Thứ Hai, 28/10/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Tư, 1/8/2018 11:31'(GMT+7)

Chiến công nối tiếp chiến công của Nhà in Giải Phóng - Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh

Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy Nguyễn Trọng Xuất và vợ - cô Trần Thị Ngọc Sương - những người đã làm việc tại căn cứ in bí mật tại nhà 51/10/14 Cao Thắng, Quận 3- để in tài liệu bí mật cho Khu ủy Sài Gòn-Gia Định.

Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy Nguyễn Trọng Xuất và vợ - cô Trần Thị Ngọc Sương - những người đã làm việc tại căn cứ in bí mật tại nhà 51/10/14 Cao Thắng, Quận 3- để in tài liệu bí mật cho Khu ủy Sài Gòn-Gia Định.

Ngày đầu thành lập, cơ sở in ấn thiếu thốn đủ bề, chỉ có một thùng thiếc chứa chữ chì; còn giấy, bàn in rất khó khăn. Người phụ trách cơ sở in ấn đầu tiên này là Lữ Văn Tám (còn gọi là Tám Gân), lúc ấy còn rất trẻ , cùng với ba cán bộ khác trong đơn vị.


Mới đầu, Nhà in được giao in các tài liệu đơn giản, sau đó in báo “Cứu Quốc”, báo “Ðấu tranh cho hòa bình, thống nhứt Tổ quốc” và cuối năm 1948, Tỉnh ủy Gia Ðịnh lập thêm Nhà xuất bản “Lê Hồng Phong - Hà Huy Tập”, giao cho Nhà in chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác in ấn tại nhà xuất bản này. Việc in ấn đều thực hiện dưới hầm bí mật, không có điện, chỉ có đèn cầy, đèn dầu lửa. Song Nhà in đã hoàn thành mọi nhiệm vụ. Năm 1951, thực dân Pháp về đóng tại bót ở xã An Nhơn Tây. Nhà in phải di chuyển máy móc, thiết bị in trong tình hình chiến sự căng thẳng về núi Bà Ðen - Tây Ninh. Tình hình khó khăn là các loại vật tư in ấn đều phải mua từ nội thành, trong khi đó  địch kiểm soát, phong tỏa rất kỹ vùng đất từ núi Bà Ðen (Tây Ninh) đến Sài Gòn.

Vào thời gian này, “tháng 8/1950, theo chủ trương của Xứ ủy Nam bộ, Sài Gòn - Chợ Lớn được tách ra để thành lập khu đặc biệt trực thuộc Xứ ủy. Thực hiện chủ trương đó, ngày 21/8/1950, Hội nghị Thành ủy họp ở Tân Long (Thủ Dầu Một) để thành lập Đặc Khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Hội nghị đã đề ra một số chủ trương nhằm thực hiện thống nhất sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong điều kiện địch đánh phá ác liệt, bố trí lại bộ máy lãnh đạo từ trên xuống cho phù hợp, chấn chỉnh lại các tổ chức nhân dân. Hội nghị đã bầu ra Đặc Khu ủy mới do đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) làm Bí thư; Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy cũng có sự thay đổi, Đồng chí Nguyễn Văn Linh, là Bí thư Đặc Khu ủy kiêm Trưởng ban Tuyên huấn, đồng chí Võ Văn Tuấn (Hai Trúc) và Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Phó Trưởng ban. Khi Khu ủy củng cố bộ máy của Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy thì sự quan tâm đến các loại tài liệu, báo chí càng mở rộng hơn và vai trò Nhà in Giải phóng là đặc biệt quan trọng trên chiến trường.

Ðến cuối năm 1959 đầu năm 1960, khi phong trào Ðồng Khởi nổ ra, lan rộng ảnh hưởng tác động lớn đến địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Nhà in Giải phóng được chuyển sang trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Ðịnh. Lúc này, Nhà in chỉ có bốn người với 100 kg chữ chì, một máy cây, để phục vụ in ấn báo chí, tài liệu bí mật, tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên huấn Khu ủy giao. Từ năm 1960, Nhà in được Khu ủy củng cố lại, vẫn lấy cơ sở nhà in cũ thuộc Tỉnh ủy Gia Ðịnh làm nòng cốt. Cán bộ gồm các đồng chí: Lữ Văn Tám, Lê Văn Hoàng (Tư Hà), Trần Văn Tuấn (Ba Nhỏ), Út Rồi (Phong) do đồng chí Lữ Văn Tám làm Trưởng nhà in. Ðịa điểm để Nhà in vẫn giữ được bí mật được đóng ở khu rừng Sến - Hố Bò, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi. 

Những năm này, nhà in càng được tăng cường theo chủ trương của Khu ủy, từ tháng 10/1960, Nhà in được bổ sung thêm 2 cán bộ của Sở Thông tin Nam Bộ, trước đó được phái vào nội thành hoạt động, nay được rút ra, Nhà in đã liên lạc được với cơ sở in ở nội thành do đồng chí Nguyễn Văn Tư (Tư Cao), tại quận 3 làm đầu mối mua thêm chữ chì, các máy in mới, mở rộng việc in ấn tài liệu, báo chí tuyên truyền phục vụ kháng chiến. Từ năm 1961, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lan rộng toàn miền Nam, yêu cầu in ấn tài liệu phục vụ kháng chiến càng nhiều. Dù phải thường xuyên đối phó với địch, di chuyển liên miên, từ phía tây sông Sài Gòn đến Kiến An, Bàu Lách, An Thành... song cán bộ Nhà in vẫn giữ bí mật đến cùng với các loại tài liệu, máy móc, con người của Ðảng.

