Thứ Tư, 9/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 4/11/2010 22:49'(GMT+7)

Chính phủ đồng ý bán USD cứu tỷ giá

 

Ông Lê Đức Thuý, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho hay, tối 3/11, thường trực Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và các Bộ ngành liên quan đã có cuộc họp khẩn bàn về một số tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó tập trung 2 vấn đề tỷ giá và lãi suất.

Cương quyết nói không với điều chỉnh tỷ giá

Tại cuộc họp, các thành viên đều chung nhận định, cơn sốt USD hiện nay đã đưa tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng cao và vượt xa so với tỷ giá chính thức ngân hàng. Điều này gây tác động bất ổn cho thị trường và nền kinh tế.

Xu hướng này diễn ra liên tục trong hơn nửa tháng nay buộc Chính phủ phải có thái độ và các biện pháp cần thiết để đẩm bảo ổn định thị trường và kinh tế vĩ mô.

Sau khi cân nhắc các biện pháp, Chính phủ quyết định từ nay đến cuối năm không điều chỉnh tỷ giá như mọi lời đồn đoán.

Tuy nhiên, ông Thuý cho biết, để bình ổn thị trường, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp can thiệp cụ thể, đúng thời điểm. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán USD đầy đủ cho các ngân hàng thương mại, đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết.

Ông Thuý nói thêm, trong tháng 9, Ngân hàng Nhà nước mua vào được 300 triệu USD, nhưng tháng 10 đã bán ra để can thiệt thị trường 200 triệu. Tuy nhiên, việc này chưa đủ để bình ổn và can thiệp thị trường nên cần có biện pháp mạnh mẽ hơn.

Lo ngại về việc bán ngoại tệ ra có thể ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, ông Thuý cho rằng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tuy có giảm so với thời kỳ đỉnh cao (23 tỷ USD công bố trước đây), nhưng lượng còn lại vẫn khá lớn và đủ sức cho Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào thị trường.

Hơn nữa, việc dự trữ ngoại hối có mục đích cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường thì phải sử dụng nguồn lực này một cách hợp lý nhất.

Về dài hạn, sẽ tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, nhưng việc mua vào lúc nào và tăng lượng dự trữ lên phải chọn thời điểm hợp lý.

Người đứng đầu Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, việc tăng tỷ giá như một số người kỳ vọng là hoàn toàn không có lợi - điều này sẽ gây bất ổn trên thị trường, làm giảm lòng tin của người dân vào tiền đồng và chính sách điều hành kinh tế.

"Việc tăng tỷ giá thường nhằm mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu và giảm nhập siêu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng khá tốt, khoảng 23%, nhập siêu giảm mạnh. Thực tế cũng cho thấy, công cụ này thường không phát huy nhiều tác dụng thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu", ông Thuý nói.

Mới đây, trả lời phỏng vấn Bản tin Tài chính của VTV, ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, khuyến cáo, Việt Nam không nên điều chỉnh tỷ giá. Lý do quan trọng nhất là nền kinh tế Việt Nam nói chung đang ổn định, không có những nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng.

Theo ông Ayumi Konishi, mặc dù lạm phát đang tăng nhưng chủ yếu do tiền học phí tăng và ảnh hưởng bởi lũ lụt khiến giá cả hàng hoá tăng giá theo, nhưng lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Đối với cán cân thanh toán và thương mại, thâm hụt vẫn nhỏ hơn thặng dư, tài khoản vốn.

Nói cách khác, thâm hụt hoàn toàn có thể được giải quyết bằng tiền gửi đầu tư trực tiếp và chi tiêu thương mại của các dự án ODA.

"Trong khi Mỹ đang có biện pháp điều chỉnh nền kinh tế, nhiều khả năng đồng USD sẽ giảm giá. Đây cũng là lý do khiến Việt Nam không cần phá giá VND", ông đánh giá.

Theo ADB, những nhân tố đằng sau khoảng cách tỷ giá USD niêm yết và thị trường tự do chủ yếu do tâm lý và đầu cơ, điều này sẽ không tồn tại lâu. Phá giá VND sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản mà sẽ chỉ làm cho kỳ vọng về vấn đề phá giá tiếp tục được thực hiện.

Ông Ayumi Konishi nói: "Nếu Việt Nam phá giá tiền đồng, chắc chắn lạm phát sẽ tăng lên. Bây giờ, các bạn cần giảm lạm phát".

Về ngắn hạn, Việt Nam cần có ngay các biện pháp thắt chặt tiền tệ để giảm sức ép tăng giá, trong trung hạn cần giảm lạm phát xuống ngang bằng các nước Đông Nam Á. Đồng thời, Việt Nam cần nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường tính hiệu quả của thị trường. Khống chế giá cả không phải là công cụ hiệu quả mà chỉ gây hiệu ứng xấu.

Thả nổi lãi suất

Cùng với quyết định không tăng tỷ giá, Chính phủ cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước không tiếp tục thực hiện yêu cầu giảm lãi suất đối với các ngân hàng thương mại, mà để các ngân hàng thực hiện lãi suất tiền đồng theo thị trường, hạn chế sự méo mó trên thị trường tiền tệ hiện nay.

Ông Lê Đức Thuý nhận định, với thực tế hiện nay thì sau quyết định thả nổi này, lãi suất có thể theo xu hướng tăng lên. Mức lãi suất huy động có thể tăng lên 12-13%, cho vay là 13-15%, tuy nhiên đây không phải là mức tăng đột biến mà thực tế trên thị trường hiện nay cũng đã xảy ra điều đó.

Ông Thuý cho rằng, việc tăng lãi suất tiền đồng sẽ làm cho đồng Việt Nam có giá hơn, giúp ổn định tâm lý và tạo niềm tin và điều hành thực tế. Điều này có thể sẽ giúp ngăn chặn đà tăng cao của lạm phát vào cuối năm.

Theo ông Thuý, việc tăng lãi suất cũng có thể xem là một động thái thắt chặt tiền tệ. Đây là xu hướng phù hợp trong tình hình hiện nay.

Theo VietNamNet

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất