Thứ Bảy, 21/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Sáu, 17/4/2015 14:50'(GMT+7)

Dù ở xa Tổ quốc vẫn luôn nhớ về ngày đất nước thống nhất

 

Ngày 30-4 của 40 năm trước, đoàn quân giải phóng với khí thế như vũ bão tiến về Sài Gòn - nay là TP Hồ Chí Minh, buộc chính quyền bù nhìn do ngoại bang dựng lên phải đầu hàng vô điều kiện. Sau gần một thế kỷ, chúng ta đã giành lại hòa bình, độc lập từ đó mở ra một trang mới của lịch sử dân tộc. Cũng như mọi người dân Việt Nam, ngày 30-4-1975 đã in đậm trong tiềm thức của tôi. Mà lý do đầu tiên làm cho tôi, dù đang sinh sống ở nước ngoài, mỗi khi đến ngày 30-4 lại suy nghĩ rất nhiều về ngày lịch sử, vì tôi biết trong huyết quản của mình, dòng máu hình thành từ truyền thống yêu nước của cha ông vẫn chảy, và điều quan trọng hơn nữa đối với tôi, là một phần thời gian của cuộc đời, tôi đã mang danh hiệu "Anh Bộ đội Cụ Hồ".

Hơn 20 năm qua vì lý do gia đình, tôi sống xa Tổ quốc. Song Tổ quốc thân yêu vẫn luôn bên tôi. Tôi vui mừng hoặc lo lắng trước thành công, thuận lợi, khó khăn của đất nước và cố gắng đóng góp phần nhỏ của mình với quê hương. Rất nhiều lần tôi kể với các đồng nghiệp người Ðức về cuộc chiến đấu thần thánh để giành độc lập, tự do cho dân tộc, dưới sự lãnh đạo tài tình của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, về quê hương, làng xóm của mình, về đồng bào của tôi đã lao động, chiến đấu vượt mọi khó khăn như thế nào. Hầu như đồng nghiệp của tôi đều đã tốt nghiệp đại học khoa học xã hội vào những năm 70 của thế kỷ trước. Họ đọc nhiều sách báo viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân Việt Nam; đặc biệt là qua các cuốn sách phản ánh khá trung thực như tác phẩm của nhà báo nổi tiếng thế giới, mang hai quốc tịch Ðức - Pháp là Pi-tơ Sôn La-tua (Peter Scholl-Latour). Vì thế họ biết khá rõ "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", "chiến dịch Mậu Thân 1968", "Ðiện Biên Phủ trên không 1972"...

Nhưng có lẽ họ vẫn thấy bổ ích khi nghe tôi kể tỉ mỉ, giải thích cặn kẽ giúp họ hiểu nhiều hơn về các vấn đề, sự kiện mà qua sách báo họ chỉ biết một phần. Họ chú ý lắng nghe, đưa ra những câu hỏi cụ thể. Thí dụ, thấy sách báo viết về sự bắn phá dã man của quân đội Mỹ trên "đường mòn Hồ Chí Minh", họ muốn biết công việc hậu cần của bộ đội khi hành quân, và tôi đã kể về bếp Hoàng Cầm, về cơm nắm, muối rang, rau tàu bay... Qua tài liệu và sách báo, họ biết "hàng rào điện tử McNamara" tốn hàng tỷ USD đã được Mỹ xây dựng bên vĩ tuyến 17 và "đường mòn Hồ Chí Minh", đồng nghiệp muốn biết tôi vào chiến trường miền nam bằng cách nào. Tôi kể trong Chiến dịch xuân hè ở Quảng Trị năm 1972, tôi và đồng đội vượt sông Bến Hải ở đoạn thượng nguồn, dù máy bay trinh sát OV10 liên tục quần đảo trên trời, sẵn sàng bắn pháo khói chỉ điểm cho máy bay Mỹ xuất phát từ các hàng không mẫu hạm ở Biển Ðông đến oanh tạc. Ở đó, khi sáng sớm trời còn mù sương, chúng tôi cởi quần dài vắt lên vai, vừa đi vừa bám vào một dây cáp bằng thép được bộ phận giao liên căng trước để không bị cuốn trôi, vì nước không sâu nhưng chảy xiết.

Một điều mà người phương Tây rất chú ý là tâm lý của người Việt Nam nói chung, của Quân giải phóng nói riêng, trong những giây phút nguy hiểm và đã xử lý như thế nào để vượt qua. Vì thế, họ muốn biết về tình huống nguy hiểm đầu tiên tôi gặp ở chiến trường và tâm trạng của tôi. Tôi kể, đó là khi bơi qua sông Thạch Hãn trong đêm tối dưới tầm pháo của địch liên tục bắn ra từ Hải Lăng. Là người bơi lội kém nhất trung đội, nhưng ngoài sự giúp đỡ như mang hộ ba-lô, thì lời động viên của đồng đội là yếu tố quan trọng nhất giúp tôi có sức mạnh và can đảm để vượt sông tới bờ nam an toàn.

Theo báo chí phương Tây, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bộ đội ta hy sinh khá nhiều, họ muốn biết suy nghĩ, chính kiến của tôi về việc này. Tôi kể rằng, cuối năm 1972, đơn vị tôi (E 101, F 325) giao điểm "chốt" chợ Sãi ở phía đông Thành cổ Quảng Trị cho đơn vị bạn, nhận nhiệm vụ bảo vệ cảng Cửa Việt. Ở phía nam cảng, chúng tôi bị máy bay B.52 rải bom đúng nơi đóng quân. Sau đó trong tháng 1-1973, đối phương tiến hành cuộc tiến công có tên gọi là "cuộc hành quân Tangocity" với quy mô lớn dưới sự yểm trợ của không quân, hải quân Mỹ, khoảng 120 xe tăng, thiết giáp được huy động. Trong bối cảnh đó, việc bộ đội hy sinh mất mát là không thể tránh khỏi. Nhưng quân đội Mỹ với sức mạnh bom đạn và cả sự hung hãn, đã không thể lay chuyển ý chí của những người con đất Việt yêu nước, quyết chiến đấu để biến khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc thành hiện thực. Sau những lần "thuyết trình" như vậy, đến hôm nay, đồng nghiệp vẫn nói rằng, theo họ thì tôi "là một nhân chứng quý giá"!

Dựa trên những con số về tổn thất trong chiến tranh, thời gian qua, một số cá nhân ở trong và ngoài nước rêu rao rằng, công cuộc kháng chiến của chúng ta là một "cuộc chiến vô ích"! Tôi coi đây là sản phẩm từ mưu đồ chính trị đen tối của họ là thổi phồng các tổn thất để người dân suy giảm lòng tin đối với sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Thủ đoạn này không phải là mới. Những năm qua, ở châu Âu, những phần tử xét lại và lực lượng phát-xít mới đã vận dụng loại quan niệm này. Họ tuyên truyền rằng chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ không phải do lỗi của Ðức quốc xã, họ coi sự tàn sát hàng loạt người Do Thái là "dối trá"... Qua in-tơ-nét (internet) với mạng xã hội, những quan điểm nguy hiểm đó có thể thấm vào đời sống tinh thần của một số người, đặc biệt là người trẻ, cho nên những người chính trực đã lên tiếng nghiêm khắc cảnh cáo và bác bỏ luận điệu dối trá. Với Việt Nam, bằng nhiều cách và thủ đoạn tinh vi, các cá nhân, tổ chức chống cộng ở nước ngoài đã và đang tiến hành một cuộc chiến nhằm chống lại tiến trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta qua các khẩu hiệu "dân chủ", "nhân quyền", "tự do tôn giáo, tự do báo chí"... Một thủ đoạn khác là họ lợi dụng, xuyên tạc, soi mói và thổi phồng một số tệ nạn, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay, cho dù các tệ nạn xã hội này xảy ra hằng ngày ở chính phương Tây, như tham nhũng, cướp giật, thất nghiệp...

Hằng năm về nước, chứng kiến bao nhiêu sự đổi thay của đất nước, tiếp xúc với rất nhiều người vẫn đang đau đáu và nỗ lực với sự nghiệp cách mạng, tôi tin là trước sau những hoạt động chống phá kể trên nhất định sẽ bị thất bại. Cơ sở cho sự quả quyết này là lòng tin của người dân đối với Ðảng, Nhà nước và niềm tin vào tương lai dân tộc. Là người Việt Nam sống ở nước ngoài, qua quan sát, tìm hiểu và suy nghĩ, tôi hiểu những vấn đề "đau đầu" của phương Tây, để từ đó hiểu và cảm thông với quê cha đất tổ. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tôi đã được học bài học đầu tiên về lòng yêu nước. Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước" như ngấm vào máu của tôi. Sau này lớn lên, khoác ba-lô ra trận, cũng như trong quá trình học tập, sinh sống ở nước ngoài, lời của Người là một trong những tri thức cơ bản chi phối mọi suy nghĩ, hành động của tôi với quê hương. Hôm nay, đất nước đang sống trong hòa bình và hạnh phúc, nhưng lời Bác Hồ vẫn luôn luôn có ý nghĩa to lớn. Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới vẫn cần phải tiếp tục phải dựa trên nền tảng và phát huy ý nghĩa cao cả của lòng yêu nước.

Trong lần về thăm lại chiến trường xưa năm 2013, sau khi viếng thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ, tôi cùng các cựu chiến binh trung đội năm xưa đã tìm đến mảnh vườn của một gia đình nông dân tại thôn Ðầu Kênh (xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị). Ở đó, ngày 30-7-1972, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - tác giả cuốn nhật ký nổi tiếng Mãi mãi tuổi 20 và là chiến sĩ cùng trung đội thông tin với tôi, đã được mai táng. Chúng tôi thắp hương, đặt hoa trên bàn thờ mà gia đình chủ nhà đã làm cho anh Thạc, dù hài cốt đã đưa về quê ở Hà Nội. Trước bàn thờ anh Nguyễn Văn Thạc, nỗi xúc động nghẹn ngào và bao nhiêu kỷ niệm xưa trỗi dậy! Các anh đã trở thành biểu tượng "mãi mãi tuổi hai mươi" cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Máu của các anh đã đổ xuống để chúng tôi có cuộc sống hạnh phúc hôm nay. Và dù ở xa Tổ quốc, nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục góp sức nhỏ của mình vào sự nghiệp mà vì nó, các anh đã chiến đấu và hy sinh.

Theo Nhân Dân



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất