Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, việc mở cửa thu hút vốn đầu
tư trực tiếp nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực
hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước.
Khẳng định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những thành viên
tích cực trong đại gia đình các doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc cho biết, Việt Nam tự tin và tiếp tục thực hiện nhất quán chủ
trương hợp tác đầu tư nước ngoài và luôn đồng hành với các nhà đầu tư
để hợp tác cùng có lợi, phát triển bền vững.
Cần một chiến lược dài dạn
Tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt
Nam, tổ chức ngày 4/10, ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn
Chí Dũng cho biết, dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng giảm
và đang dịch chuyển theo các hướng thuận và không thuận đối với Việt
Nam. Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có khả năng tác
động làm điều chỉnh dòng đầu tư của Hoa Kỳ, EU từ Trung Quốc vào các
nước khác; trong đó, có Việt Nam. Việt Nam cũng gặp phải không ít khó
khăn trước áp lực cạnh tranh với một số nước ở khu vực trong thu hút
dòng vốn đầu tư quốc tế đang dịch chuyển.
Bên cạnh đó là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng và yêu cầu về xuất xứ
hàng hóa trong các hiệp định thương mại tự do ngày càng cao, áp lực đổi
mới công nghệ từ Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng là những thách thức
trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới đòi hỏi
Việt Nam phải xây dựng và thực hiện một chiến lược phát triển dài hạn.
Theo đó, mục tiêu tổng quát trong thời gian tới của Việt Nam là thu hút
các doanh nghiệp FDI đầu tư vốn, công nghệ cao, tiên tiến, quản trị hiện
đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất
và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo,
năng lực cạnh tranh quốc gia.
Việt Nam cũng tập trung ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành,
lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường,
năng lượng sạch, năng lượng tái tạo... đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng
xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng
và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào
tạo nguồn nhân lực trong nước trong thu hút và sử dụng đầu tư nước
ngoài.
Đẩy mạnh liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn
xuyên quốc gia với khu vực doanh nghiệp trong nước hình thành và phát
triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị, ngành có lợi thế
nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với
quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Đối với địa phương, sẽ thực hiện thu hút FDI phù hợp với lợi thế, điều
kiện, trình độ phát triển và quy hoạch từng địa phương trong mối liên
kết vùng, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế-xã hội -môi trường.
“Việt Nam không thu hút những dự án có công nghệ lạc hậu, không thân
thiện với môi trường vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực. Thời
gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ xây dựng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn và chương trình hành
động cụ thể”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian trưng bày tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Con đường nào để thành công?
Tại Hội nghị, các nhà đầu tư nước ngoài đã thẳng thắn chia sẻ những bất
cập cũng như gợi ý cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài trong
thời gian tới.
Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội chỉ ra các
rủi ro kinh doanh khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam gồm chi phí nhân
công cao, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng pháp luật chưa rõ
ràng, tính phức tạp trong thủ tục hành chính, thuế quan… Trước thực tế
trên, JETRO kiến nghị Việt Nam cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ
hơn nữa. Việt Nam cần làm rõ lĩnh vực muốn tập trung chú trọng trong sản
xuất chế tạo, chỉ khi đó, Nhật Bản mới có thể hợp tác hỗ trợ một cách
thuận tiện và hiệu quả hơn. Việt Nam cần nâng cao đào tạo nguồn nhân lực
có tay nghề, trình độ cao hơn.
Giám đốc quốc gia cấp cao tại Việt Nam, Campuchia và Lào (IFC), ông Kyle
F.Kelhofer cho rằng, chiến lược thu hút FDI thế hệ mới cần trọng tâm
chuyển từ việc tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp với những gì Việt Nam đang có
sang xây dựng môi trường đầu tư, phát triển yếu tố phù hợp cho loại
hình đầu tư mà Việt Nam cần thu hút. Khi xây dựng chiến lược phải linh
hoạt, có điều chỉnh cần thiết, phù hợp với thay đổi từ phía FDI.
“Việt Nam phải chuyển từ xúc tiến đầu tư thụ động sang chủ động có mục
tiêu. Xây dựng môi trường đầu tư 4.0 phù hợp với nhu cầu của doanh
nghiệp trong thời đại công nghệ số. Việt Nam phải có sự nhảy vọt từ thế
“bám đuổi” sang tạo lập môi trường đầu tư vượt trội. Những quy định kiểu
giấy tờ, thủ tục rườm rà đã lạc hậu cần thay thế bằng giải pháp trực
tuyến thuận lợi cho người sử dụng", ông Kyle F.Kelhofer kiến nghị.
Cùng quan điểm, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc
tại Việt Nam (KOCHAM) cho rằng, Việt Nam cần nâng cao tính cạnh tranh
của môi trường đầu tư kinh doanh trong bối cảnh mới. Việt Nam nên mạnh
dạn đầu tư hạ tầng mới có được hoạt động chất lượng cao và bảo đảm nguồn
nhân lực về khoa học kỹ thuật.
“Môi trường đầu tư với ưu đãi về thuế chưa đủ đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi
mong muốn chính sách thân thiện toàn diện của Chính phủ mà thuế chỉ là
một phần nhỏ. Đặc biệt, các thủ tục hành chính được xử lý rõ ràng minh
bạch và nhanh chóng. Với nhà đầu tư chúng tôi, mức độ tin cậy là ưu tiên
hàng đầu”, ông Ryu Hang Ha cho biết.
Đối với khu vực đầu tư trong nước, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho
rằng, việc quan trọng là Việt Nam cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp
phát triển. Hiện nay, Việt Nam xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và
vừa, xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thúc đẩy công nghệ
cho doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam lớn
mạnh. Lúc đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào sân chơi chung
và kết nối với các doanh nghiệp FDI và tham gia vào các chuỗi giá trị
toàn cầu.
Tiếp tục hoàn thiện khung chính sách
Đến thời điểm này, nguồn vốn FDI có mặt ở tất cả các địa phương trên cả
nước. Sau 30 năm đổi mới và mở cửa với quốc tế, Việt Nam đã trở thành
một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất trong khu vực. Đạt
được những thành tựu trong thời gian qua, là do Việt Nam có nhiều lợi
thế như ổn định về chính trị, nhất quán về chính sách và quan trọng là
cải cách môi trường đầu tư quyết liệt, điều này cho thấy sự cầu thị của
Chính phủ trong thu hút FDI.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khu vực
đầu tư nước ngoài là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và đang
đồng hành lớn lên với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những thành viên tích cực
trong đại gia đình các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam tự tin và tiếp
tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài.
Nêu rõ quan điểm Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ
nhấn mạnh, Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn đầu tư
nước ngoài luôn là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Sau 30 năm
thu hút đầu tư nước ngoài, nay Việt Nam thực hiện chính sách “hợp tác
đầu tư nước ngoài” với nội hàm mở rộng hơn.
Hợp tác đầu tư nước ngoài là hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua
lại, sáp nhập, đặc biệt hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao
động, bảo đảm các lợi ích xã hội. Hợp tác đầu tư nước ngoài là mang tính
chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn và điều quan trọng là có lựa chọn,
dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất,
nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.
“Xuất phát từ thực tiễn của đất nước, chúng ta tiếp tục thu hút vốn đầu
tư nước ngoài để giải quyết lao động, việc làm ở các vùng nông thôn,
miền núi. Còn khu vực thành phố phát triển, thị xã thì ưu tiên thu hút
đầu tư kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao… Đây là quan điểm nhân văn của
phát triển bền vững, bao trùm, chia sẻ thành quả phát triển với mọi
người dân”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương
tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần, đó là: giữ vững
ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này đòi hỏi phải
thống nhất tư tưởng, nhận thức về hợp tác đầu tư nước ngoài và triển
khai đồng bộ, sáng tạo các biện pháp về kinh tế-xã hội, an ninh, quốc
phòng, đối ngoại.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư; trong
đó có thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn
lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế
tự chủ. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên
kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đầu tư nước
ngoài trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp
hỗ trợ....
Chính phủ Việt Nam nhất quán tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách
hợp tác đầu tư nước ngoài và cam kết xây dựng môi trường đầu tư ngày
càng thuận lợi, mang tính cạnh tranh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế
tiên tiến và phù hợp với các cam kết tiêu chuẩn cao trong các hiệp định
thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.
“Chính phủ luôn lắng nghe và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp
tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững. Sự thành công của các bạn tại
Việt Nam cũng chính là thành công, niềm tự hào của chúng tôi”, Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định./.
(TTXVN)