(TG) - Sau nhiều năm triển khai luật Phòng, Chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) 2012, nhận thức của người dân về tác hại của khói thuốc lá và lợi ích của môi trường không khói thuốc được nâng lên. Tỷ lệ cai thuốc thành công dù khiêm tốn nhưng cũng đã góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng một cộng đồng không khói thuốc như nhiều quốc gia khác, cần bổ trợ thêm nhiều hành động thực tiễn. Một trong những điều cấp thiết cần nhìn nhận chính là vai trò của các sản phẩm thay thế thuốc lá điếu với hàm lượng các chất gây hại thấp hơn và đã được khoa học công nhận bằng những nghiên cứu, số liệu thực tiễn.
Theo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá của 34 tỉnh, thành phố do Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá thực hiện trong năm 2019-2020, tỷ lệ hút thuốc lá chung ở người trưởng thành là 21,7%, giảm không đáng kể so với năm 2015 là 22,5%.
Chuyển động ở các quốc gia khác cũng còn xa mục tiêu đặt ra. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mục tiêu cai bỏ thuốc lá từ các quốc gia vào năm 2025 chỉ có thể đạt 23% thay vì 30% như đã đề ra. Như vậy, vẫn có hơn 70% người hút thuốc sẽ tiếp tục hút thuốc và tiếp tục gây tác động xấu lên môi trường, những người xung quanh, cũng như tạo ra và duy trì một thế hệ hút thuốc lá thụ động.
Thực tế, nhiều người hút thuốc lá rất khó cai, nhiều người đã tái hút sau thời gian ngắn cai thuốc. Nhiều bệnh nhân dù được chẩn đoán đang ở giai đoạn nặng và bác sĩ khuyên cai thuốc lá, nhưng nhiều người thú nhận sau mỗi lần tái khám là vẫn hút thuốc lá với số lượng ít hơn để đỡ cơn "thèm".
Theo thống kê, 90% bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) liên quan đến hút thuốc lá. Khi tiếp xúc với bệnh nhân, bên cạnh việc chẩn đoán, điều trị, đánh giá bệnh, các bác sĩ luôn khuyên tất cả bệnh nhân hô hấp, tim mạch, tiểu đường cai, bỏ thuốc lá. Đặc biệt, đối với những người mắc bệnh ở giai đoạn đầu, việc tốt hơn rất nhiều lần so với dùng thuốc chữa trị và cũng là điều kiện tiên quyết giúp cải thiện tình trạng bệnh. Với những bệnh nhân có tổn thương phổi, tiền ung thư, việc bỏ thuốc cũng cực kỳ quan trọng.
Song nhiều bệnh nhân trả lời rằng họ không thể bỏ được, mặc dù từng đến các trung tâm cai nghiện chuyên nghiệp. Có những người dù đã thử dùng nicotin nhai, dán... vẫn không cai được. Mặt khác, việc hút, rít, sờ, cầm, nắm, gẩy điếu thuốc cũng là dạng hành vi gây nghiện. Điều đó giải thích vì sao việc cai thuốc lá thành công trên thế giới rất thấp, mà tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam lại cao hơn nhiều so các nước khác.
Vấn đề đặt ra ở đây là cần xác định, để tăng tỷ lệ cai thuốc thành công, cần một chiến lược lâu dài, giáo dục ý thức không chỉ trong cộng đồng, mà còn những thế hệ trẻ nhằm giúp thay đổi nhận thức và sự hợp tác của người hút thuốc, cũng như ngăn chặn tình trạng hút mới ở giới trẻ. Mặt khác, đối với những người chưa thể cai thuốc, cần có một giải pháp bổ trợ nhằm giảm tác hại hơn là để mặc cho họ tiếp tục hút thuốc lá như hiện tại.
Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp thành phố Hồ Chí Minh PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc cho rằng, đầu tiên, cần phòng ngừa việc giới trẻ hút thuốc, cần giáo dục, đưa việc phòng, chống thuốc lá vào ngay trong trường học, kể cả nhà trẻ. Ở lứa tuổi mẫu giáo, các em có ý thức rất cao, ghi nhớ lời thầy cô nói và cũng có ảnh hưởng lớn với cha mẹ, khi về nhà, các em có thể khuyên các thành viên gia đình bỏ thuốc lá. Việc ngăn chặn những người mới hút thuốc lá chiếm 50% thành công trong chiến lược này. Trong tương lai, khi những em bé này 17-18 tuổi, các em đã ý thức được mối nguy hiểm và sẽ tránh được việc hút thuốc.
Chiến lược thứ 2 là tăng cường tuyên truyền Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, đặc biệt là về biện pháp cai nghiện, quy định cấm hút thuốc tại các nơi treo biển cấm. Đây là chiến dịch phòng, chống tác hại của thuốc lá mà Bộ Y tế đã và đang làm trong nhiều năm.
Hút thuốc lá thụ động rất nguy hiểm với phụ nữ, trẻ em vì phổi của những người này rất nhạy cảm với thuốc lá. Khi hút thụ động, các chất gây ung thư không đi qua đầu lọc nên nồng độ cao hơn so với hút thuốc chủ động. Hiện nay, việc cấm hút thuốc trong trường học, bệnh viện, một số hệ thống nhà hàng, quán cafe, các bến xe... đang được đánh giá cao.
Theo ThS-BS Lê Đình Phương, Trưởng Khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV, với người nghiện thuốc lá, lời khuyên đầu tiên là hãy bỏ thuốc lá tuyệt đối. Tuy nhiên, khi tất cả nỗ lực thất bại, giải pháp dung hòa giảm tác hại của thuốc lá bằng các sản phẩm không khói là cách lựa chọn thay thế: "Thay vì hút một điếu thuốc lá với tất cả các chất độc hại, hãy cho họ giải pháp chỉ hút mỗi nicotin, giảm những độc tính khác; đồng thời khí thở ra chỉ chứa hơi nước và tỷ lệ thấp chất gây ung thư, việc gây hại do hút thuốc thụ động cũng thấp hơn", ThS-BS Lê Đình Phương nhận định.
Đồng thời, hiện nay vai trò khoa học của các sản phẩm giảm tác hại được ứng dụng trong các sản phẩm thuốc lá không khói cũng đang được các tổ chức y tế toàn cầu kiểm chứng và công nhận. Các sản phẩm thuốc lá không khói như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, thuốc lá ngậm snus… dù không an toàn tuyệt đối nhưng đã được chứng minh có thể loại bỏ được phần lớn hàm lượng các chất gây hại so với thuốc lá điếu đốt cháy thông thường.
Dưới góc độ y học, BS. Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội tổng quát, Bệnh viện FV phân tích, ai cũng biết, muốn hút thuốc lá điếu thì phải đốt thuốc. Khi đó, nhiệt độ đầu điếu thuốc lá bị đốt tăng lên đến 900 độ C và sinh ra những chất và hợp chất cực kỳ độc hại như: Những chất sinh ung thư, carbon monoxide, chất gây xơ vữa thành động mạch tăng lên đáng kể và gây ra các bệnh lý liên quan đến hút thuốc lá. Do đó, nếu quá trình đốt cháy được loại bỏ, hàm lượng các chất gây hại sẽ giảm đi đáng kể.
Trong khi đó, nicotin là một chất tương đối không độc hại, không có tác dụng ngoại lý nghiêm trọng, không tăng yếu tố tim mạch, tỷ lệ ung thư và tử vong. FDA của Mỹ và Viện Y tế và Chất lượng điều trị quốc gia Anh (NICE) đã xác nhận rằng nicotin không phải là nguyên nhân chính của những bệnh lý do hút thuốc.
Từ những hiểu biết về tập tính của người hút thuốc và khoa học của việc loại bỏ quá trình đốt cháy, các giải pháp giảm tác hại thế hệ tiếp theo phải đáp ứng được cả hai yếu tố này. Có như vậy thì mới dễ dàng thuyết phục được người hút thuốc chuyển đổi.
Đến nay, các nghiên cứu trong lĩnh vực tim mạch về các sản phẩm giảm tác hại thay thế thuốc lá điếu áp dụng công nghệ loại bỏ quá trình đốt cháy đã được công bố trên các tạp chí uy tín trên thế giới như: Tạp chí Tim mạch châu Âu, Tạp chí Y khoa châu Âu...
Tạp chí uy tín Circulation còn đăng tải một nghiên cứu được thực hiện trên 5 triệu người hút thuốc lá nhằm đánh giá mối liên hệ giữa những thay đổi trong thói quen sử dụng thuốc lá đốt cháy và thuốc lá không đốt cháy với nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong ngắn hạn. Kết quả cho thấy, khi người dùng thuốc lá điếu đốt cháy chuyển đổi sang sử dụng thuốc lá không đốt cháy thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch thấp hơn 34% so với tiếp tục hút thuốc lá điếu đốt cháy. Dĩ nhiên, việc cai hoàn toàn thuốc lá và nicotin vẫn là tốt nhất.
Có thể nói, chính sách “zero thuốc lá” này cũng tương tự như chính sách “zero Covid”, đều là những hướng tiếp cận không khả thi. Nếu xã hội chấp nhận sống chung hòa bình với Covid-19 và áp dụng chiến lược giảm thiểu tác hại bằng nguyên tắc “5K”; thì tương tự với thuốc lá, cũng nên nhìn nhận công bằng dựa trên sở cứ khoa học và sớm áp dụng chiến lược giảm tác hại để bổ trợ cho các chính sách về sức khỏe cộng đồng. /.
Hoàng Văn Tuân