Các đại biểu tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy ban sông Mê Kông (MRC) cho rằng việc trao đổi thông tin giữa các nước là vô cùng quan trọng.
Trong ngày thảo luận thứ 2 của Hội nghị MRC lần thứ nhất, phía Trung Quốc đã cung cấp nhiều thông tin hơn về những con đập của họ được xây dựng trên sông Lan Thương, thượng nguồn Mê Kông. Trong tài liệu được công bố, Trung Quốc vẫn cho rằng các tác động tiêu cực của việc xây đập đến các nước hạ lưu sông Mê Kông đã được ngăn chặn và giảm thiểu trong khi việc xây dựng đập thủy điện trên sông Lan Thương có thể đem lại lợi ích cho khu vực hạ nguồn. Tuy nhiên, một đại biểu Thái Lan lại nhìn việc xây đập ở khía cạnh khác.
|
|
Ảnh: V.Phương | “Trung Quốc không bao giờ cung cấp toàn bộ thông tin một lúc. Họ luôn cung cấp nhỏ giọt và từng bước để thử phản ứng các nước. Rồi dựa vào đó họ có bước đi kế tiếp” - Chuyên gia Chaiyuth Sukhsri |
|
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Chaiyuth Sukhsri, giảng viên Khoa Quản lý tài nguyên nước thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), nói rằng về nguyên tắc, xây dựng bất cứ cái gì trên con sông đều gây tác động đến dòng chảy, không ít thì nhiều. “Hãy nghĩ xem, một người nhảy xuống sông tắm có thể làm con sông bị ô nhiễm một ít, nhưng nhiều người cùng nhảy xuống một lúc, con sông sẽ bị ô nhiễm nặng”, ông Chaiyuth lấy ví dụ để nói về việc nhiều con đập đã và đang được xây dựng trên dòng chảy chính của sông Mê Kông.
Mặt khác, theo ông Chaiyuth, cũng là một kỹ sư, những thông tin mà phía Trung Quốc cung cấp trong những ngày hội thảo vừa qua chưa thực sự đầy đủ và xác đáng. “Chúng ta cũng cần nhìn lại cách mà Trung Quốc cung cấp thông tin. Họ không bao giờ cung cấp toàn bộ thông tin một lúc. Họ luôn cung cấp nhỏ giọt và từng bước một để thử phản ứng của các nước. Rồi dựa vào đó họ có những bước đi kế tiếp. Kể cả những thông tin mà MRC đưa ra, theo tôi, đó là những bằng chứng rất yếu ớt về tác động của những con đập đến sông Mê Kông”, ông Chaiyuth phân tích.
Như một cách để cải thiện tình hình thông tin không được cung cấp hoặc trao đổi đầy đủ giữa các nước MRC và Trung Quốc, ông Chaiyuth đưa ra gợi ý là nên xây dựng các trạm theo dõi mực nước sông tạm thời ở khu vực biên giới với Trung Quốc trong một mùa nhất định. Qua đó, các nước hạ nguồn có thể biết được phía Trung Quốc vận hành các con đập như thế nào. Bởi vì, khi họ cần sản xuất điện, họ phải mở cửa xả đập. “Chúng ta không thể đợi để có thông tin từ phía Trung Quốc được”, ông Chaiyuth nói, “Chúng ta không có được thông tin một cách trực tiếp thì chúng ta có thể tìm cách có được nó một cách gián tiếp”.
Trong quan hệ giữa các nước, không ai có thể thúc ép ai đó quá nhanh và quá mạnh, huống chi đó là Trung Quốc, theo ông Chaiyuth. Ông cho rằng nên đi từng bước một để giải quyết vấn đề. “MRC phải làm nhiều hơn nữa trong việc thảo luận với phía Trung Quốc”, ông Chaiyuth nói.
Bà Phạm Thanh Hằng, điều phối viên chương trình phát triển lưu vực sông thuộc MRC, cũng cho rằng việc trao đổi thông tin giữa các nước MRC và Trung Quốc là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, bà Hằng cũng cho rằng thông tin về việc vận hành các con đập ra sao cũng cần được chia sẻ nhiều hơn nữa, nhằm giúp các nước ở hạ lưu lên kế hoạch sử dụng nguồn nước vào mùa khô.
Ngoài vấn đề các con đập, bà Hằng cũng cho hay các nước ở hạ lưu sông Mê Kông đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác như mở rộng diện tích tưới tiêu. “Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra trong buổi thảo luận là liệu việc mở rộng diện tích tưới tiêu có phải là giải pháp cho việc sản xuất lương thực hay không, hay chúng ta cần một cái nhìn khác về sản xuất nông nghiệp. Rồi việc mở rộng hệ thống tưới tiêu cũng sẽ làm giảm lượng phù sa chảy xuống hạ lưu”, bà Hằng nói. Theo bà, về vấn đề này, giữa các nước hạ nguồn với nhau, giữa các nước vùng hạ và thượng nguồn cần có sự phối hợp chặt chẽ để giảm tác động tiêu cực./.
(Theo Thanh niên online)