Trong những ngày tháng Tư này, trên một số trang mạng, một nhóm tác
giả đang cho đăng tải những bài viết nhằm xuyên tạc ý nghĩa lịch sử của
Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước - ngày
30/4/1975.
Các tác giả trên cho rằng: Ngày
30/4/1975 là dấu mốc gây chia rẽ dân tộc; rằng có thể dùng các biện pháp
hòa bình để thống nhất đất nước; rằng cứ để hai miền Bắc-Nam theo hai
chế độ khác nhau thì đất nước sẽ phát triển hơn… Phải khẳng định rằng,
đó là những luận điệu hoàn toàn sai trái, phủ nhận sạch trơn mọi sự hy
sinh của thế hệ cha ông để đất nước có được hòa bình, độc lập, thống
nhất và phát triển như hôm nay.
Người Mỹ tự nhận sai lầm
Dấu ấn kỳ tích Đại
thắng mùa Xuân 1975 của dân tộc ta đến nay đã trải qua 40 năm. Các thế
hệ người Việt Nam ngày càng cảm nhận đầy đủ và sâu sắc giá trị của chiến
công chói lọi mang tầm vóc thời đại này. Song đối với không ít người Mỹ
và phương Tây, nhất là các chính khách, các nhà chiến lược quân sự,
chính trị của đất nước đã đem quân xâm lược nước ta, thì “hội chứng Việt
Nam” vẫn chưa có hồi kết, vẫn còn đang âm ỉ, nhức nhối với câu hỏi: “Vì
sao nước Mỹ hùng mạnh nhất thế giới về quân sự và kinh tế lại thất bại ở
Việt Nam?”. Thậm chí đến nay vẫn có những tiếng nói lạc lõng, hằn học
phủ nhận Chiến thắng vĩ đại 30/4/1975 của quân và dân Việt Nam, đòi đánh
giá lại lịch sử nhằm phục vụ cho những mưu đồ đen tối.
Lý giải về những
nguyên nhân dẫn đến thất bại nặng nề nhất trong lịch sử gần 200 năm của
nước Mỹ (tính đến năm 1975), có những quan điểm và sự tiếp cận khác
nhau. Đối với những kẻ hiếu chiến thì hằn học rằng: Nhà cầm quyền đương
thời của nước Mỹ không biết đẩy mạnh leo thang chiến tranh để biến miền
Bắc Việt Nam trở về “thời kỳ đồ đá!”. Có những chiến lược gia Mỹ lại bao
biện cho thất bại cay đắng rằng, do quân đội Mỹ bị đưa đến chiến trường
châu á xa xôi, đầy cạm bẫy, khổ hạnh... Nhưng cũng có không ít người
quyết lần tìm sự thật về cuộc chiến tranh để trả lời cho câu hỏi: “Vì
sao Mỹ thất bại cay đắng ở Việt Nam?”. Điển hình là cựu Bộ trưởng Quốc
phòng Mắc Na-ma-ra dưới thời các tổng thống Mỹ L.Giôn-xơn và R.Ních-xơn.
Trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về
Việt Nam”, do Nhà xuất bản Random House (Mỹ) cho ra mắt tháng 4-1975,
Mắc Na-ma-ra đã công khai thừa nhận: “Chúng tôi (tức Chính phủ Mỹ-TG) đã
sai lầm, sai lầm khủng khiếp”. Đây là lời thú nhận thất bại chưa từng
có trong lịch sử nước Mỹ.
Cựu Bộ trưởng Quốc
phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra cũng đã nêu ra 11 nguyên nhân gây ra thảm bại
nặng nề cho nước Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam, trong đó có sai
lầm “đánh giá thấp sức mạnh của một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý
tưởng và các giá trị của nó” (1). ông ta thẳng thắn chỉ ra những nguyên
nhân và lý giải, xét cho cùng, thất bại cay đắng của nước Mỹ nảy sinh từ
bản chất cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa của Mỹ; từ việc không
nhận thức được sức mạnh truyền thống của dân tộc Việt Nam được nhân lên
gấp nhiều lần dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam chứng tỏ cuộc
chiến tranh xâm lược của Mỹ là “một sai lầm ngớ ngẩn ghê gớm, con đẻ của
một hỗn tạp kỳ quặc giữa sự hoang đường và tính kiêu ngạo, mù quáng đối
với lịch sử, sự tin tưởng ngây thơ về vai trò quyền lực đứng đầu trên
quả đất. Hoa Kỳ đã sử dụng những giải pháp quân sự cho những vấn đề chủ
yếu là chính trị và văn hóa. Đây là một cuộc chiến tranh sai lầm, tại
một địa điểm sai lầm, ở một thời gian sai lầm, cho những lý lẽ sai lầm”.
Sự thất bại của Mỹ trong việc huy động một lực lượng lớn tiềm lực kinh
tế và quân sự của đất nước trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam,
nhưng không khuất phục được một dân tộc anh hùng. Tướng Mắc-xoen Tay-lơ,
cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn cũng thừa nhận: “Sức mạnh không quân là một sự
yểm trợ, nhưng nó không thể quyết định việc chặn đứng những con người
kiên quyết chiến đấu trên mặt đất… Chúng tôi đã không đánh giá đúng tinh
thần cực kỳ kiên quyết và đức tính hy sinh vì sự nghiệp của người dân
Việt Nam” (2).
Đúng vậy, sai lầm
lớn nhất của Mỹ là không thấy được một dân tộc Việt Nam luôn luôn khát
vọng hòa bình, tự do và hạnh phúc; một dân tộc có bản sắc văn hóa riêng,
có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm
hàng nghìn năm. Vì sự tồn vong của dân tộc, vì nghĩa vụ cao cả, thiêng
liêng đối với quốc tế mà toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đã buộc
phải cầm súng quyết chiến đấu và quyết chiến thắng kẻ thù hung hãn nhất
của thời đại trong thế kỷ XX.
Sử gia Stanley
Karnow, một trong số ít phóng viên Mỹ có mặt ở Việt Nam từ đầu đến khi
quân và dân Việt Nam làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, đã viết: “Sai lầm
xuất phát từ sự không hiểu biết gì về lịch sử Việt Nam, một lịch sử dài
phải chống lại các thế lực xâm lược, đã tạo cho người Việt Nam một ý
thức sâu sắc về dân tộc họ. Từ khát vọng độc lập dân tộc đã làm nên một
đảng tiên phong bản lĩnh và trí tuệ, luôn biết đổi mới kịp thời vào
những thời điểm quyết định với nỗ lực và kỳ vọng được đồng hành cùng đất
nước”(3).
Đại thắng mùa Xuân
1975 đã khép lại cánh cửa chủ nghĩa thực dân mới, làm tiêu tan bao mưu
đồ đen tối của các thế lực thù địch hòng thôn tính, đô hộ, nô dịch, ngăn
cản sự phát triển mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Năm tháng chiến tranh
rồi cũng sẽ qua đi, song các nhà chiến lược Mỹ đã can dự vào cuộc chiến
tranh Đông Dương nói chung, chiến tranh Việt Nam nói riêng không thể nào
biện minh được sự thảm bại cay đắng của một đế quốc lớn trước một đội
quân “nhà nghèo” (theo cách nói của họ-TG). Nếu như Hen-ri Kít-xinh-giơ,
nguyên Cố vấn Nhà Trắng bàng hoàng không hiểu “cái gì đó đã nhen lên
trong dân tộc đó những ngọn lửa anh hùng và nghị lực như vậy”; thì tướng
Mắc-xoen Tay-lơ, cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn phải chua chát thừa nhận: “Tất
cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam, và
chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong
cuộc chiến tranh này, mà chỉ toàn là một lũ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm
trong số đó” (4).
Lịch sử chiến
tranh thế giới vẫn hiển hiện và lưu truyền mãi một bức tranh ảm đạm đối
với nước Mỹ trong những ngày tháng 4-1975. Một đất nước tự xưng hùng
mạnh nhất thế giới đem quân đi xâm lược một quốc gia độc lập, có chủ
quyền, lại kém mình gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế và quân sự, thì
làm gì có anh hùng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, đầy man rợ đó. Thế
nên, những người Mỹ phản đối chiến tranh xâm lược khi nghe tin Việt Nam
đại thắng đã coi thắng lợi của nhân dân Việt Nam là “thắng lợi vô song
của lòng yêu nước và trí tuệ con người”.
Trong tác
phẩm “Giải phẫu một cuộc chiến tranh” xuất bản tại Niu Y-oóc (Mỹ) năm
1985, Giáo sư Sử học, Tiến sĩ Triết học Mỹ Ga-bri-en Côn-cô (Gabriel
Kolko) đã chỉ ra nguyên nhân tạo nên sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt
Nam trong cuộc chiến chống xâm lược, được khơi dậy từ “Đường lối quần
chúng và sự động viên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tỏ ra là
một phương pháp rất có hiệu quả…” (5). Ga-bri-en Côn-cô còn lý giải
chiến thắng của quân dân Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử chống Mỹ
xâm lược, ngoài tính chất ưu việt của chế độ xã hội chính trị được thể
hiện qua việc tổ chức và tiến hành chiến tranh, huy động toàn dân, toàn
lực để giành chiến thắng; còn một yếu tố cực kỳ quan trọng, đó là những
cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt
Nam luôn phát huy dân chủ, thân thiết đối với binh sĩ của mình như người
cha, người anh, người bạn; họ quan hệ với nhau như anh em trong một gia
đình. Điều này trái hẳn với quân đội nhà nghề Mỹ trong tham chiến trên
các chiến trường Việt Nam.
Khẳng định giá
trị, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta
cũng đồng thời đấu tranh phê phán mọi luận điệu xuyên tạc lịch sử về
chiến thắng vĩ đại này với những thiên kiến lệch lạc, những ác ý thâm
độc của các thế lực thù địch và cả những ngộ nhận, mơ hồ trong sự nhìn
nhận, đánh giá lịch sử thiếu khách quan, cụ thể. Nhiều nhà lãnh đạo,
chính khách Mỹ đến nay vẫn cố tình che giấu sự thật, đưa ra nhiều lý lẽ
biện minh cho mưu đồ đen tối của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt
Nam. Nhưng cũng chính những người Mỹ đã bóc trần sự thật này; trong đó
có E-uyn Knon (Ezwin Knoll), một nhà báo chuyên theo dõi về cuộc chiến
tranh Việt Nam. ông đã dày công sưu tập hơn 7000 tài liệu của Lầu năm
góc, trong đó phần lớn là tài liệu tuyệt mật liên quan đến cuộc chiến
tranh Việt Nam. Trên cơ sở những nguồn tài liệu chân thực, E-uyn Knon đã
xuất bản cuốn sách “Cuộc chiến bịp bợm của Mỹ”, gây tiếng vang lớn
trong dư luận xã hội Mỹ (6). Trong cuốn sách này, tác giả đã vạch rõ dã
tâm xâm lược Việt Nam với những thủ đoạn chiến tranh hết sức tàn bạo,
thể hiện bản chất hiếu chiến, phi nghĩa, vô nhân đạo của chủ nghĩa đế
quốc; đồng thời, chỉ rõ Mỹ đã vấp phải ý chí quật cường, sức mạnh đoàn
kết của cả dân tộc, với nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo chiến tranh nhân
dân tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là một trong những nguyên
nhân sâu xa dẫn đến thất bại nặng nề nhất của Mỹ trong lịch sử đưa quân
tham chiến ở nước ngoài./.
(Còn nữa)
____________________________
(1). Theo số liệu của Trung tâm Lịch sử quân sự Mỹ (US Army Center of Military History, Washington DC), 1995.
(2). Sức mạnh Việt Nam, Nxb. QĐND, H, 1976, tr.181.
(3). Stanley
Karnow: Tác phẩm Vietnam A History của ông là một cuốn sử về nước Việt
Nam hiện đại, được giải thưởng Pulitzer và đã có hơn một triệu bản được
phát hành. Ngoài tác phẩm này, Stanley Karnow còn cung cấp tư liệu cho
bộ phim tài liệu nổi tiếng Việt Nam - một thiên lịch sử bằng truyền
hình.
(4). Báo Mỹ Sao và vạch, ngày 14-5-1975.
(5). Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. QĐND, H, 2003, tr.313; tr.204.
(6). Xem: Ezwin Knoll: Cuộc chiến bịp bợm của Mỹ, Nxb. Washington DC, 9-1991.
Nguyễn Đức Thắng
Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng
(Nguồn: QĐND)