Thứ Tư, 9/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 3/11/2010 21:6'(GMT+7)

Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và tầm nhìn 2020

Tại hội thảo hầu hết các ý kiến đều nhận định, tuy tham gia vào thị trường xuất khẩu thủy sản muộn hơn nhiều nước trên thế giới, nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện nay đã tăng trưởng nhanh nhờ lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Điển hình như trong các năm 2009, 2010, Việt Nam là một trong năm quốc gia xuất khẩu tôm đông lạnh lớn nhất vào thị trường Nhật Bản. Dự báo trong năm 2010, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta có thể đạt hơn 4,5 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản đến thị trường của 164 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm chủ lực là tôm, cá basa, mực, cá biển và nghêu đông lạnh.

Ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngành thủy sản Việt Nam đã có bước tăng trưởng ấn tượng, tuy nhiên trong thời gian tới cần chọn ra những sản phẩm chủ lực để khai thác, trong đó ưu tiên hàng đầu là cá ngừ đại dương, cần tổ chức lại 3 tỉnh chính khai thác cá ngừ đại dương là Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Định. Bên cạnh đó là nuôi tôm hùm và nghêu. Về vấn đề quản lý nhà nước, nên có những chính sách khuyến khích sự liên kết nhau và xử lý nghiêm những trường hợp làm ăn không chân chính. Nhà nước cũng cần mở đường xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường. Theo ông Phương, nếu thực hiện triển khai tốt những biện pháp nêu trên, đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể đạt từ 7 tỷ đến 8 tỷ USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đến năm 2015, Việt Nam phấn đấu giữ vững nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu từ 8-10%/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 6,5 tỷ USD. Đến năm 2020, ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thương hiệu mạnh và uy tín trên thị trường với giá trị xuất khẩu đạt mức 8 tỷ USD. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng khuyến cáo, trong thời gian tới, các nước nhập khẩu thủy sản sẽ tăng cường các biện pháp phòng vệ thông qua các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật. Các quy định thị trường không chỉ tập trung vào vấn đề an toàn thực phẩm mà còn mở rộng hơn qua các lĩnh vực bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và bảo vệ nguồn lợi. Vì thế, để xuất khẩu thủy sản đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam cần đổi mới quản lý và hiện đại hóa công nghiệp chế biến xuất khẩu, hoàn thiện hệ thống chất lượng từ ao nuôi đến bàn ăn theo tiêu chuẩn quốc tế, có cơ chế, chính sách phù hợp để tăng sức cạnh tranh ./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất