triển kinh tế, Nhà nước Việt Nam mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng cũng đã xác định: Phát triển thịnh vượng đi đôi với công bằng xã hội và kết quả của 30 năm đổi mới đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam theo đuổi mục tiêu này khi diện mạo kinh tế Việt Nam đã thay đổi hẳn, đời sống người dân được cải thiện. Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức, GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt vẫn còn chưa cao, quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ và phụ thuộc nhiều vào FDI và xuất khẩu. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng của thế giới là bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng; các vấn đề môi trường và tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, nhiễm mặn, bão lũ, ngày càng ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhân dân…

“Nếu không tìm ra động lực phát triển mới Việt Nam khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và có nguy cơ tụt hậu về kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết giải pháp quan trọng trước tiên là tiếp tục tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tiếp đó, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho rằng cần phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo. Phát triển theo hướng gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ, các yếu tố năng suất tổng  hợp (TFP), thay cho việc phát triển theo chiều rộng, tiêu tốn tài nguyên, năng lượng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để phát triển kinh tế bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường cần lồng ghép khả năng chống chịu trước tác động khí hậu vào kế hoạch kinh tế, chính sách ngành và đầu tư hạ tầng; quan tâm đến các nguồn năng lượng sạch. Hướng đến đầu tư “thông minh” (với sự tham gia của khu vực tư nhân) nhằm tính đầy đủ các phí tổn về khí hậu và môi trường. Đi đôi với phát triển kinh tế, cần bảo đảm công bằng và hòa nhập xã hội

Đồng thời, để bảo đảm công bằng và hoà nhập xã hội trước tiên cần thay đổi vai trò của Nhà nước trong cung cấp dịch vụ công. Cần thực hiện cơ chế thị trường và đẩy mạnh xã hội hoá đối với cung cấp các dịch vụ công. Chuyển từ cơ chế cấp phát sang đặt hàng và từ cấp kinh phí cho các đơn vị cung ứng sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng.

Cần đổi mới chính sách xã hội phù hợp thích ứng với cấu trúc dân số khi tỷ lệ người nghèo còn rất thấp, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và già hóa dân số. Các chính sách một mặt cần tính toán bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế, mặt khác phải thúc đẩy phát triển và đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu vì sự thịnh vượng chung.   

Đưa ra các giải pháp toàn diện, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn cho rằng, nếu làm riêng rẽ thì không quá khó nhưng để cùng lúc cả 3 trụ cột: Kinh tế, môi trường, xã hội, thì đây thật sự là thách thức với Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, cùng với diễn biến kinh tế thế giới khó lường, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Do đó, Việt Nam rất cần những kinh nghiệm quốc tế để bảo đảm sự phát triển thật sự bền vững, hài hoà. Cần phải thừa nhận rằng, dù thời gian qua, với đường lối đúng đắn của Đảng và những nỗ lực điều hành của Chính phủ, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động, Việt Nam đạt được những kết quả khả quan, nhưng những điểm cơ bản là năng suất lao động còn khá thấp, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. 

Tiếp thu kinh nghiệm trong nước và quốc tế

Các chuyên gia chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Huy Thắng

PGS.Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, không ai không ủng hộ một tương lai phát triển dựa trên 3 trụ cột: Phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế, không ít quốc gia hay bị rơi vào tình cảnh kinh tế phát triển nhưng phải trả giá về môi trường.

Còn bà Caitlin Wiesen, Giám đốc UNDP Việt Nam chia sẻ, kinh nghiệm thế giới cho thấy Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới. Phải dựa vào năng suất Việt Nam mới có thể tạo bước phát triển bền vững. Việt Nam không thể dựa vào việc làm kỹ năng thấp, thu nhập thấp mà phải làm việc ở những ngành có năng suất cao yêu cầu kỹ năng cao để có thu nhập cao hơn. Cần nhìn vào thực tế là khi cuộc cách mạng 4.0 lan rộng, sẽ lấy đi việc làm của khá nhiều người nếu không có sự thay đổi thích ứng kịp thời. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cực đoan đang đẩy nhiều người Việt Nam trở lại cảnh nghèo khó.

Bà Caitlin Wiesen nêu lên những vấn đề cần suy nghĩ. Đó là vấn đề tạo việc làm năng suất cao – hiện 40% dân số Việt Nam đang làm việc trong khu vực năng suất thấp như nông nghiệp. Cần mở rộng quy mô DN đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Đại diện UNDP cũng chỉ ra vấn đề chất lượng đào tạo nghề kém, một số lĩnh vực chưa theo kịp hoặc không phù hợp với nhu cầu của DN và của thị trường…

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, muốn đuổi kịp các nước theo mục tiêu thì mỗi năm Việt Nam sẽ phải tăng trưởng đến 8%, mà để đạt được tăng trưởng đó thì năng suất lao động phải tăng trên 7%. Đây là mục tiêu khá khó khăn. 

Vấn đề hiện tại là việc quản lý nguồn lực vẫn còn hạn chế, điều này là nguyên do dẫn đến năng suất kém, dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn lực kém

Việt Nam thời gian qua cũng có nhiều cải cách nhưng đôi khi vẫn có sự nửa vời, nền kinh tế thị trường ở một số lĩnh vực mức độ cạnh tranh chưa cao, có cơ quan quản lý vừa “muốn cạnh tranh nhưng lại vừa sợ cạnh tranh”.

“Điều quan trọng nhất trong thời gian tới, cần có sự dịch chuyển nguồn lực. Nhưng quan trọng sự dịch chuyển đó phải từ chỗ kém sang chỗ hiệu quả hơn” TS. Nguyễn Đình Cung nói.  Đại diện CIEM cho rằng một trong những yếu tố quan trọng là phải có hệ thống phát luật quy định rõ ràng và thực thi cạnh tranh hiệu quả, minh bạch, chi phí tuân thủ thấp.

Còn ông Andreas Schleicher, Giám đốc Ủy ban Giáo dục và Kỹ năng OECD lưu ý rằng thế giới đang đối diện với tương lai cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng tự động hóa sẽ thay thế hàng trăm triệu việc làm. Ông băn khoăn, với hệ thống giáo dục hiện không thỏa mãn giấc mơ và tham vọng của người trẻ, chương trình nặng nề nhưng thiếu kỹ năng công việc thực tế thì Việt Nam sẽ phải làm thế nào chuẩn bị cho thế hệ trẻ tương lai? 

Phân tích cụ thể về vấn đề năng suất, GS. Lê Văn Cường đến từ Đại học Kinh tế Paris cho rằng, cần hiểu rõ hơn, trong năng suất có lao động, năng suất vốn, năng suất tổng hợp. Theo ông, muốn tăng năng suất tổng hợp thì thể chế phải cải thiện, còn tăng năng suất lao động lại phụ thuộc vào đào tạo. Riêng về năng suất vốn thì vấn đề là phải minh bạch chống thất thoát, tham nhũng.

Tiếp thu các ý kiến kinh nghiệm quốc tế, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, Việt Nam đang tiếp nhận làn sóng đầu tư FDI mạnh. Để phát triển bền vững, quan điểm của Chính phủ Việt Nam cũng không hút đầu tư theo cách cũ mà sẽ ưu tiên đến việc đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, giá trị gia tăng cao, không tiêu tốn tài nguyên, thân thiện với môi trường. “Trong thu hút đầu tư không chỉ là làm kinh tế tạo việc làm mà sẽ có những chính sách phù hợp bảo đảm sự chuyển giao công nghệ để Việt Nam có thể học được những kỹ năng, công nghệ của các nước phát triển, tiên tiến, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững", Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương khẳng định. /.

Theo chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất