Đến với Lễ hội gò Đống Đa không chỉ để tưởng nhớ nghĩa quân Tây Sơn,
biểu thị lòng tôn kính những người anh hùng áo vải cờ đào mà còn là dịp
để trở về với truyền thống, những giá trị văn hóa dân gian độc đáo.
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Cách
đây 228 năm, mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dũng mãnh,
dưới sự chỉ huy của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã
tiến công thần tốc, mãnh liệt, đánh tan hàng vạn quân Mãn Thanh do Tôn
Sĩ Nghị chỉ huy, giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự
do cho dân tộc.
Ngược dòng lịch sử, Triều đình Mãn Thanh từ khi
được thiết lập đã rắp tâm xâm lược nước ta, nhưng chưa tìm được cớ gây
hấn. Lợi dụng hành động "rước voi về giày mồ" của bè lũ phong kiến phản
động Lê Chiêu Thống, quân Thanh đã tràn sang xâm chiếm nước ta với một
lực lượng viễn chinh lớn gồm 20 vạn quân.
Trước tình hình thù
trong, giặc ngoài, nhận thấy nguy cơ chủ yếu là bọn phong kiến xâm lược
phương bắc, Nguyễn Huệ đã làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang
Trung, rồi nhanh chóng tiến công ra bắc. Ngày 15/1/1789, Nguyễn Huệ cùng
đại quân (sau khi đã tăng quân số lên đến 10 vạn người) và một đội
tượng binh lớn gồm vài trăm voi chiến đã ra đến Tam Điệp, hội quân với
Đại tư mã Ngô Văn Sở, chuẩn bị phản công quân Thanh.
Nắm được kế
hoạch và cách bố trí lực lượng của địch, Quang Trung đã chia quân Tây
Sơn ra làm 5 đạo chính và đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu (25/1/1789), đạo quân
chủ lực do Quang Trung chỉ huy đã vượt sông Gián Thuỷ, mở màn cuộc đại
phá quân Thanh. Các đồn tiền tiêu của địch như Gián Khẩu, Thanh Quyết,
Nhật Tảo... lần lượt bị hạ. Không một tên lính nào chạy thoát.
Nửa
đêm mùng 3 Tết Kỷ Dậu (ngày 28/1/1789), quân Tây Sơn bí mật bao vây đồn
Hạ Hồi (cách Thăng Long khoảng 20 km), uy hiếp địch và bắt sống hàng
vạn quân Thanh. Mùng 4 Tết (ngày 29/1/1789), quân Tây Sơn tiếp cận Ngọc
Hồi. Lúc này, đạo quân thứ ba do Đại đô đốc Bảo chỉ huy cũng tập kết tại
phía Tây Nam Ngọc Hồi, cùng chuẩn bị tiến công.
Sáng mùng 5 Tết
Kỷ Dậu (ngày 30/1/1789), quân Tây Sơn bất ngờ tấn công với thế xung trận
mạnh như triều dâng, bão cuốn đã phá huỷ các chiến luỹ và toàn bộ trận
địa phòng thủ mặt Nam đồn Ngọc Hồi…
Đạo quân thứ hai do Đô đốc
Đặng Tiến Đông chỉ huy cũng đồng thời mở cuộc tiến công hết sức bất ngờ
vào đồn Đống Đa. Bằng khí thế áp đảo, quân Tây Sơn với đội hình bày sẵn,
xông thẳng vào đồn trại địch, đốt phá các doanh trại phía ngoài rồi
nhanh chóng đánh thọc sâu vào sở chỉ huy của địch. Chỉ trong chốc lát,
số quân Thanh bị chết và bị thương đã lên đến 5.000 người.
Trước
thế cùng, lực kiệt, Sầm Nghi Đống đã phải thắt cổ tự tử ngay tại sở chỉ
huy. Tiếp tục thế tiến công, đạo quân Tây Sơn đã thừa thắng, tiêu diệt
luôn các đồn Yên Quyết, Nam Đồng rồi nhanh chóng thọc sâu vào Thăng
Long, đồng thời uy hiếp vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị.
Quang
Trung đưa đạo quân chủ lực tiếp tục tiến đánh đồn Ngọc Hồi và cho đội
voi chiến chia làm 2 cánh tả, hữu, đánh vào 2 bên sườn. Quân Tây Sơn ào
ạt tiến lên, bất chấp đại bác, cung tên và hoả mù của giặc và tiêu diệt
hoàn toàn đồn Ngọc Hồi. Tàn quân Thanh tháo chạy về phía Đầm Mực nhưng
bị đạo quân thứ ba do Đại đô đốc Bảo chỉ huy tiêu diệt hoàn toàn.
Tại
đại bản doanh đóng ở cung Tây Long bên bờ sông Nhị, Tôn Sĩ Nghị vội
vàng qua cầu phao, nhằm hướng Bắc chạy trốn. Đại Nam chính biên liệt
truyện viết "Tôn Sĩ Nghị đóng trên bãi cát, được tin bại trận vội vàng
cưỡi ngựa một mình chạy về Bắc. Tướng sĩ thấy vậy tranh nhau qua cầu mà
chạy, cầu đứt, lăn ngã cả xuống sông, chết đến vài vạn người, làm cho
nước sông không chảy được".
Trận Ngọc Hồi - Đống Đa đại thắng đã
chứng tỏ nghệ thuật quân sự tuyệt vời của quân Tây Sơn. Đó là nghệ thuật
chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra bắc; là nghệ thuật tác chiến chiến
lược và trong riêng từng trận đánh - đó là nghệ thuật “chính, kỳ” cổ
điển. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Hoàng
đế Quang Trung Nguyễn Huệ đã đập tan mộng xâm lược của quân Thanh, giải
phóng hoàn toàn kinh thành Thăng Long, giữ vững nền độc lập dân tộc.
Chiến
thắng này còn đánh dấu việc nhà Tây Sơn chính thức thay nhà Hậu Lê
trong việc cai quản đất Bắc Hà và trong quan hệ với nhà Thanh.
Về lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Lễ
hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức hằng năm tại
Công viên văn hóa Đống Đa, Hà Nội để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng
của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm
của dân tộc.
Ngoài những nét văn hóa khá tương đồng với lễ hội
Tây Sơn Thượng đạo (An Khê - Gia Lai), Tây Sơn Hạ đạo (Bình Định), lễ
hội gò Đống Đa có những điểm khác biệt rất độc đáo và hấp dẫn.
Lễ
hội luôn có những nghi lễ truyền thống đặc biệt, cờ hoa rực rỡ, sắc
phục lộng lẫy rợp trời, chiêng trống thôi thúc xung trận, làm sống lại
những trang sử vẻ vang của dân tộc, làm náo nhiệt cả thủ đô Hà Nội. Sau
phần dâng lễ (thường là cỗ xôi yến tầng, mâm đầu lợn, mâm con gà, trầu
rượu, vàng hương…), ngũ bái tam khấu đầu (nghi lễ tế vua), đánh 2 hồi
trống chuông xin phép các thần linh, vua chúa, tướng lĩnh là vào phần
hội.
Phần hội thường có những nội dung chính như: đánh trống hiệu
lệnh của nghĩa quân Tây Sơn, tổ chức rước rồng lửa, đọc diễn văn, đọc
những câu nói nổi tiếng của vua Quang Trung như: “…Đánh cho nó chính
luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc
anh hùng chi hữu chủ”, biểu diễn múa rồng, múa lân, múa võ cổ truyền,
múa côn quyền, múa gậy đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Sau phần hội,
người dân vào chùa Đồng Quang (đối diện gò Đống Đa), chùa Bộc (gần đền
thờ vua Quang Trung) phát tâm thiện nguyện, nấu cháo, thắp hương cầu
siêu cho các cô hồn.
Hội gò Đống Đa đã có từ rất lâu đời, tuy
nhiên đến năm 1962, Nhà nước công nhận gò Đống Đa là Di tích lịch sử-văn
hóa cấp quốc gia thì các hoạt động văn hóa có thêm điều kiện phát triển
bài bản.
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa
(1789 - 1989), Đảng và Nhà nước ta đã quyết định thành lập Công viên Văn
hóa Đống Đa. Từ đó đến nay, các công trình ở gò Đống Đa lần lượt được
trùng tu, tôn tạo, xây dựng kiên cố, khang trang và các hoạt động văn
hóa, thể thao, tâm linh phát triển mạnh mẽ hơn…
Kim Chung (TTXVN)