Ở quần đảo Trường Sa, nơi biển khơi muôn trùng sóng gió, từ nhiều năm
qua, đội ngũ y, bác sỹ luôn là chỗ dựa tin cậy của người dân và cán bộ,
chiến sỹ tại các hải đảo.
Ở nơi đầu sóng ngọn gió, các chiến sỹ quân y luôn "vững tay súng" trong
các hoạt động bảo vệ chủ quyền đất nước, thực sự là "từ mẫu" khi tham
gia cứu chữa bệnh cho ngư dân, đồng chí, đồng đội...
VƯỜN THUỐC NAM TRÊN ĐẢO TRƯỜNG SA
Chúng tôi đến với Trường Sa vào một buổi trưa đầy nắng, chỉ có tiếng
sóng rì rầm, dịu dàng xô vào bờ cát trắng. Tranh thủ phút nghỉ trưa quý
báu, y sỹ y học cổ truyền Bùi Minh Đức tưới tắm, chăm sóc cho vườn thuốc
Nam mà bao lâu nay Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa dày công gây dựng.
Đến nay, vườn thuốc Nam trên đảo có trên 10 loại cây thuốc quý như ngải
cứu, nha đam, dâu tằm, trinh nữ, mạch gấu...
Ở đảo Trường Sa, việc trồng được rau xanh rất quý và tốn nhiều công sức,
bởi vậy để có được một vườn thuốc Nam tuy nhỏ là cả tấm lòng, tình yêu
thương và trách nhiệm của những chiến sỹ khoác áo blouse trắng trên đảo.
Từng luống cây, mỗi thớ đất là kết quả mồ hôi, công sức cũng như sự hy
sinh thầm lặng của các anh, không dễ mấy ai làm được.
Y sỹ Bùi Minh Đức, hiện công tác tại Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa,
chia sẻ có rất nhiều việc phải làm để nuôi trồng và bảo vệ được những
cây thuốc Nam trên đảo. Đáng kể nhất là hàng năm phải che chắn gió mùa
Tây Nam gây cháy lá bằng các vật liệu như bạt ni lông, đan lưới thép,
tận dụng thùng gỗ chẻ ra làm hàng rào...
"Để có nước ngọt tưới cho cây, chúng tôi phải thay phiên nhau tiết kiệm,
san sẻ bớt lượng nước ngọt quý báu của mỗi người trong sinh hoạt hằng
ngày để tưới giúp cây thuốc sinh trưởng và phát triển", y sỹ Bùi Minh
Đức chia sẻ.
Mỗi khi trái gió, trở trời, người dân sinh sống trên đảo đều tìm đến các
chiến sỹ quân y trên đảo, nhờ vườn thuốc Nam này mà phần lớn người dân
và cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa tiết kiệm được thuốc men, dược liệu để
dành chữa trị cho những người bệnh nặng hơn.
Vợ chồng anh Phan Minh Vinh (40 tuổi) và chị Nguyễn Thị Song (39 tuổi)
tâm sự: "Sống giữa biển khơi, luôn phải đối mặt với sóng gió, khí hậu
khắc nghiệt, mỗi khi nhức đầu, mỏi gối, hoa mắt, chóng mặt, người dân
lại được các y, bác sỹ ở Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa tận tình giúp
đỡ bằng các phương thuốc dân gian từ những cây thuốc ở vườn thuốc Nam.
Nhờ đó, chúng tôi luôn đảm bảo sức khoẻ, yên tâm làm ăn sinh sống".
Cũng vì thế mỗi người dân trên đảo đều ý thức được vườn cây thuốc Nam là
một tài sản chung của cộng đồng, ai cũng phải có trách nhiệm chăm sóc,
bảo vệ và vun trồng để cây thuốc đứng vững được trước biển mặn và gió
bão.
Trong vườn thuốc Nam trên đảo Trường Sa, cây ngải cứu phát triển đặc biệt tốt.
Y sỹ Bùi Minh Đức ví von: "Cây ngải cứu tưởng chừng như bé nhỏ nhưng lại
có sức sống rất mãnh liệt, phát triển tốt, cho dù sóng gió, cho dù bão
táp cũng luôn tươi xanh. Có lẽ cây ngải cứu là thể hiện của tình đoàn
kết, dựa vào nhau mà sống của người dân và các cán bộ, chiến sỹ trên đảo
này đấy".
ĐIỂM TỰA CHO NGƯ DÂN BÁM BIỂM
Tại đảo chìm Thuyền Chài, 8 điều quy định chức trách quân y đảo chìm
được đặt trang trọng tại phòng làm việc của bác sỹ Trịnh Văn Tuấn. Người
chiến sỹ quân y đảo chìm phải nắm chắc tình hình ốm đau và tỷ lệ đảm
bảo quân số trong đảo, báo cáo với Chỉ huy đảo tình hình sức khỏe của
đơn vị và đề bạt ý kiến nhằm giữ vững, nâng cao sức khỏe cho bộ đội, đảm
bảo tỷ lệ quân số khỏe, luyện tập và chiến đấu cao nhất; tổ chức thực
hiện việc cứu chữa thương binh trong chiến đấu nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở
hỏa tuyến, cứu chữa kịp thời và chuyển nhanh về tuyến sau; huấn luyện 5
kỹ thuật cấp cứu cho bộ đội, chiến sỹ cứu thương và nhân viên quân y
trong đảo...
Những điểm đảo nơi tuyến đầu của Tổ quốc như Thuyền Chài, An Bang, Đá
Đông, Đá Tây, Trường Sa... luôn là chỗ dựa tin cậy, là điểm hướng về của
ngư dân Việt mỗi khi ra khơi bám biển.
Bác sỹ Trịnh Văn Tuấn, đảo Thuyền Chài nhớ lại: "Một trong những kỷ niệm
đáng nhớ đối với tôi là lần cứu chữa ngư dân Lê Văn Tĩnh, sinh năm
1989, người Bình Thuận, đi đánh cá theo tàu 97688-PQBT bị gặp nạn trên
biển trong cơn bão vào tháng 7/2018. Bệnh nhân bị đa chấn thương rất
nặng, đặc biệt là phần chấn thương bụng kín, chảy máu trong, sai khớp
háng, gãy hở 2 xương chân và có biểu hiện sốc chấn thương nguy kịch. Do
điều kiện nhân lực, trang thiết bị và thuốc men trên điểm đảo vô cùng
thiếu thốn, tôi lo không thể cầm cự giúp bệnh nhân cho đến lúc có tàu
chở về đất liền. Tuy nhiên, trước ánh mắt mong chờ của những bạn thuyền,
sự tin tưởng và hỗ trợ hết lòng của anh em chiến sỹ trên đảo cũng như
sự chỉ đạo trực tiếp của quân y tuyến trên, tôi đã gạt bỏ hết âu lo để
làm nhanh, làm chính xác các phương pháp cứu chữa và giữ lại được mạng
sống cho bệnh nhân. Đến nay, anh Tĩnh đã khỏi hẳn và mỗi khi đi biển vẫn
ghé vào thăm anh em chiến sỹ trên đảo".
Còn tại đảo Trường Sa - "thủ đô của quần đảo Trường Sa", Trung tâm Y tế
nơi đây được Đảng, Nhà nước và Quân đội đầu tư đồng bộ, trang thiết bị y
tế hiện đại, xứng đáng là điểm tựa tin cậy cho nhân dân và các lực
lượng đang ngày đêm vươn khơi bám biển, canh giữ chủ quyền biển đảo của
Tổ quốc.
Đại úy, bác sỹ Lê Phước Cường, công tác tại Trung tâm Y tế thị trấn
Trường Sa cho biết thời gian qua, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được
đầu tư về trang thiết bị một cách bài bản, đồng bộ. Công tác thăm khám,
cấp cứu, chữa bệnh, điều trị cho người dân, ngư dân, cán bộ, chiến sỹ
được cải thiện và nâng cao một cách rõ rệt. Nhiều trường hợp bệnh sau
khi được cấp cứu kịp thời tại đây khi chuyển về đất liền đã được đảm bảo
an toàn về tính mạng, sức khỏe có chuyển biến tích cực.
Bệnh nhân Nguyễn Thế Thành đang điều trị tại Trung tâm Y tế thị trấn
Trường Sa tâm sự với chúng tôi, nhờ được sự quan tâm, chăm sóc nhiệt
tình của các y, bác sỹ ở đây mà tình hình sức khỏe của anh được cải
thiện một cách đáng kể. Không những thế, các y, bác sỹ còn nhường một
phần khẩu phần ăn của mình để giúp các bệnh nhân điều trị nội trú bổ
sung chất dinh dưỡng, nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Nói về đội ngũ y, bác sỹ trên đảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn
Trường Sa Trần Văn Quyền tự hào cho biết hiện trên đảo có các bác sỹ
quân y trình độ tay nghề cao, không những đảm bảo khám, chữa bệnh theo
định kỳ, còn tham gia ứng cứu khi ngư dân gặp nạn trên biển hay quân
nhân ở các đảo khác gặp rủi ro.
Trước khi đưa vào đất liền điều trị, đội ngũ y, bác sỹ của Trung tâm Y
tế thị trấn Trường Sa tiến hành sơ cứu, khám chữa, nếu ngoài khả năng
mới chuyển về đất liền. Có thể nói, nhiều năm trở lại đây, người dân
trên đảo rất yên tâm về tình hình khám chữa bệnh, tin tưởng vào lực
lượng y, bác sỹ.
Giữa muôn vàn khó khăn, lực lượng y, bác sỹ trên đảo đã thực sự làm chủ
trang thiết bị y tế hiện đại, sẵn sàng thăm, khám, cấp cứu, chữa bệnh,
điều trị kịp thời cho nhân dân, ngư dân, cán bộ và chiến sỹ đang công
tác trên tuyến đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Không chỉ là những người nắm chắc chuyên môn, hết lòng vì bệnh nhân ruột
thịt. Nhiều y, bác sỹ ở Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa còn thể hiện
tinh thần lạc quan, yêu đời, không chịu lùi bước trước sóng gió bằng sự
tinh tế trong việc chơi các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Điển
hình như Thượng úy, bác sỹ Phí Ngọc Dương, bên cạnh chuyên môn xuất sắc
còn tự học thổi sáo và là một “cây văn nghệ” chủ lực trong mọi hoạt động
văn hóa trên đảo.
Sự cống hiến âm thầm của các chiến sỹ khoác trên mình chiếc áo blouse
trắng giữa muôn trùng sóng gió nơi Trường Sa thân yêu không chỉ khẳng
định y đức cao cả, tình quân dân thắm thiết, là chỗ dựa của ngư dân vươn
khơi bám biển mà các anh vẫn đang hằng ngày làm nhiệm vụ của một người
chiến sỹ giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Hoàng Nam (TTXVN)