Những nhiệm vụ vinh quang…

Vào giai đoạn Chiến tranh Cục bộ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ năm 1965 đến 1968, Nhà in được Ban Tuyên huấn Khu ủy bổ sung 21 cán bộ, công nhân viên. Nhà in phải tổ chức, sắp xếp lại lực lượng để phục vụ kịp thời, an toàn, bí mật các loại tài liệu, giấy tờ. Lúc này Nhà in Giải phóng được giao nhiệm vụ in thêm các tờ báo: “Giải Phóng”, “Cờ Gia Ðịnh”, Tập san “Trí thức mới”... Ngoài căn cứ chính là B.1 đóng ở khu rừng Lộc Thuận – H.Trảng Bàng – tỉnhTây Ninh, Nhà in còn được Khu ủy Sài Gòn - Gia Định cho thành lập thêm hai bộ phận nữa là B.2, đóng ở rừng Cây Sọp, Củ Chi, do đồng chí Trần Văn Tuấn (Ba Nhỏ) phụ trách; B.3 đóng ở Bầu Cây Trâm, Bến Cát, Bình Dương do đồng chí Nguyễn Văn Ðột (Bảy Lợi) phụ trách. 

Ông Nguyễn Văn Ðột (Bảy Lợi), Xưởng trưởng của Xưởng in B.3 (sau là Trưởng phòng Tuyên truyền - Ban Tuyên giáo Thành ủy) kể với chúng tôi: “Xưởng in B3 thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, từ năm 1960 trụ tại rừng Bàu Trâm, giáp Tà Leng thuộc xã Thanh Tuyền, huyện Bến Cát (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Nói là căn cứ, chứ thật ra là một chuỗi những hầm và giao thông hào nối tiếp nhau và nối vào hàng dãy địa đạo dài hàng trăm mét, do anh em tự đào để tự vệ và in ấn tài liệu của Khu ủy và báo chí trong chiến trường. Trên các căn hầm ấy toàn những cây khô do bom Mỹ đốt cháy hoặc làm ngã gục tung tóe ngang dọc, không còn gì là màu xanh”. Và như thế mà trong hơn 15 năm liền, các chiến sĩ, dũng sĩ của Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã luôn vững vàng và làm chủ địa bàn, thế trận, dù phải tương quan lực lượng hay vũ khí thì các đại đội Mỹ - ngụy đang có hàng trăm tên, cùng sự yểm trợ tối đa của nhiều xe, pháo hiện đại…

Vào dịp Tết Mậu Thân 1968, ngay trong tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, khi tổ nhà in tiền phương ở nội thành đang bám trụ ở Gò Vấp, do đồng chí Sáu Công (Tài) phụ trách không may bị địch phát hiện, anh em trong tổ bị tổn thất nặng, thì các bộ phận trong các địa bàn chính (nội thành Sài Gòn) vẫn quyết bám trụ, bảo đảm việc in ấn thường xuyên, an toàn tài liệu phục vụ cho Khu ủy. Nhiều cán bộ, công nhân viên vừa làm chuyên môn in ấn tài liệu, vừa đánh trả các trận càn của địch. Nhiều cán bộ Nhà in đã chiến đấu đến cùng, anh dũng hy sinh.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước càng bước vào thời điểm ác liệt, thì lãnh đạo Nhà in Giải phóng phải tranh thủ chỉ đạo của lãnh đạo Ban Tuyên huấn Khu ủy cùng tập thể cấp ủy phải đi thực địa, tìm địa điểm mới thật an toàn để chỉ đạo công tác di chuyển, mà khó nhất là vừa bảo đảm an toàn, ngụy trang để tránh địch vừa bảo toàn bí mật các loại tài liệu mật Khu ủy, cùng các thiết bị, giấy in... Từ năm 1970 đến 1975, một số cán bộ được Ban Tuyên huấn Khu ủy đưa về tuyến sau, xây dựng căn cứ in tại Dương Minh Châu (Tây Ninh) tiếp tục vừa bám trụ, vừa phục vụ cuộc chiến đấu ác liệt.

Trong những năm chuẩn bị cho các chiến dịch lớn, tại chiến trường Sài Gòn - Gia Định luôn là sự ác liệt, cả nội và ngoại thành. Chính vậy, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Nhà in đã chống chọi các trận càn, tập kích; luôn bảo đảm in ấn các tài liệu kịp thời phục vụ từng đợt triển khai các kế hoạch của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, phục vụ cho kháng chiến đi đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Với những chiến công đó, Nhà in Giải phóng đã được Chủ tịch UBMT Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ tặng thưởng Huân chương Giải phóng, được Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý, xứng đáng là nơi đã đứng chân trong gian khổ chiến trường, là ngọn cờ đầu trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa với 2 Cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt, mà hàng triệu người dân Sài Gòn - Gia Định, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ (trong đó có 120 liệt sĩ của ngành Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã hy sinh), từng chịu bao mất mát, hy sinh, để luôn vững vàng trên thế trận chiến thắng với quân thù./.    

Phạm Bá Nhiễu -Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM                                                           

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất